Thao túng tâm lý là gì mà trở nên 'hot trend'?

Người người “bắt trend”

Gần đây cụm từ “thao túng tâm lý” trở thành xu hướng, trên mạng xã hội, với nhiều dòng trạng thái được đính kèm cụm từ này. Không chỉ bạn trẻ mà những người nổi tiếng cũng nhanh chóng bắt “trend”.

Sử dụng cụm từ trên trong một dòng trạng thái “ngập tràn tình yêu” Hoa hậu Đại dương 2017, Lê Âu Ngân Anh viết: “Anh nói, tranh thủ hẹn hò rồi đúng hai tháng nữa là ở nhà nấu cơm nha. Nhưng mà, tui nhất quyết không để anh thao túng tâm lý nhé”.

Thao túng tâm lý là gì mà trở nên 'hot trend'?

Thao túng tâm lý là gì mà trở nên 'hot trend'?

Những người nổi tiếng cũng bắt “trend” thao túng tâm lý

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Anh Trần Việt Bảo Hoàng, CEO của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cũng hài hước đính kèm cụm từ “thao túng tâm lý” trong một bài đăng tuyển dụng nhân viên. Anh viết: “Một đội trẻ, lì, vui, bị mình thao túng tâm lý. Hay làm sai, ăn chửi, lặp đi lặp lại vòng tròn này”.

Không chỉ gây bão trên mạng xã hội mà trong giao tiếp hằng ngày, nhiều người cũng chọn cụm từ này để làm lý do cho một vấn đề nào đó.

Chị Nguyễn Nhật Hạ (28 tuổi, thợ cắt tóc ở Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Không biết học từ đâu mà mấy hôm nay chồng tôi cứ hay nói bản thân bị thao túng tâm lý. Lúc sáng trước khi đi làm, anh ấy còn nói với tôi rằng: “Hôm nay sao anh yêu vợ nhiều đến lạ, chắc là bị em thao túng tâm lý rồi”. Chị Nhật Hạ tìm hiểu trên internet và biết cụm từ trên được bắt nguồn từ vụ việc ồn ào của một cô gái. Thao túng tâm lý theo cách hiểu của chị Nhật Hạ là làm cho người khác tin tưởng bằng việc phô trương bản thân hay cố tỏ ra tội nghiệp.

Thao túng tâm lý là gì ?

Về mặt tâm lý học, thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt, lý giải thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tâm lý, gây ra những ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc bóp méo tinh thần, bạo hành tâm lý và cảm xúc với mục đích chiếm lấy quyền lực, quyền kiểm soát, lợi ích hoặc một đặc quyền nào đó của nạn nhân.

“Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kể môi trường nào. Bất kỳ một người nào cũng có thể là người thực hiện hành vi thao túng tâm lý người khác. Đó có thể là người yêu, bố mẹ, anh chị em ruột, vợ/chồng, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là cấp trên của chúng ta”, thạc sĩ Nhân cho biết.

Một số hành vi thao túng tâm lý thường thấy

Theo thạc sĩ Nhân, một hình thức khác để thao túng tâm lý là hình thành cảm giác tội lỗi, gây hoang mang cho nạn nhân. Người thao túng có xu hướng đóng vai nạn nhân, nhắc nhớ về những vấn đề trong quá khứ, hoặc là lặp đi, lặp lại những điều tốt đẹp họ đã từng làm cho nạn nhân để khiến nạn nhân luôn có cảm giác tội lỗi, hoặc mang rất nhiều ơn nghĩa, tình cảm gắn kết với người thao túng.

Ngoài ra, đối tượng có thể thực hiện hành vi im lặng trong thời gian dài, tuyệt nhiên không giao tiếp bất kỳ điều gì với nạn nhân. Trong khi đó, nạn nhân sẽ cảm thấy đầy rẫy những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén trong họ mà không có cách nào để giải quyết, ông Nhân lưu ý.

Một hành vi khác là người thao túng sẽ so sánh nạn nhân với những người xung quanh đặc biệt sẽ là một hình mẫu lý tưởng nào đó mà nạn nhân cũng quen biết. Điều này khiến nạn nhân hình thành trạng thái tự ti và không tin vào chính mình nữa.

Thao túng tâm lý là gì mà trở nên 'hot trend'?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân

NVCC

“Và cuối cùng là người thao túng sẽ thực hiện một số hành vi thân mật, gần gũi bất thường khiến nạn nhân dễ nhầm tưởng mối quan hệ đã tốt đẹp trở lại. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu cho những vấn đề lớn hơn sau đó. Mỗi người cần học cách yêu quý và trân trọng bản thân mình để đủ nhạy cảm và phát hiện những hành vi thao túng tâm lý”, ông Nhân chia sẻ.