Cú mèo và vị thuốc xi hưu

Video thịt cú mèo có ăn được không

Thân cỡ trung bình. Đầu to bè, mắt vàng, mỏ quặp màu vàng xám. Chân có móng sắc, màu vàng hung xỉn. Bộ lông màu hung nâu ở lưng, cánh và đuôi, chót lông lưng và lông cánh có vệt trắng và vằn lấm tấm màu thẫm. Lông bụng màu hung vàng, hai bên sườn màu thẫm hơn.

Do có bộ dạng xấu xí và dữ tợn nên theo tập tục ở một số địa phương, nếu gặp nó phải xua đuổi kẻo gặp điều chẳng lành. Tuy nhiên, từ xa xưa, cổ nhân đã dùng cú mèo để làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận được dùng là thịt và xương được chế biến theo cách sau: Bắt cú mèo về, vặt lông, mổ bụng, bỏ phủ tạng, chặt thành từng miếng nhỏ. Đổ nước cho ngập chừng 2 – 3cm trong thùng nhôm. Đun sôi liên tục hai ngày đêm. Nếu nước cạn, đổ thêm nước sôi. Chắt nước đầu ra, đổ nước sôi vào tiếp tục nấu như trên để được nước thứ hai và nước thứ ba. Tiếp tục cô lần lượt 3 nước đến khi được một khối cao sền sệt. Tiếp tục đun nhỏ lửa đến khi dùng dao mỏng và sắc cắt qua khối cao thấy hai mép cắt không khép dính vào nhau là được. Đổ cao lên khay đã bôi dầu ăn hoặc mỡ, ép mỏng thành bánh, để cho cao nguội và se lại. Cắt thành từng miếng mỏng, gói giấy bóng để bảo quản.

Hoặc cho thịt và xương chim đã chặt nhỏ vào chảo, rồi dùng lửa to đun cho chảo thật nóng, luôn đảo đều đến khi có khói bốc lên. Làm nhiều lần cho cháy đen nhưng chưa thành than.

Dược liệu cú mèo, tên thuốc trong y học cổ truyền là xi hưu, có vị chua, mặn, tính hàn, có tác dụng khu phong, định kinh, giải độc. Sản phẩm chế biến của cú mèo được dùng chữa đau đầu, chóng mặt, cảm thời khí, động kinh, sốt rét, nghẹn khi ăn, tràng nhạc. Liều dùng hằng ngày: 5 – 10g cao cắt nhỏ, hòa trong rượu hâm nóng, thêm ít mật ong mà uống hoặc 8 – 16g bột tôn tính, uống với nước ấm. Tuy nhiên, cần hạn chế việc săn bắt chim cú mèo, để bảo vệ cân bằng sinh thái.