Thời điểm tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2022-2023 đã cận kề. Bên cạnh những lo toan làm sao cho dịch COVID-19 qua mau thì việc lựa chọn trường cho con, chuẩn bị hành trang cho con thế nào để bước vào lớp 6 là điều mà nhiều bậc cha mẹ đang quan tâm. Mỗi bậc cha mẹ đều nhận được hàng tá lời khuyên là nên chọn trường này tốt, trường kia hay nhưng dựa trên căn cứ nào thì nhiều cha mẹ còn phân vân. Bài viết dưới đây sẽ gợi mở giúp cha mẹ học sinh giải quyết vấn đề chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 6.
1. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 có gì đặc biệt?
Bạn đang xem: Thư viện ảnh
1.1. Mục tiêu giáo dục
Chương trình giáo dục Trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp Tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông.
1.2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực
– Chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu sau: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
– Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:
+ Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
+ Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.
1.3. Môn học, nội dung dạy học thay đổi
– Các môn học ở lớp 6:
+ Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
+ Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
– Sự xuất hiện của các môn học mới so với lớp 5 như:
+ Ngữ văn thay cho Tiếng Việt;
+ Giáo dục công dân thay cho Đạo đức;
+ Khoa học tự nhiên thay cho Khoa học…
Tuy nhiên, sự thay đổi đáng chú ý hơn cả là thời gian 1 tiết học tăng lên 45 phút (cấp Tiểu học là 35 phút); nội dung dạy học phong phú hơn, độ khó tăng hơn so với lớp 5. Vì vậy, đòi hỏi tính tự giác của các con cao hơn, cha mẹ cũng vất vả hơn khi kèm con học tập.
1.4. Sự thay đổi về phương pháp học
– Nếu như ở lớp 5 mỗi giáo viên chủ nhiệm có thể dạy nhiều môn học thì ở lớp 6 mỗi môn học có 1 giáo viên giảng dạy. Vì vậy, các con được học nhiều thầy cô với nhiều phương pháp dạy học khác nhau.
– Ở lớp 6, các con sẽ làm thí nghiệm, thực hành nhiều hơn, được làm việc nhóm. Đặc biệt, các con sẽ có cơ hội được bộc lộ quan điểm cá nhân và phát triển tư duy phản biện. Cha mẹ cũng đừng băn khoăn khi con không vâng lời “răm rắp” như xưa mà thường đưa ra ý kiến riêng, khác ý kiến của mình.
– Sự chuẩn bị bài ở nhà của các con là rất quan trọng. Giáo viên thường tổ chức cho các con thực hiện dự án với yêu cầu hoàn thành sản phẩm vật chất hoặc bài trình bày, báo cáo. Học thông qua trải nghiệm, qua các vấn đề của thực tế rất được quan tâm ở bậc THCS.
– Một trong những hướng ưu tiên của giáo dục hiện nay đó là giáo dục STEM nhằm phát triển năng lực tư duy, năng lực sáng tạo khoa học kĩ thuật của HS. Môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học và Toán là nòng cốt của giáo dục STEM. Cha mẹ có thể cân nhắc cho các con tham gia Câu lạc bộ STEM, Khoa học kĩ thuật ở nhà trường.
1.5. Kiểm tra đánh giá
Theo quy định của Thông tư 22, các môn học là bình đẳng. Ở THCS, không còn “môn chính”, “môn phụ”. Tất cả các môn học đều góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của HS.
Ở lớp 6, các con sẽ được đánh giá một cách định lượng, chính xác hơn. Vì vậy, cha mẹ thường đặt ra các câu hỏi như: “Sao ở Tiểu học, con được đánh giá là xuất sắc mà ở đây học chỉ có 7, 8 điểm?”. Vấn đề đó là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là cha mẹ nhận thấy sự tiến bộ của các con sau hàng tháng, học kì, năm học.
Việc đánh giá bằng nhận xét của giáo viên ở lớp 6, khi được thực hiện một cách nghiêm túc sẽ giúp các con biết được mình có điểm mạnh gì, cần khắc phục hạn chế gì. Từ đó, HS tự giác xây dựng kế hoạch cho bản thân và đạt được sự tiến bộ trong học tập. Cha mẹ không nên lo lắng quá về việc học của các con mà hãy luôn đồng hành với con trong sự trưởng thành của mình.
Xem thêm : Bảng đơn vị đo khối lượng chi tiết nhất – Cách ghi nhớ và quy đổi chúng
2. Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi chọn trường cho con?
2.1. Tìm hiểu về nhà trường
Thông thường, để biết thông tin về trường, cha mẹ có thể tìm hiểu thông qua các kênh như:
– Bạn bè, người thân, hỏi học sinh khác.
– Tìm hiểu trên website, trang fanpage của trường.
– Gọi điện, gửi email, đặt câu hỏi trên trang fanpage của trường.
– Trực tiếp đến trường để tìm hiểu hoặc tổ chức cho con tham gia trải nghiệm thực tế tại chính ngôi trường đó.
2.2. Tìm hiểu để biết được nhu cầu và năng lực của con
– Cha mẹ hãy quan sát, tìm hiểu để nắm bắt được năng lực, sở trường của con. Những đứa trẻ nhút nhát thì cần môi trường học tập an toàn, thân thiện. Học sinh năng động thì cha mẹ nên định hướng cho con chọn trường có loại hình Câu lạc bộ đa dạng. Để nắm bắt nhu cầu của con, cha mẹ có thể hỏi con như: “Con có thích tham gia Câu lạc bộ Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể thao, Đọc sách ở trường không?”; “Con thích tham gia các hoạt động nào ở trường?”,…
Đôi khi, cha mẹ cũng nên cùng con chơi một games phát triển trí tuệ nào đó hoặc cùng con giải quyết một vấn đề học tập. Bằng sự quan sát tinh tế của mình, cha mẹ sẽ nhận ra nhu cầu và sở thích thực tế của con là gì.
– Nắm bắt phong cách học tập của con.
Có 7 phong cách học tập đó là:
+ Học qua thị giác: HS thích dùng tranh ảnh và có sự hiểu biết sâu sắc về không gian.
+ Học qua thính giác: HS thích sử dụng âm thanh và âm nhạc để học.
+ Học hỏi bằng lời nói: HS thích sử dụng ngôn từ, kể cả những bài phát biểu và bài viết.
+ Học hỏi qua hoạt động thể chất: HS thích sử dụng cơ thể, các hoạt động thể chất.
+ Học hỏi bằng logic: HS thích sử dụng logic, suy luận và tư duy hệ thống.
+ Thiên hướng xã hội: HS thích hoạt động trong các nhóm, với người khác.
+ Định hướng cá nhân: HS thích làm việc một mình.
Cha mẹ cần nắm bắt phong cách học tập của con để định hướng phương pháp học tập đúng đắn. Ví dụ:
+ Những HS học qua thị giác: nên sử dụng màu sắc, cách bố trí, và tổ chức không gian trong khi học tập. Việc lập bản đồ tư duy và sơ đồ cũng đặc biệt hữu ích cho HS. Con cần đánh dấu những điểm quan trọng, màu sắc để ghi nhớ thông tin tốt hơn.
+ Những HS có thiên hướng xã hội: nên cố gắng làm việc nhóm thường xuyên. Ở trường, HS nên học theo nhóm, tham gia các hoạt động có tương tác.
+ Những HS có định hướng cá nhân cần không gian yên tĩnh và thời gian ở một mình để tự học. Điều quan trọng đối với con là nắm bắt mục tiêu cuối cùng và tại sao nó lại quan trọng đối với mình. Cha mẹ cần định hướng con xác định mục đích, mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng; hướng dẫn con lập hồ sơ học tập môn học.
+ Người học theo logic đặt mục tiêu phải hiểu được những lí do đằng sau mọi thứ. Cha mẹ cần định hướng cho con hiểu vai trò, mục tiêu của các môn học và sự liên hệ giữa các môn học đó.
2.3. Quan tâm giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cho con
Giá trị sống (hay còn gọi là “giá trị cuộc sống”) là những điều mà mọi con người cho là tốt, là quan trọng, phải có cho bằng được và vì thế giá trị sống chi phối hành vi của con người. UNESCO đưa ra 12 giá trị sống là: Hoà bình, Tôn trọng, Yêu thương, Khoan dung, Trung thực, Khiêm tốn, Hợp tác, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Giản dị, Tự do, Đoàn kết.
Kĩ năng sống có thể hiểu là năng lực tâm lí xã hội để đáp ứng và đối phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Có thể hiểu kĩ năng sống là những kĩ năng cần có cho hành vi lành mạnh, tích cực, cho phép mỗi cá nhân đối mặt với những thách thức của cuộc sống hàng ngày. Có khoảng 20 kĩ năng sống mà cha mẹ cần biết để hỗ trợ cho con như: Kĩ năng tự nhận thức, Kĩ năng xác định giá trị (của bản thân và của người khác), Kĩ năng kiểm soát cảm xúc, Kĩ năng ứng phó với căng thẳng, Kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, Kĩ năng thể hiện sự tự tin, Kĩ năng giao tiếp, Kĩ năng lắng nghe tích cực, Kĩ năng thể hiện sự cảm thông, Kĩ năng thương lượng, Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, Kĩ năng hợp tác, Kĩ năng tư duy phê phán, Kĩ năng tư duy sáng tạo, Kĩ năng ra quyết định, Kĩ năng giải quyết vấn đề, Kĩ năng kiên định, Kĩ năng đảm nhận trách nhiệm, kĩ năng đặt mục tiêu, Kĩ năng quản lí thời gian.
Trong cuộc sống bận rộn, hối hả, cha mẹ đôi khi chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con (thông qua điểm số) mà chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống của con. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đối với sự phát triển nhân cách của trẻ.
Xem thêm : DANH MỤC SẢN PHẨM
CTGDPT 2018 quan tâm giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cho HS. Vấn đề là các trường phổ thông tổ chức thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu của chương trình. Kinh nghiệm tổ chức thành công của các trường đó là: (1) thông qua thực hành, trải nghiệm thực tế, giải quyết các tình huống trong bối cảnh của đời sống thực; (2) lồng ghép giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống một cách thích hợp thông qua các môn học; (3) tổ chức chuyên đề riêng về giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống.
3. Thế nào là một ngôi trường tốt?
Đó là một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng không dễ tìm được câu trả lời. Đa số cha mẹ lựa chọn cho con học trường khang trang, đẹp; học phí vừa phải. Thực chất, giá trị của một ngôi trường không chỉ ở cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà quan trọng hơn đó là ở giá trị tinh thần.
Vậy, giá trị tinh thần của một nhà trường là gì?
Đó là một số giá trị sau:
– Tầm nhìn và sứ mạng được công bố trên website, bao gồm cả tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
– Triết lí giáo dục con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm việc hiệu quả.
– Nhà trường có bộ giá trị cốt lõi bao gồm:
+ Tiêu chuẩn của khoa học và nhận thức.
+ Tiêu chuẩn của đạo đức và hành vi.
+ Tiêu chuẩn của nghệ thuật và lối sống.
+ Tiêu chuẩn của văn hóa và kĩ năng sống.
– Phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, tự chủ, sáng tạo của học sinh.
– Văn hoá học đường tiên tiến, môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, chuẩn mực.
– Chương trình giáo dục: Ngoài chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng, phù hợp với năng lực, thiên hướng học tập của học sinh, có các loại hình Câu lạc bộ đa dạng: Nghệ thuật, Thể thao, Sách, Truyền thông và sự kiện, STEM,..; nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, trải nghiệm cho học sinh.
– Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí: Ngoài việc đạt chuẩn về trình độ, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí còn phải tâm huyết, trách nhiệm, đồng hành cùng học sinh và cha mẹ học sinh.
– Quản trị nhà trường theo mô hình tiên tiến, công khai và minh bạch.
4. Làm sao để đồng hành cùng con trong cả quãng đường phía trước?
Sau khi đã lựa chọn được ngôi trường phù hợp cho con theo học, sự lo lắng của cha mẹ đã vơi bớt phần nào. Tuy nhiên, chặng đường 4 năm phía trước đòi hỏi cha mẹ cần đầu tư nhiều thời gian và tâm trí. Cha mẹ cần thực hiện một số việc sau:
– Tin tưởng vào công tác giáo dục của nhà trường; sự quan tâm, chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ của các thầy cô giáo.
– Đồng hành và phối hợp với nhà trường trong chăm sóc, giáo dục học sinh.
– Cha mẹ dành thời gian quan tâm đến con, trò chuyện với con nhiều hơn, dạy con cách bày tỏ quan điểm, tôn trọng những sự khác biệt để con trở nên hòa đồng hơn.
– Cha mẹ thường xuyên học cùng con, cùng con vượt qua những thử thách học tập.
– Cha mẹ có thể cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức (phù hợp với điều kiện và theo nhu cầu). Cha mẹ mạnh dạn cho con tham gia các Câu lạc bộ theo sở thích để khám phá và phát triển giá trị sống, kĩ năng sống cần thiết.
Thay lời kết:
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: “Con cái là tài sản quý giá nhất của cha mẹ. Khi con thành công là cha mẹ thành công”. Vì vậy, cha mẹ hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Ngoài sự quan tâm về vật chất, thì những giá trị tinh thần như: sự động viên, chia sẻ, đồng hành với con trong thời gian học tập phía trước là rất quan trọng. Bất cứ khi nào cần, cha mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo của nhà trường. Hãy mạnh dạn chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm hay cũng như những khó khăn mà cha mẹ gặp phải. Chúng tôi luôn đồng hành với cha mẹ và vì sự tiến bộ của các con.
TS. Trần Văn Thành
Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp