Sổ Mục Kê Đất Đai Và Giá Trị Pháp Lý

Trong thực tiễn hiện nay, nhiều hộ cá nhân, gia đình khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các thửa đất đã được tạo lập rất lâu, họ không có giấy tờ gì ngoài sổ mục kê đất đai.

Vậy sổ mục kê đất đai là loại giấy tờ gì, do ai lập và có giá trị pháp lý để làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không?

Định Nghĩa Sổ Mục Kê Đất Đai

Hiểu theo quy định pháp luật, trước hết sổ mục kê đất đai là kết quả của việc đo đạc địa chính, tổng hợp thông tin lập hồ sơ lưu trữ ghi nhận quá trình sử dụng của người sử dụng đất đối với một thửa đất.

Theo khoản 15 Điều 4 Luật Đất đai 2003 quy định: “Sổ mục kê đất đai là sổ được lập cho từng đơn vị xã, phường, thị trấn để ghi các thửa đất và các thông tin về thửa đất đó”.

Cụ thể, tại điều 20 thông tư 24/2014/TT- BTNMT quy định các nội dung chính về sổ mục kê đất đai như sau:

  • Bản đồ địa chính là thành phần của hồ sơ địa chính; thể hiện vị trí, ranh giới, diện tích các thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; được lập để đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các nội dung khác của quản lý nhà nước về đất đai.
  • Sổ mục kê đất đai là sản phẩm của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm: Số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.
  • Bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai được lập dưới dạng số và được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu địa chính để sử dụng cho quản lý đất đai ở các cấp; được in ra giấy để sử dụng ở những nơi chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hoặc chưa có điều kiện để khai thác sử dụng bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai dạng số.
  • Việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai được thực hiện theo quy định về bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Trường hợp chưa đo đạc lập bản đồ địa chính thì được sử dụng các loại tài liệu đo đạc khác để thực hiện đăng ký đất đai theo quy định như sau:
    1. Nơi có bản đồ giải thửa thì phải kiểm tra, đo đạc chỉnh lý biến động ranh giới thửa đất, loại đất cho phù hợp hiện trạng sử dụng và quy định về loại đất, loại đối tượng sử dụng đất theo Thông tư này để sử dụng.
    2. Nơi có bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thì phải kiểm tra, chỉnh lý cho phù hợp hiện trạng sử dụng đất và biên tập lại nội dung theo quy định về bản đồ địa chính để sử dụng;
    3. Trường hợp không có bản đồ giải thửa hoặc bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết thì thực hiện trích đo địa chính để sử dụng theo quy định về bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giá Trị Pháp Lý

Về giá trị pháp lý của sổ mục kê đất đai theo Luật đất đai 2013 không có qui định, tuy nhiên, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì một trong các loại giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai 2013 là “Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980”.

Như vậy, nếu hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, có tên trong sổ mục kê đất lập trước ngày 18/12/1980 là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Sổ mục kê đất đai chính là dữ liệu địa chính và là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét ai là người có quyền sử dụng, quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cũng như là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.