Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã trở thành sự kiện trọng đại nhất trong thế kỷ XX, ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử nhân loại, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển và đảo lộn trật tự thế giới; là khâu đột phá đầu tiên vào dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc; đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại, mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để có được một chiến thắng “mười ngày làm rung chuyển thế giới” ấy thì cách mạng Tháng Mười cũng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động cách mạng. Đó là từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười (1917).
Bạn đang xem: Trang thông tin điện tử | Trường chính trị – Đắk Nông
Từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai
Cuối năm 1916, đầu 1917, nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và xã hội, chính trị trầm trọng. Chiến tranh càng kéo dài, càng phơi bày rõ rệt mọi sự lạc hậu về kinh tế và quân sự của đất nước, càng làm gay gắt mọi mâu thuẫn trong xã hội. Nền công nghiệp nước Nga đã không đảm bảo được yêu cầu của thời chiến. Trong khi đó, những kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh mang nặng tâm lý chiến bại. Quân Nga thua trận liên tiếp và tổn thất nặng nề.
Tình trạng bất mãn và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân tăng lên mạnh mẽ. Năm 1916, các cuộc bãi công của công nhân tăng gấp hai lần so với năm 1915. Nước Nga đã tiến sát cuộc cách mạng. Lênin cho rằng: “Nội dung xã hội của cuộc cách mạng sắp nổ ra ở nước Nga chỉ có thể là chuyên chính dân chủ – cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Cách mạng không thể thắng lợi ở nước Nga, nếu không lật đổ chế độ quân chủ và bọn địa chủ – nông nô. Song, giai cấp vô sản không thể lật đổ chúng nếu không được nông dân giúp đỡ”[1]. Trong điều kiện lịch sử mới, khác với cuộc cách mạng 1905 – 1907, Lênin chỉ ra: cuộc cách mạng dân chủ tư sản sắp tới ở Nga có nhiều khả năng thuận lợi và “hết sức gần” để chuyển sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ đầu năm 1917, làn sóng đấu tranh chống chính quyền đã bao trùm thủ đô Pêtrôgrat. Trong tháng Một, có 250 nghìn công nhân tham gia bãi công, sau tháng Hai đã lên tới hớn 400 nghìn người. Ngày 23/2 (ngày 8/3 theo Công lịch), hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng bộ Bônsevích Pêtrôgrat nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, chị em công nhân các nhà máy xuống đường biểu tình tuần hành, với nhiều khẩu hiệu như “Đả đảo chiến tranh”, “Đả đảo chế độ chuyên chế”, “Bánh mỳ”…Các cuộc biểu tình, bãi công đã nhanh chóng chuyển thành tổng đình công chính trị, chống chế độ và cuối cùng đi tới khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 27/2, khởi nghĩa bao trùm khắp thủ đô, công nhân chiếm các kho vũ khí và tự trang bị cho mình. Quần chúng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở thủ đô. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở thủ đô. Ngay trong ngày đầu tiên của cách mạng, Trung ương Đảng Bônsevích ra bản Tuyên ngôn tuyên bố chế độ Nga hoàng đã bị sụp đổ, kêu gọi công nhân và binh lính nhanh chóng thành lập chính phủ cách mạng lâm thời bao gồm các đại biểu nhân dân, thiết lập nền cộng hòa dân chủ, thực hiện các quyền tự do dân chủ và ý chí của nhân dân. Ở các thành phố và các địa phương đã nhanh chóng nổi dậy lật đổ chính quyền cũ, thành lập các Xôviết đại biểu công nhân, binh lính và Xôviết đại biểu nông dân. Các Xôviết – cơ quan của khối liên minh công nhân và nông dân, từ những cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa trở thành những cơ quan chính quyền cách mạng.
Có thể nói, cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai đã thắng lợi. Đó là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với nước Nga – chế độ Nga hoàng chuyên chế thống trị nhân dân từ bao đời nay đã bị sụp đổ trong vài ba ngày, nước Nga trở thành một nước cộng hòa dân chủ. Thắng lợi của cách mạng đã biểu dương nghị lực và sức mạnh to lớn của nhân dân Nga.
Xem thêm : Cá hồi nấu với rau mồng tơi được không? Bí quyết nấu ngon miệng
Tuy nhiên, sau cách mạng tháng Hai, ở Nga hình thành hai chính quyền song song tồn tại đó là Chính phủ tư sản lâm thời và Xôviết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Hai chính quyền này dựa vào nhau, nhưng lại là đại biểu cho lợi ích của các giai cấp khác nhau nên không thể cùng tồn tại trong một nước và sự xung đột là không thể tránh khỏi.
Đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại
Từ mùa thu năm 1917, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức trầm trọng. Nền kinh tế thực sự đứng trước thảm họa. Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính và các dân tộc thiểu số diễn ra sôi nổi với quy mô lớn. Một tình thế cách mạng đã được hình thành trong nước khi quần chúng nhân dân không thể sống tiếp tục như trước đây, giai cấp thống trị đã lún sâu vào khủng hoảng không thể tiếp tục thống trị như trước.
Tới giữa tháng Chín, Lênin nhận định “Hiện nay, tình thế đã thay đổi khác hẳn. Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiên phong của cách mạng, đội tiên phong của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân… Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta”[2]. Nước Nga tiến sát tới một cuộc khởi nghĩa vũ trang.
Theo quyết định của Trung ương Đảng Bônsevích, Lênin từ Phần Lan bí mật về Pêtrôgrat trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trong ngày 24/10, Lênin ba lần gửi thư cho Trung ương Đảng Bônsevích với yêu cầu phải khởi nghĩa ngay trong đêm nay. Nửa đêm, Lênin đến điện Xmônưi để trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở thủ đô. Cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu.
Trong đêm 24, rạng ngày 25/10, các đơn vị Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng và thủy binh hạm đội Bantich đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô. Đêm 25/10, quân khởi nghĩa tiến đánh Cung điện mùa Đông, các bộ trưởng của chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa ở Pêtrôgrat giành được thắng lợi hoàn toàn.
Cũng trong đêm 25/10, Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Đại hội thông qua lời kêu gọi “Gửi công nhân, bính lính và nông dân” do Lênin dự thảo. Đại hội ra quyết nghị: toàn bộ chính quyền ở các địa phương đều nhất loạt về tay các Xôviết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân và có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng thật sự.
Ngày 26/10, trong buổi họp thứ hai, Đại hội đã thông qua hai văn kiện đầu tiêm của chính quyền Xôviết – Sắc luật về hòa bình và sắc luật về ruộng đất do Lênin dự thảo. Sắc luật về hòa bình lên án cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và đề nghị các nước tham chiến hãy nhanh chóng đàm phán để ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng – không có thôn tín đất đai và bồi thường thường chiến tranh. Sắc luật về ruộng đất tuyên bố thủ tiêu không bồi thường ruộng đất của giai cấp địa chủ, quý tộc và của các sở hữu lớn khác, quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất. Đại hội đã cử ra Chính phủ Xô viết đầu tiên, được gọi là Hội đồng ủy viên nhân dân, do Lênin đứng đầu.
Tiếp theo thắng lợi ở Pêtrôgrat, chính quyền Xô viết được thành lập ở Mátxcơva và sau đó ở khắp mọi miền đất nước. Tới cuối tháng 11, chính quyền Xô viết được thành lập ở 28 tỉnh trong tổng số 49 tỉnh thuộc phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Đến cuối tháng 3/1918, chính quyền Xôviết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước. Đó là “thời kỳ – như Lênin gọi – tiến quân thắng lợi rực rỡ” của chính quyền Xô viết.
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử trọng đại, không những với nước Nga mà còn đối với thế giới.
Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước Nga – kỷ nguyên giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc không phải Nga được giải phóng, thoát khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình. Một chế độ xã hội mới – chế độ xã hội chủ nghĩa, được thiết lập ở mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc và công bằng cho mọi người lao động.
Cách mạng tháng Mười Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước xã hội Xô viết đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối lập – hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa
Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước. Chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Ngay sau thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga, một cao trào cách mạng vô sản đã giấy lên sôi nổi ở Châu Âu trong những năm 1918 – 1923, làm chấn động dữ dội nền thống trị của giới tư bản độc quyền ở nhiều nước. Từ trong cao trào đó, hàng loạt các Đảng và tổ chức cộng sản ở nhiều nước đã ra đời, đưa tới sự thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân thế giới – Quốc tế Cộng sản. Đánh dấu sự lớn mạnh và trưởng thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh. Thực tiễn của cách mạng Tháng Mười không những thức tỉnh và cổ vũ ý chí đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước: xu hướng đi theo ngọn cờ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin với nhận thức mới: phong trào đấu giải phóng của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, tính tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản đế quốc. Nhờ đó, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước đã phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi quan trọng. Cách mạng tháng Mười đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong cuộc đấu tranh giải phóng các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Với Việt Nam, từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười – con đường duy nhất đúng đắn – Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Điều đó, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện đại hội Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Đây là sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng nước ta, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện Đại hội Đảng.
Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Song, học thuyết Mác – Lênin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩaTháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng CNXH, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định.
Nguyễn Thị Dung
Bản in
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp