Sinh con một bề được miễn giảm học phí có đúng không?

1. Sinh con một bề được miễn giảm học phí có đúng không?

Sinh con một bề được hiểu là tất cả các con được sinh ra của một cặp vợ chồng cùng một giới tính sinh học. Ví dụ nếu một người mẹ sinh ra hai đứa con trở lên cùng là con trai hoặc con gái thì đó gọi là sinh con một bề. Chỉ khi sinh 2 con cùng giới tính mới gọi là sinh 2 con một bề, còn sinh 3, sinh 4… đều không gọi là sinh 2 con một bề.

Theo quan niệm của người xưa thì một gia đình cần phải “đủ nếp, đủ tẻ” tức là đủ cả trai lẫn gái. Quan điểm này đến nay vẫn tồn tại trong không ít bộ phận người dân dẫn đến tình trạng sinh con không có kế hoạch, vượt quá điều kiện của gia đình. Để hạn chế tình trạng này Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ và khuyến khích đối với những cá nhân, gia đình sinh con một bề để cam kết không sinh thêm con thứ 3, cụ thể được quy định Tại Điều 4 thông tư 01/2021/TT-BYT như sau:

+ Hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh hai con một bề cam kết không sinh thêm con như việc tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan con học giỏi, thành đạt

+ Xem xét miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh

+ Hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.

Tuy nhiên, Không phải trường hợp nào sinh con một bề cũng nhận được sự hỗ trợ, việc hỗ trợ này phải dựa vào chủ trương của từng địa phương. Các địa phương sẽ hưởng ứng tinh thần của thông tư 01/2021/TT-BYT chủ động lựa chọn và ra quyết định hỗ trợ đối với các cặp vợ chồng sinh 2 con một bề và cam kết không sinh thêm con thứ 3. Có thể nói, thông tư 01/2021/TT-BYT chỉ là căn cứ để các địa phương xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, còn lộ trình thực hiện ra sao còn tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại từng địa phương.

Hiện nay đã có một số địa phương thực hiện việc hỗ trợ cho các gia đình khi sinh 02 con một bề. Tiêu biểu là tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ giới tính khi sinh tại Đồng Nai là 107 bé trai/100 bé gái, nằm trong chuẩn cân bằng giới tính của Việt Nam (từ 103-107 bé trai/100 bé gái khi sinh ra). Tỉnh Hậu Giang cũng đã hưởng ứng thông tư 01/2021/TT-BYT và ra Nghị quyết 21/2018/NQ-HĐND quy định sẽ tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh cho gia đình nào sinh đủ 01 con gái một bề khỏe mạnh, dạy con ngoan, mẹ vẫn còn đang trong độ tuổi sinh đẻ và không vi phạm chính sách dân số từ khi sinh con thứ 2. Đối với gia đình sinh đủ 02 con gái một bề thì được tặng bằng khen của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố. Các gia đình khi được nhận bằng khen sẽ được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở tương đương 1,49 triệu đồng đối với giấy khen của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, còn đối với giấy khen của chủ tịch ủy ban nhân dân ấp huyện thì được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở, tương đương 447 nghìn đồng (Căn cứ theo Điều 73 Nghị định 91/2017/NĐ-CP)

2. Xúc phạm người sinh con một bề bị xử lý như thế nào?

Tâm lý chuộng con trai hơn con gái của người dân Việt Nam đã có từ rất lâu, với quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường còn sinh con gái thì cũng chỉ là con người ta mà thôi. Với quan niệm sai lầm này đã khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam ngày càng trầm trọng Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021 cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái, đến năm 2023 thì tình trạng này vẫn đang có xu hướng tăng. Mất cân bằng giới tính khi sinh trước đâychỉ xảy ra chủ yếu ở thành thị và vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra hầu khắp cả nước. Tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang ở mức cảnh báo, theo thống kê thì Việt Nam nằm trong top các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất Đông Nam Á.

Nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính này chính là do quan điểm lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thỉnh thoảng ta vẫn thường hay nghe được những lời diễu cợt như “Nhà này không biết đẻ con trai, sinh ra toàn một lũ con gái”, ” Anh không biết đẻ con trai là anh thua em rồi”, “Phải đẻ được một thằng con trai sau này nó còn thờ cúng mình, con gái lấy chồng rồi thì không còn là con mình nữa”,… Đây là những câu nói rất thiếu văn hóa, con nào mà chẳng là con, con gái hay con trai đều đáng quý. Vậy những người có những lời nói, hành vi xúc phạm đến người sinh con một bề thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì người nào có những lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự nhân phẩm của người sử dụng biện pháp tránh thai hoặc xúc phạm những người chỉ sinh toàn con trai, toàn con gái thì sẽ bị phạt cnarh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Mức phạt tại Nghị định này đã tăng so với Nghị định 176/2013/NĐ-CP là phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng

Ngoài ra, tại Điều 101 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định, người nào có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải mang thai hay phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc toàn con gái thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Phạt tiền tufe 7 triệu đồng đến 10 triêu đồng với người có hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai khi họ đã sinh toàn con trau hoặc toàn con gái

Các mức phạt vừa nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi

Như vậy với hành vi xúc phạm người sinh con một bề sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục xin miễn giảm học phí:

Như vừa phân tích tại mục 1 thì khi sinh con một bề, được miễn giảm học phí khi đáp ứng những điều kiện sau:

+ Cặp vợ chồng sinh 02 (hai) con một bề (2 con cùng là nam hoặc cùng là nữ);

+ Cam kết không sinh thêm con;

+ Địa phương có quy định áp dụng chính sách miễn giảm học phí.

Nếu đáp ứng những điều kiện vừa nêu trên thì thủ tục để được miễn giảm học phí được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

+ Đơn đề nghị miễn giảm học phí

+ Giấy xác nhận về việc sinh con một bề

+ Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú

Bước 2: Nộp hồ sơ

Kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) chuẩn bị và gửi hồ sơ miễn giảm học phí tới cơ sở giáo dục theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử trong vòng 45 ngày làm việc

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Cơ sở giáo dục sau khi nhận được hồ sơ thì có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí

4. Đơn đề nghị miễn, giảm học phí:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________

ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

(Dùng cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên công lập)

Kính gửi: Tên cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Họ và tên (1) :…………

Là cha/mẹ (hoặc người giám hộ) của em (2) :……………

Hiện đang học tại lớp:………………

Trường:…………….

Thuộc đối tượng: (ghi rõ đối tượng được quy định tại Nghị định số…)

Căn cứ vào Nghị định số …/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tôi làm đơn này đề nghị được xem xét để được miễn, giảm học phí theo quy định hiện hành.

…, ngày… tháng … năm…

Người làm đơn (3)

(Ký tên và ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn điền đơn:

(1) Đối với đối tượng là trẻ em mẫu giáo ghi tên cha mẹ (hoặc người giám hộ), đối với học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên ghi tên của học sinh.

(2) Nếu là học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên trực tiếp viết đơn thì không phải điền dòng này.

(3) Cha mẹ (hoặc người giám hộ)/học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

+ Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

+ Thông tư 01/2021/TT-BHYT quy định, hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số