Các công dụng của cây lược vàng

Video tác dụng của rượu ngâm cây lược vàng

Cây lược vàng còn có những tên gọi khác như địa lan vòi, lan rũ cây giả khóm, cây bạch tuộc hay trái lá phất dũ… Với mỗi vùng miền khác nhau lược vàng sẽ có những tên gọi khác nhau. Cây lược vàng có tên khoa học là Basket Plant và Callisia Fragrans, thuộc họ Thài Lài. Đặc điểm nổi bật của loài cây này là rất ưa bóng râm, nên chúng thường được tìm thấy ở những nơi có khí hậu ấm, nhiều bóng râm.

Đặc điểm của cây lược vàng:

  • Cây thân thảo, nếu sống lâu năm thân cây có thể dài đến 1 mét;
  • Lá lược vàng hình elip dài. Chiều dài của lá trưởng thành có thể lên đến 25 cm và chiều rộng là 4cm;
  • Hoa mọc thành chùm, các chùm hoa lại xếp thành một trục dài và tạo thành một chùm lớn trông rất nổi bật. Trung bình mỗi chùm bao gồm 6-12 bông hoa màu trắng trong suốt và mùi thơm đặc trưng.

Theo lịch sử, cây lược vàng có nguồn gốc ban đầu là ở Mexico, sau đó phát triển và di thực đến Nga, miền Tây Ấn Độ, Việt Nam và một số khu vực ở Mỹ. Tại Việt Nam, cây lược vàng phổ biến ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, nhiều bóng râm. Tuy nhiên, do tác dụng của cây lược vàng có thể chữa nhiều bệnh lý khác nhau nên hiện nay nó được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tương tự một số loại thảo dược khác, tất cả các bộ phận của cây lược vàng như lá, thân, rễ đều có thể sử dụng làm dược liệu. Bình thường, lá cây lược vàng nên thu hái vào buổi sáng sớm để đảm bảo giữ lại toàn bộ dược tính. Lưu ý, các bộ phận của cây lược vàng sau khi thu hái cần rửa sạch, sau đó có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Để tận dụng công dụng của cây lược vàng, người dân có thể chế biến theo nhiều cách như sắc nước uống, đắp ngoài hoặc ngâm rượu.