Trong mỗi chúng ta cũng có một Chí Phèo – Thị Nở

Đó là một Chí Phèo nát rượu và điên dại, một Thị Nở xấu xí, một lão Hạc tội nghiệp, một giáo Thứ u buồn, một bà cô nghiệt ngã, một Bá Kiến đểu cáng và tàn ác… Đó là một làng Vũ Đại hoang tàn và u tối, là một cái lò gạch bỏ hoang, một vườn chuối vô nghĩa…

Mà trong lòng người đọc chúng ta lâu nay những nhân vật kia hiện lên với tất cả sự đau buồn và sợ hãi. Có lẽ chưa có một cuộc vận động sáng tác theo chủ đề nào lại ấn tượng như cuộc vận động sáng tác này. Hội họa là nghệ thuật tạo hình và phép thuật của màu sắc. Nhưng màu sắc và sự tạo hình ấy dù muốn hay không muốn cũng chính là tình cảm và tư tưởng của tác giả. Và ở đấy, trong những bức tranh với nhiều chất liệu khác nhau, cái đẹp và lòng nhân ái đã hiển lộ. Màu sắc cũng như ngôn ngữ và đôi khi còn công dụng hơn ngôn ngữ khi lột tả sự thật. Màu sắc có thể dìm cảm xúc chúng ta vào bóng tối, vào hoảng loạn, vào kinh sợ, vào căm thù, vào tuyệt vọng và vào chết chóc. Nhưng màu sắc có thể thiên đường hóa những hoang vu và tăm tối. Một sự thật không thể chối cãi là lâu nay, quá nhiều người đang nhìn Chí Phèo như một kẻ quấy rối xã hội, Thị Nở như một sự xấu xí, cái lò gạch hoang như một góc địa ngục. Chúng ta thường chửi một kẻ nát rượu và liều lĩnh là Chí Phèo, chúng ta thường gọi những người phụ nữ có hình thức không ưa nhìn là Thị Nở. Trong cách gọi ấy, dù chúng ta có biện minh thế nào chăng nữa thì một sự thật vẫn tồn tại: đó là sự lầm hiểu những con người này, những con người mà Nam Cao đã thương xót và yêu quý. Nếu không có tình yêu và lòng nhân ái thì hai con người tội nghiệp, đau khổ và có một hình thức xấu xí kia sẽ không có cơ hội tồn tại trong những trang văn kỳ diệu của ông.

Nam Cao đã gửi thông điệp của mình về thời đại ông đang sống qua hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở của mình. Họ đại diện cho những người nông dân Việt Nam thời đó sống trong đói khát, tăm tối và không tìm thấy đường đi. Nát rượu, rạch mặt và chửi đổng chỉ là cái cách để Chí Phèo cố gắng thoát ra khỏi cái đời sống tăm tối mà Chí và những người dân làng Vũ Đại phải sống. Nhưng trong tất cả tăm tối và thê thảm ấy của Chí Phèo vẫn có một đêm trăng hiện ra, vẫn có một bát cháo hành, vẫn có một sự chia sẻ và vẫn có một sự lóe sáng từ một thân phận bần cùng nhất. Đấy chính là đức tin mà Nam Cao nhận ra và ông đã gửi thông điệp đó của mình cho con người. Nếu Chí Phèo mãi mãi nát rượu, mãi mãi rạch mặt, mãi mãi chửi rủa. Nếu Thị Nở mãi mãi ngây ngô và sống một cuộc sống không ra người thì nhà văn thật tàn nhẫn và đời sống của những con người như vậy không khác gì đời sống của những con vật. Nếu Nam Cao chỉ tìm cách cho Chí Phèo thêm mấy đồng bạc, thậm chí cho Chí Phèo tiền uống rượu cả đời thì ông cũng không thay đổi được con người Chí Phèo. Nhưng ông đã cho Chí Phèo một đêm trăng và một tình yêu. Và từ giờ phút đó, cuộc đời Chí Phèo, Thị Nở đã đổi thay. Đối với một con người hay một cộng đồng cũng vậy, nếu chỉ cho ăn no thì mãi mãi chẳng thay đổi được họ mà hãy khai mở tâm hồn họ. Cái khát vọng về cái đẹp, về tình yêu và sự chia sẻ vừa là giấc mơ của Nam Cao vừa là giấc mơ của những con người như Chí Phèo, Thị Nở. Khát vọng ấy đã làm cho con người muốn sống và dám sống.

Trong triển lãm, Chí Phèo và Thị Nở đã trở thành hai nhân vật chính của các hoạ sỹ. Nỗi lo sợ trước khi tôi đến triển lãm là các họa sỹ sẽ làm cho Chí Phèo đã nát rượu lại nát thêm, đã chửi đổng lại chửi đổng thêm, và đã rạch mặt lại rạch mặt thêm và Thị Nở đã xấu xí lại càng thêm xấu xí, đã ngơ ngẩn lại càng thêm ngơ ngẩn. Nỗi lo sợ ấy là có thật. Nhưng hầu hết các tác phẩm hội họa đã không bị rơi vào con đường đó. Họ đã hiểu và chia sẻ với Chí Phèo, Thị Nở. Theo cá nhân tôi, họ đã truyền tiếp và làm rõ ràng thông điệp của nhà văn. Bởi thế mà chúng ta đã được nhìn thấy cái lò gạch hoang tàn hiện lên thật lộng lẫy trong tình yêu của hai con người đau khổ. Chúng ta nhìn thấy và nghe thấy tiếng reo vang lấp lánh của vườn chuối đêm trăng. Chúng ta cảm nhận được hơi nóng bát cháo hành của tình thương và sự chia sẻ. Chúng ta thấy tâm hồn Thị Nở mở ra thật dịu dàng và mê đắm. Tất cả những cảnh đó không phải là một cảm xúc thái quá mà là hiện thực. Bởi trong cuộc sống của bao con người nghèo đói, oan ức, bệnh tật… nếu không có cái “hiện thực” kia thì họ không thể sống nổi.

Trong một bức tranh của họa sỹ Thành Chương, ông vẽ chân dung ông và trong chân dung đó có chân dung của Chí Phèo và Thị Nở. Tôi giật mình khi nghe ông nói: “Trong con người tôi có cả Chí Phèo và Thị Nở”. Tôi nghĩ, không chỉ trong con người họa sỹ Thành Chương mà trong mọi chúng ta đều có hai con người đầy đau khổ và cũng đầy khát vọng ấy. Bởi có lúc chúng ta không rạch mặt nhưng đã rạch cứa tâm hồn mình bởi những đau đớn nào đó. Chúng ta đã từng có những giây phút tuyệt vọng, có những giây phút phẫn uất, có những giây phút tăm tối. Nhưng có một bát cháo hành và có một đêm trăng đã tràn ngập chúng ta. Thế là chúng ta lại có lý do để sống và khát vọng. Chí Phèo chỉ rạch mặt và chửi đổng trước mặt Bá Kiến. Có một số người nghĩ Chí ăn vạ để lấy tiền uống rượu. Nghĩ như vậy là một sai lầm. Trước Bá Kiến giống như trước một thế lực mà những người hèn yếu như Chí Phèo thì không thể nào đòi được công lý. Chí không có cách nào khác. Không ai mách cho Chí một cách nào khác. Nỗi uất ức bị đè nén, bị đối xử bất công trong con người Chí vùng lên với hành xử của một người không có học, của một dân trí thấp. Hành xử đó chẳng mang lại kết quả gì. Nó chỉ làm cho tâm hồn u uẩn của Chí dịu đi trong một lúc. Nhưng nó cho chúng ta thấy đó là khát vọng của một kẻ cảm thấy bằng bản năng sự bất công trong xã hội nhưng không biết được con đường đấu tranh cho sự công bằng, cho lẽ phải. Đó là hành xử thường thấy ở những con người “thấp cổ bé họng”.

Cám ơn các họa sỹ đã không minh họa cái hình thể bên ngoài của Chí Phèo và Thị Nở hay những nhân vật khác và những địa điểm trong các tác phẩm của Nam Cao. Mặc dù có một hai bức tranh đã đứng ở mép vực đó. Chính vì thế mà những tác phẩm hội họa trong triển lãm có thể được người mua về treo trong chính những nơi trang trọng của nhà mình như “Tự họa với Chí Phèo, Thị Nở” của Thành Chương, “Lão Hạc” của Việt Hải, “Thị Nở” của Hoàng Phượng Vỹ, “Chí Phèo, Thị Nở” của Lê Thiết Cương, “Chí Phèo” của Phạm Minh Hải, “Em Nở” của Lý Trực Sơn, “Đêm trăng làng Vũ Đại” của Mai Long, “Phỏng theo tác phẩm Chí Phèo” của Đào Hải Phong, “Lão Hạc” của Vũ Duy Nghĩa và nhiều tác phẩm khác.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là trong hơn 100 tác phẩm gồm nhiều thể loại của nghệ thuật tạo hình đa dạng và phong phú, tôi vẫn nhìn thấy nguồn cảm hứng sáng tạo thống lĩnh các tác phẩm là vẻ đẹp sâu thẳm trong mỗi con người. Nếu Nam Cao chỉ tả một gã say rượu và rạch mặt, một ả xấu xí và ngơ ngẩn thì chúng ta không cần ông. Nếu các họa sỹ cũng dùng nghệ thuật tạo hình để làm Chí Phèo hơn Chí Phèo và Thị Nở hơn Thị Nở thì tất cả màu sắc họ dùng chỉ là màu đen. Nhưng Nam Cao và những họa sỹ trong triển lãm này đã nhận thấy rằng: dù trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt và tăm tối đến đâu thì cái đẹp cũng luôn luôn tìm cách thức dậy và hiển hiện như một sự cứu rỗi. Bởi nếu không còn điều ấy thì cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì