Trả lời: Điều 15, Luật Hộ tịch quy định, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con thì cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích có trách nhiệm đăng ký khai sinh. Theo quy định này thì nếu quá thời hạn 60 ngày mà những người có trách nhiệm không thực hiện việc đăng ký khai sinh thì bị coi là đăng ký khai sinh quá hạn.

Trước đây, tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thì đối với hành vi không đăng ký khai sinh đúng thời hạn sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Kể từ ngày 1/9/2020, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực, thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã bỏ quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện việc đăng ký khai sinh đúng thời hạn quy định.

Tuy nhiên, căn cứ các quy định hiện hành, trường hợp cháu gái bạn lấy chồng, sinh con khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, đến nay mới đi đăng ký kết hôn thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Đối với việc đăng ký khai sinh quá hạn cho con, hiện nay, pháp luật không quy định bất kỳ hình thức xử lý vi phạm hành chính nào, kể cả hình thức phạt tiền.

BBP