Vào thế kỷ XV, dưới triều Lê Sơ, nước ta đã sớm xây dựng nên bộ “Quốc triều Hình luật” (luật Hồng Đức) để trị vì đất nước. Tuy còn sơ khai, nhưng trong giai đoạn lịch sử lúc đó, Bộ luật này là cơ sở, điểm tựa vững chắc để vương triều Lê Sơ tổ chức rèn tướng, luyện quân, xây dựng quân đội, giữ yên giang sơn, bờ cõi.
Với tư tưởng: “… trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa, đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều luật thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp”1, nên vua Lê Thái Tổ đã chỉ đạo khởi thảo bộ Quốc triều Hình luật – Bộ luật Hồng Đức2 trên cơ sở kế thừa và phát triển nội dung hình luật của các triều đại trước. Có thể khẳng định, đây là bộ luật hoàn chỉnh, thành tựu nổi bật của nền pháp luật triều Lê Sơ – bộ luật gốc, nền tảng để rèn luyện quân đội, trị vì đất nước và phát triển nền pháp luật nước nhà.
“Trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”, “tướng có tài nhưng quân không có kỷ luật thì không thắng, quân có kỷ cương thì chẳng bao giờ thua”; muốn cho toàn quân răm rắp tuân theo quân lệnh thì trước hết người làm tướng phải nghiêm; người làm tướng mà tự buông thả mình, tự đặt mình cao hơn kỷ cương, phép nước, giữ thói quen tùy tiện trong chỉ huy, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì không thể nào tạo được lòng tin đối với quân lính dưới quyền; người làm tướng giữ nghiêm kỷ luật chính là tấm gương cho quân lính noi theo. Thấy rõ điều đó, vương triều Lê Sơ, nhất là vua Lê Thánh Tông luôn đề cao việc củng cố triều chính, định ra luật lệ, quân pháp, đặc biệt là đề cao vai trò của người làm tướng trong chăm lo, xây dựng quân đội, bố phòng đất nước. Chính vì thế, trong 722 điều của Bộ luật Hồng Đức thì có đến 58 điều liên quan đến việc rèn luyện quân đội và 43 điều trong chương Quân chính3 thì có tới 21 điều quy định trách nhiệm của người làm tướng, chỉ có 08 điều quy định trách nhiệm của quân lính. Với quan điểm biên soạn và ban hành các kỷ cương, quân lệnh để làm cơ sở răn dạy tướng hiệu, quan lại và muôn dân chứ không thiên về xử phạt hà khắc, nên các vua triều Lê Sơ đã lấy Bộ Luật Hồng Đức làm điểm tựa để rèn tướng, luyện quân, do đó quân đội triều Lê Sơ là một đội quân thống nhất, có kỷ cương, kỷ luật, bách chiến, bách thắng, khi “hành quân đến đâu, hàng ngũ nghiêm chỉnh, đến gà chó cũng không bị kinh động”4; nước Đại Việt dưới thời Lê Sơ là một quốc gia hùng cường, các nước láng giềng, như: Ai Lao, Chân Lạp, Trảo Oa, Lạt Gia, Xiêm La,… đều phải cử sứ giả sang giao hiếu, các triều đại phong kiến phương Bắc không dám gây hấn, những hành động xâm phạm non sông, bờ cõi đều bị quân và dân triều Lê Sơ đánh cho tơi bời. Điểm tựa để vương triều Lê Sơ rèn luyện quân đội được quy định trong Bộ luật Hồng Đức là:
1. Kỷ luật khi đánh trận
Trong quân đội, kỷ luật là sự tuân thủ bắt buộc đối với mọi tướng sĩ, là sự phục tùng vô điều kiện khi quân lệnh được ban ra. Giữ nghiêm kỷ luật trong chiến đấu là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên mọi chiến thắng của quân đội. Nếu buông lỏng kỷ luật, tướng sĩ sẽ chấp hành quân lệnh không nghiêm, sức chiến đấu giảm sút, khi đó sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ chống giặc, bảo vệ đất nước. Một quân đội mạnh là một đội quân luôn tuân thủ nghiêm quân lệnh và ngược lại đó sẽ là một đội quân ô hợp, thiếu chặt chẽ, không có sức mạnh dù có vũ khí tốt. Do đó, để xây dựng được một quân đội hùng mạnh, bách chiến, bách thắng, những người đứng đầu vương triều Lê Sơ đã tổ chức cho tướng sĩ thực hiện nghiêm quy định trong Bộ luật Hồng Đức khi tham gia đánh trận. Theo đó, những tướng hiệu triều Lê Sơ luôn đề cao việc bày mưu kế, tăng cường cảnh giác và coi trọng tính mạng quân sĩ: nếu không phòng bị trước để quân giặc đánh úp, hay khi ra trận chẳng giữ gìn đội ngũ, liệu sức giặc mà thay đổi chiến lược, để bị thua và mất lính, mất 01 người lính thì bị phạt hay biếm5, mất 10 người trở lên thì bị biếm hay cách chức, 20 người trở lên thì bị tội đồ,… (Điều 4); những quan tướng hiệu đánh giặc thua trận, hay nghe đạo quân khác bị thua, mà không đem quân đến cứu ngay, để cho quân đội kinh sợ chạy tan, thì theo quân luật mà định tội (Điều 16); khi hành quân, toán quân đi trước đã gặp giặc, mà toán quân đi sau nói dối,… dùng dằng không đến cứu ngay toán quân đi trước, thì các tướng hiệu coi toán quân đi sau phải bị chém đầu (Điều 9), v.v. Với quân lính, khi ra trận, quân lính tiến, lui không theo phép, hay khi phá được quân giặc mà không thừa thắng đuổi theo, lại tranh nhau lấy đồ vật của giặc bỏ lại,… thì đều phải chém (Điều 5, 6); khi ra trận đánh giặc, để giặc bắt chủ tướng thì toàn đội bị chém đầu, riêng người có công thì được miễn tội (Điều 11), ai trái lệnh của chủ tướng thì bị chém (Điều 12); những người có tên đi đánh giặc, trong khi hành quân bỏ trốn, nếu trốn 01 ngày thì bị tội đồ làm quân đinh; trốn hơn một ngày thì tội nặng thêm một bậc,… còn trong khi đánh giặc mà bỏ trốn thì phải chém đầu (Điều 24); khi đi đánh dẹp bắt được giặc mà lấy của cải, đồ vật, rồi lại vì có thân tình quen biết mà thả ra thì đều bị xử tội đồ, tội lưu hay tội chết (Điều 39); khi tiến quân, nếu tràn đi cướp bóc các địa phương đã quy phụ rồi thì xử chém. Tướng lĩnh không kiềm thúc được quân lính thì xử phạt 70 trượng (Điều 42), v.v.
2. Kỷ luật về thực hiện nghĩa vụ binh dịch
Xem thêm : MỆNH KIM TRỒNG CÂY GÌ ĐỂ PHÁT TÀI PHÁT LỘC…
Bên cạnh việc duy trì nghiêm kỷ luật đối với tướng, sĩ khi tham gia đánh trận, vương triều Lê Sơ cũng rất chú trọng đến kỷ luật về thực hiện nghĩa vụ binh dịch; bởi, thực hiện tốt quy định này không những bảo đảm đầy đủ quân lính tham gia đánh trận mà còn giữ vững kỷ cương, phép nước, làm cho trăm quan, muôn dân không dám trái lệnh. Chính vì thế, để ngăn ngừa các hành vi vi phạm ở lĩnh vực này, vương triều Lê Sơ đã áp dụng các điều trong chương Quân chính để rèn tướng, luyện quân. Theo đó, khi đi đánh giặc, người nào dối trá để trốn tránh việc quân, thì bị chém đầu. Quan chủ tướng không xét rõ mà bị lừa dối, thì bị tội nhẹ hơn tội trên ba bậc; nếu biết mà làm ngơ thì xử tội lưu (Điều 18). Những quân lính mượn người khác đi đánh giặc thay, thì cả hai người đều xử tội chết; quan tướng hiệu vô tình không biết, thì biếm hai tư; biết mà làm ngơ thì tội nặng hơn một bậc (Điều 20). Cùng với đó, những người lính tại ngũ mà bỏ trốn thì bị tội đồ làm tượng phường binh; tái phạm thì xử tội lưu. Những người liên quan, từ người dân đến quan xã, quan huyện đều bị xử phạt, dân thì khao đinh, quan thì cách chức (Điều 23). Lính thú ở đồn trú khi đi đến đồn trú, ở đồn trú chưa mãn hạn mà bỏ trốn thì bị tội biếm hay đồ, theo tội nặng nhẹ; nặng thì phải xử tử. Các quan ở lộ, huyện, xã thấy có lính trốn mà không bắt thì xử tội biếm hay đồ (Điều 25). Với những quân lính bỏ thiếu phiên ứng dịch (đăng ký nghĩa vụ binh dịch), ba phiên thì bị tội đồ, làm trạo; bốn phiên thì phải khép vào tội đào ngũ và bị truy nộp tiền,… nếu nhằm vào ngày tập họp quân đội lớn thì bị tăng thêm tội (Điều 29). Quân nhân giả chết để mong tránh khỏi quân dịch thì phải tội lưu; viên tránh phó ngũ trưởng trong đội ấy cùng các quan xã biết mà dung túng thì xử tội biếm hay tội đồ tùy theo nặng nhẹ (Điều 31).
3. Kỷ luật rèn luyện quân lính
Các tướng hiệu là những người được triều đình tin tưởng, giao nhiệm vụ luyện quân, nếu những tướng hiệu không thường xuyên chăm lo công việc này đều phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hồng Đức. Vì vậy, những quan tướng hiệu được các vua triều Lê Sơ giao nhiệm vụ cai quản từ 03 vạn quân trở xuống, 50 lính trở lên, nếu không săn sóc luyện tập để hàng ngũ không chỉnh tề, quân khí không tinh nhuệ, biếng nhác việc quân, làm cho quân khí hư hỏng phải sửa chữa, hao tổn tiền công hay ăn bớt của công, làm việc riêng, bỏ việc công, xét tội nhẹ thì biếm hay cách chức, nặng thì bị tội đồ hay lưu. Nếu khi chống giặc mà phạm những lỗi trên thì không kể nặng nhẹ đều bị chém đầu (Điều 1). Bên cạnh đó, những quan tướng hiệu không siêng năng huấn luyện quân lại sai quân làm việc riêng cho nhà mình, cùng là định để lấy tiền hay ăn bớt, việc nhẹ thì xử tội đồ hay lưu, việc nặng thì xử tội lưu (Điều 17). Khi có kỳ đại tập quân đội (hoặc là duyệt tập), quân lính ai thiếu mặt thì xử phạt 80 trượng, biếm làm quân đinh ở bản quân, nộp 03 quan tiền sung công,… đội trưởng và chánh phó ngũ trưởng trong bản đội mà mượn người thay thế thì xử phạt 80 trượng và đều bị giáng chức tước ba bậc (Điều 43), v.v.
4. Kỷ luật về giữ gìn bí mật quân cơ và nâng cao cảnh giác
Giữ gìn bí mật quân cơ là vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến đấu; bởi, quân cơ bị tiết lộ sẽ gây nguy hại cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, đe đọa đến an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của đất nước. Đặc biệt trong giao chiến, nếu không giữ được yếu tố bí mật thì dễ bị đối phương đánh bại, ngược lại, sẽ giành ưu thế, thắng lợi trên sa trường. Mọi tướng sĩ khi thực hiện nhiệm vụ đánh trận đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tổ chức canh phòng cẩn mật không để quân giặc nắm được thông tin. Thực tiễn, vương triều Lê Sơ đã xây dựng được một quân đội hùng mạnh, khiến quân giặc không dám xâm lược non sông, bờ cõi là nhờ tuân thủ các quy định của Bộ luật Hồng Đức trong việc rèn luyện tướng sĩ, nhất là việc nâng cao tinh thần cảnh giác, không để lộ quân cơ, nếu vi phạm dù là tướng hiệu hay quân sĩ đều bị xử phạt. Các tướng sĩ phòng giữ nơi quan ải nếu phòng bị không cẩn thận, dò la không đích thực để quân giặc đến bất ngờ thì đều phải chém đầu (Điều 3); khi đánh giặc mà các tướng hiệu không hòa thuận, hay tiết lộ quân cơ, để quân lính ngả lòng thì đều phải chém đầu (Điều 7); khi có việc đi đánh dẹp bí mật, kẻ nào báo cho giặc biết tin tức, cùng là thông đồng với người ngoài để làm gián điệp thì bị xử tới chết (Điều 15), v.v. Ngoài ra, các vua triều Lê Sơ còn tập trung rèn luyện tướng, sĩ nêu cao ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn binh khí, bảo vệ quân lương theo 05 điều (13, 22, 27, 30, 40) trong chương Quân chính.
Việc vương triều Lê Sơ, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông lấy Bộ luật Hồng Đức làm điểm tựa để rèn tướng, luyện quân, trong đó đề cao vai trò của người làm tướng thể hiện tầm nhìn, tư duy vượt trội của nhà Vua cũng như các tướng khi được giao nhiệm vụ luyện quân. Đây chính là bài học quý cần được nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo trong rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Xem thêm : So sánh nghĩa vụ riêng rẽ với nghĩa vụ liên đới?
HÀ THÀNH ________________
1 – Viện Sử học Việt Nam – Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp lý, H. 1991, tr. 16.
2 – Biên soạn hoàn chỉnh vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), niên hiệu Hồng Đức, nên được gọi là Bộ Luật Hồng Đức.
3 – Sđd, tr. 102.
4 – Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 417.
5 – Biếm nghĩa là giáng, ví dụ biếm chức là giáng chức quan.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp