Vì sao nên bôi thuốc mỡ sau khi bấm lỗ tai?

Mặc dù là một trong những phương pháp làm đẹp lâu đời nhất, thể hiện sự duyên dáng, nữ tính và cá tính ở người phụ nữ thì theo hầu hết các chuyên gia việc bấm lỗ tai hay xỏ khuyên là điều không được ủng hộ. Điều này được giải thích rằng việc bấm lỗ tai có thể ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe bởi đây không phải là một hành động tự nhiên, không chỉ làm tổn thương mà còn đưa vật lạ vào cơ thể. Chính việc làm này là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn.

Tuy vậy, có thể chỉ là điều bình thường nếu bạn chỉ bấm từ 1 đến 2 lỗ tai ở dái tai vì sẽ ít có khả năng gây tổn thương lớn đến cơ thể. Ngược lại, việc bấm các lỗ khuyên trên mô sụn ở tai không chỉ làm cho mô sụn bị tổn thương mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, thậm chí gây viêm màng não.

Thông thường, da sẽ bị tổn thương sau khi bấm lỗ tai, khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều protein, đặc biệt là collagen tập trung tại phần tai để nhanh chóng chữa lành vết thương. Sau một thời gian, phần lớn các vết thương do bấm lỗ tai sẽ tự động dần lành lặn và mờ đi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, việc bấm lỗ trên tai sẽ khiến cho vết thương này không ngừng phát triển dẫn đến các triệu chứng nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan sang các vùng da bên cạnh gây ngứa, nhiễm trùng, hình thành sẹo lồi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Không vệ sinh sạch sẽ vùng bấm khuyên tai, tháo khuyên tai quá sớm khi vết thương chưa lành, tiếp xúc nguồn nước bẩn ở ao hồ, sông suối khi tắm, đeo khuyên tai không đúng cách hoặc cũng có thể do trong quá trình liền sẹo vết thương bị tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí.

Chính vì thế, nếu bạn càng có nhiều lỗ bấm khuyên tai thì nguy cơ tai bị nhiễm trùng càng cao.