GIỚI THIỆU CHUNG
Thành phố Cần Thơ là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Giao thông đường bộ theo quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, Thành phố Cần Thơ cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 Km, đến các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 60- 190 Km. Cuối năm 2008, sân bay đưa vào hoạt động tuyến Cần Thơ- Hà Nội và trong năm 2010 nhiều chuyến bay nội địa đã được mở, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, Thành phố có địa hình tương đối bằng phẳng với thời tiết 2 mùa mưa nắng, nước ngọt quanh năm, môi trường sinh thái với nhiều kênh rạch đã tạo nên một vẽ đẹp hiền hòa của con người Cần Thơ nhân ái và thanh lịch.
Bạn đang xem: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, trải dài trên 65 Km dọc bờ Tây sông Hậu với diện tích tự nhiên 1.401 Km2, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009 có 1.188.435 người, có 65,89% là dân thành thị; dân tộc Kinh chiếm 96,95%; mật độ dân số 848 người/Km2, quận Ninh Kiều có mật độ dân cư đông nhất 8.407 người/Km2 và mật độ dân cư thấp nhất là huyện Vĩnh Thạnh 274 người/Km2. Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính bao gồm 5 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền) với 85 xã phường thị trấn.
Về địa hình: Bắc giáp tỉnh An Giang; Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; Tây giáp tỉnh Kiên Giang; Nam giáp tỉnh Hậu Giang.
Nằm trong giới hạn: 105độ 13’ 38’’ – 105 độ 50’ 35’’ kinh độ Đông. 9độ 55’ 08’’ – 10 độ 19’ 38’’ vĩ độ Bắc.
Khí hậu, thủy văn: Cần Thơ có khí hậu nhiệt đới, hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm 2009 là 27 độ C, lượng mưa trung bình 1.500- 1.800 mm/năm, tổng số giờ nắng 2.300- 2.500 giờ, độ ẩm trung bình là 83%.
Tài nguyên thiên nhiên: Cần Thơ nằm ở khu vực bồi tụ phù sa của sông Mêkong, trong đó Sông Hậu là con sông lớn với chiều dài chảy qua thành phố là 65 Km, tổng lượng phù sa của sông Hậu là 35 triệu m3/năm. Sông Cái Lớn dài 20 Km có khả năng tiêu thoát nước tốt. Sông Cần Thơ dài 16 Km đổ ra sông Hậu, nước ngọt quanh năm, có tác dụng tưới nước trong mùa nước kém vừa tiêu úng trong mùa nước đổ; đồng thời do có hệ thống kênh rạch dày đặc nên thuận lợi cho phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cần Thơ thuộc vùng đồng lũ nửa mở, bao gồm 3 dạng địa mạo: đê tự nhiên sông Hậu, đồng lũ nửa mở thuộc vùng tứ giác Long Xuyên và đồng bằng châu thổ. Cao trình phổ biến từ 0,8 – 1,0 m và thấp dần từ Đông bắc sang Tây nam. Địa bàn được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long.
Về thổ nhưỡng, có hai nhóm đất chính là nhóm đất phù sa chiếm 84% diện tích tự nhiên và 16% nhóm đất phèn. Khoáng sản thì có đất sét làm gạch ngói, sét dẻo, cát xây dựng, than bùn…Về tài nguyên sinh vật là đặc trưng cho vùng phù sa ngọt nhưng hiện nay cạn nguồn do tận dụng đánh bắt khai thác.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Xem thêm : Tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở là ai?
Vào thế kỷ thứ XVII, ông Mạc Cửu là người Châu Lôi ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Do không thuần phục nhà Thanh nên kéo tùy tùng đến Hà Tiên đầu phục Chúa Nguyễn. Tại đây ông đã chiêu mộ dân phiêu tán khẩn hoang mở vùng đất mới. Chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm Mậu Tý (1708) đã sắc phong cho ông làm Tổng binh trấn Hà Tiên và cho ông lập đồn binh ở Phương Thành. Năm 1732, Chúa Nguyễn phân định Nam bộ thành 3 dinh và 1 trấn gồm có: Trấn Biên Dinh thuộc vùng Biên Hòa, Phiên Trấn Dinh thuộc vùng Gia Định, Long Hồ Dinh thuộc vùng Vĩnh Long và 1 trấn là Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục sự nghiệp của cha đẩy mạnh công cuộc khai hoang mở đất đến 1739 thì hoàn thành xong việc khai mở và lập thêm 4 đạo là Long Xuyên, Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bắc Bạc Liêu) và sát nhập các đạo trên vào Hà Tiên. Với vị trí đắc địa Trấn Giang được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát thuận cho Mạc Thiên Tứ xây dựng thành một thủ sở mạnh ở miền Hậu Giang. Như vậy, đất Cần Thơ được khai mở với tên là Trấn Giang từ năm 1739.
Đối với thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn thì Cần Thơ có nhiều thay đổi địa giới hành chính như: Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Soái phủ Sài Gòn ra Nghị định lấy huyện Phong Phú cùng một phần huyện An Xuyên và Tân Thành lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ đặt tại làng Tân An. Đến năm 1954, Cần Thơ bao gồm huyện Châu Thành, Ô Môn, Phụng Hiệp, Trà Ôn, Cầu Kè. Năm 1956, Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Năm 1961, tách một phần Long Mỹ, Vị Thanh thành lập tỉnh Chương Thiện.
Chính quyền Cách Mạng trong kháng chiến chống Pháp vào hai năm 1948- 1949 điều chỉnh địa giới hành chính: Cần Thơ nhận thêm Thốt Nốt của Long Xuyên, Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá của tỉnh Rach Giá. Đồng thời Cần Thơ trả lại 2 huyện Cầu Kè và Trà Ôn cho Vĩnh Long và Trà Vinh. Tên gọi là tỉnh Cần Thơ. Tháng 11 năm 1954 chuyển Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao, thị xã Rạch Giá về tỉnh Rạch Giá. Trả huyện Kế Sách về tỉnh Sóc Trăng, Thốt Nốt về Long Xuyên. Năm 1957 nhận lại huyện Thốt Nốt, năm 1966 thành lập thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1969 tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ trực thuộc Khu Tây Nam Bộ, năm 1971 thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1972, thị xã Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu Tây Nam Bộ.
Thống nhất đất nước, Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 của Chính phủ về việc sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang. Tháng 12 năm 1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 ra Nghị quyết tách Hậu Giang thành 2 tỉnh- tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội khóa XI ra Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Nghị định số 05 của Chính phủ ngày 02/01/2004 tách tỉnh Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và lập tỉnh Hậu Giang. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889-QĐ/TTg ngày 24/6/2009 công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.
THÀNH PHỐ CẦN THƠ NGÀY NAY
Thành phố Cần Thơ là thành phố trẻ được thành lập sau so với các thành phố khác của cả nước. Tuy nhiên Cần Thơ có lịch sử hình thành và phát triển trên 130 năm, thời Pháp đô hộ đã thành lập những đồn điền, cơ sở công nghiệp, chợ, có bệnh viện, có trường College de Cần Thơ (nay là trường Châu Văn Liêm) tồn tại gần 100 năm. Là nơi hội tụ những danh nhân yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm. Bên cạnh đó, Cần Thơ có vị trí chiến lược kinh tế cũng như quân sự của vùng, đầu mối giao thông thủy bộ của Đồng bằng Tây Nam Bộ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL. Cần Thơ là 1 trong 5 đô thị loại l của Trung ương, có cảng quốc tế và sân bay Cần Thơ đang được mở rộng để thành cảng hàng không quốc tế, cầu Cần Thơ đã khánh thành và đi vào hoạt động. Có các công trình kiến trúc cổ như bến Ninh Kiều, Chợ cổ Cần Thơ, Ngân hàng nhà nước.
Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật phong phú như cảng Cần Thơ có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn, cảng biển Cúi Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 DWT với công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng trên 4-5 triệu tấn/năm, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã chính thức hoạt động vào cuối năm 2008 với các tuyến bay nội địa và các tuyến bay quốc tế hoạt động vào cuối năm 2010.
Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc có công suất 200 MW và đang xây dựng Trung tâm điện lực Ô Môn với công suất 2.800 MW, hiện nay đã có 01 tổ máy công suất 330MW đã hòa vào lưới điện quốc gia phục vụ cho vùng ĐBSCL và cả nước. Hai nhà máy cấp nước sạch có công suất 90.000 m3/ngày đêm, dự kiến đến năm 2010 xây thêm các nhà máy cung cấp nước sạch với công suất 150.000 m3/ngày đêm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho thành phố.
Cầu Cần Thơ bắt qua sông Hậu hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 24 tháng 4 năm 2010, nối liền trục giao thông bộ quan trọng giữa thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước; hệ thống bưu chính viễn thông hiện đại, đủ điều kiện cung cấp thông tin liên lạc giữa thành phố Cần Thơ với cả nước và các nước trên thế giới
Công nghiệp: Công nghiệp là thế mạnh quan trọng của thành phố Cần Thơ, đang được đầu tư phát triển với nhiều ngành nghề và đa dạng sản phẩm. Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp được đầu tư phát triển mạnh như: chế biến thủy hải sản, xay xát chế biến gạo, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc thú y – thủy sản dùng trong nông nghiệp, bia, tân dược, vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện,… Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất ngày càng được chú trọng và có xu hướng phát triển.
Xem thêm : Tiền mai táng phí cho thương binh là bao nhiêu?
Xác định ngành công nghiệp là đầu tàu phát triển công nghiệp hóa của thành phố từ nay đến năm 2020, thành phố tập trung phát triển công nghiệp sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp; chế biến tinh nông thủy sản sau thu hoạch của thành phố và các tỉnh lân cận; sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của thành phố và trong vùng; phát triển mạnh các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu dựa trên các lợi thế cạnh tranh. Các ngành công nghiệp mũi nhọn là chế biến lương thực – thực phẩm và đồ uống, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy móc thiết bị, hóa chất và các sản phẩm từ hóa sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới.
Nông nghiệp: Thành phố Cần Thơ có diện tích nông nghiệp khoảng 115.000 ha, được sử dụng để trồng lúa, hoa màu và các loại cây ăn quả. Hàng năm có thể sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, chế biến xuất khẩu từ 500.000-600.000 tấn gạo đặc sản xuất khẩu; cây ăn quả đa dạng, phong phú với sản lượng trên 100.000 tấn, thủy sản 200.000 tấn (chủ yếu là cá da trơn) và thịt gia súc gia cầm khoảng 20.000 tấn.
Thành phố đang đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ – kỹ thuật cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn với quản lý sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh và đa dạng hóa đất lúa, phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp nuôi thủy sản và du lịch vườn; xây dựng vùng chuyên canh rau màu an toàn, sạch phục vụ đô thị; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ – kỹ thuật cao; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và hoa kiểng cho nhu cầu đô thị và du lịch. Phát triển mạnh thuỷ sản với các loại hình nuôi bán công nghiệp, công nghiệp; nuôi luân canh lúa – thủy sản.
Thương mại – du lịch: Thành phố Cần Thơ có hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán hoạt động hiệu quả và ngày càng mở rộng, có 46 tổ chức tín dụng với 194 địa điểm giao dịch ngân hàng, 10 tổ chức bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính có uy tín trong và ngoài nước, 330 khách sạn, 6 làng du lịch, trong đó có 35 khách sạn từ 1 đến 4 sao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ của mọi đối tượng khách đến Cần Thơ, kể cả trong những dịp lễ hội, sự kiện lớn của thành phố.
Thành phố Cần Thơ có trên 120 doanh nghiệp đang kinh doanh xuất nhập khẩu, có quan hệ giao thương với hơn 90 quốc gia trên Thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Cần Thơ là thủy – hải sản chế biến (tôm, các các loại), gạo, trái cây, rau quả, giày, dép da, may mặc, và hàng thủ công mỹ nghệ; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các loại máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất, xăng dầu, phân bón, hóa chất, nguyên liệu dược, nông dược.
Thành phố đang đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ để thành phố trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của vùng ĐBSCL; gắn thị trường Cần Thơ với thị trường các tỉnh vùng ĐBSCL, các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và các nước trong khu vực; thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế. Phát triển thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Khuyến khích phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ ở ngoại thành gắn với quy hoạch các khu dân cư mới, phát triển giao thông, nhằm thúc đẩy phát triển ngành nghề, phân công lại lao động. Phát triển du lịch đặt trọng tâm vào hoạt động lữ hành, thu hút khách du lịch vào các khu du lịch sinh thái, du khảo văn hóa, hội thảo – hội nghị tại thành phố và các tỉnh lân cận. Phát triển các tour du lịch liên vùng và du lịch quốc tế song phương và đa phương. Tập trung tôn tạo, tu bổ và bảo tồn các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch hiện có, mở thêm các tuyến – điểm mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở vật chất của ngành du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ, liên kết với các tỉnh trong vùng xây dựng phát triển các điểm du lịch vệ tinh, xây dựng các sự kiện, lễ hội du lịch cho Cần Thơ và ĐBSCL. Mặt khác, tổ chức các tour du lịch công vụ, hội thi thể thao cấp vùng, xây dựng các chương trình du lịch trong và ngoài nước; đồng thời xây dựng đội ngũ nhân viên lành nghề, chiến lược sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến du lịch dài hạn.
Khoa học công nghệ: Thành phố có hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, các trường đào tạo kỹ thuật, Trung tâm công nghệ phần mềm, Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL và các cơ sở nghiên cứu khoa học khác, đã trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, hàng năm đào tạo trên 26.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và lao động chuyên nghiệp phục vụ cho thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Các Khu công nghiệp thành phố Cần Thơ: Thành phố hiện có 02 khu công nghiệp tập trung là khu công nghiệp Trà Nóc (Trà Nóc I, II) có diện tích 300 ha và khu công nghiệp Hưng Phú (Hưng Phú I, Hưng Phú II) diện tích 474 ha. Hiện nay, thành phố đang lập quy hoạch chi tiết cho 03 khu công nghiệp đã được thủ tướng Chính phủ chấp thuận là khu công nghiệp Thốt Nốt 600 ha, khu công nghiệp Ô Môn 600 ha và khu công nghiệp Bắc Ô Môn 400 ha.
Thành phố đang tăng cường vận động đầu tư; xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp của thành phố, các trung tâm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; vận động các tỉnh trong vùng ĐBSCL hình thành các “cụm công nghiệp đồng đầu tư “, hình thành Khu công nghệ cao; xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh, thực hiện các cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư.
–
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp