Thực trạng người nghiện ma túy của Việt Nam và giải pháp phòng ngừa

thuc trang nghien ma tuy o viet nam hien nay 1

Đại tá Phạm Văn Chình – Ảnh: Hoàng Anh

Trước tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, ngày 13/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2434/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thống kê người nghiện ma túy. Theo đó, giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các địa phương rà soát thống kê người nghiện ma túy trên toàn quốc. Mục đích của Kế hoạch này là để khắc phục và chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác thống kê người nghiện ma túy, đánh giá đúng thực trạng số người nghiện ma túy, số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phòng chống ma túy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các tỉnh địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy.

Kết quả rà soát đến tháng 9/2014 toàn quốc có hơn 204 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an, tăng gần 23 nghìn người (tăng 12%) so với cuối năm 2013. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, mỗi người nghiện ma túy sử dụng khoảng 230.000 đồng/ngày, do đó số tiền thiệt hại là rất lớn. Bên cạnh đó, những năm gần đây người nghiện ma túy của Việt Nam luôn luôn gia tăng. Đặc biệt, ma túy tổng hợp (MTTH) đã và đang phát triển, đang dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên như: thuốc phiện, heroin… Hiện nay, giới trẻ đang đua nhau tuyên truyền sử dụng MTTH là “đẳng cấp”, là “sành điệu” nhưng thực tế đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, còn được gọi là “ma túy điên”, thế giới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện MTTH. Một số người sử dụng MTTH gây ảo giác, hoang tưởng đã có những hành vi phạm pháp như chém giết người thân, bắt cóc trẻ em, tổ chức sinh nhật bằng MTTH gây tử vong nhiều người như ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…

Trước tình hình người nghiện ma túy gia tăng, những năm qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình Quốc gia về phòng chống ma túy, mỗi năm chỉ hàng nghìn tỷ đồng cho phòng chống ma túy, công tác cai nghiện, đã áp dụng nhiều biện pháp cai nghiện như: cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, tại trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đặc biệt điều trị thay thế bằng Methadone là biện pháp cai nghiện có hiệu quả, được áp dụng rộng rãi trên thế giới có tác dụng cắt cơn nghiện, ổn định sức khỏe, người nghiện có thể vui vẻ lao động bình thường, không quậy phá, ít tốn kém, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Hiện nay, cả nước có 123 trung tâm cai nghiện bắt buộc với biên chế hơn 7 nghìn cán bộ, lương bình quân mỗi người là 3 – 4 triệu đồng/tháng, lưu lượng tiếp nhận cai nghiện khoảng 60 nghìn người/năm với cơ sở vật chất hàng ngàn ha. Nhưng hiện tại chỉ có 22,2 nghìn người cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện, trong đó có 14 trung tâm cai nghiện không có người nghiện rất lãng phí. Ngoài ra còn có 180 cơ sở điều trị mathadone, tại 42 tỉnh thành đang điều trị cho 42 nghìn người nghiện ma túy. Theo chủ trương của Chính phủ giao chỉ tiêu cho các tỉnh cuối năm 2015 phải điều trị thay thế bằng Methadone cho 80 nghìn người nghiện, đây là quyết tâm cố gắng rất lớn của Chính phủ, các ngành giúp giảm tác hại của tệ nạn ma túy.

Trong quá trình quản lý tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện hiện nay còn một số khó khăn vướng mức như sau:

Theo Điều 96, Điều 103, Điều 104, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, quy định đưa người nghiện ma túy đến trung tâm cai bắt buộc vẫn chậm dó một số giấy tờ thủ tục rườm rà, phải trải qua các bước: giao cho Công an xã lập hồ sơ, chuyển cho phòng Tư pháp huyện thẩm định hồ sơ sau đó chuyển phòng LĐTBXH kiểm tra. Sau đó chuyển cho TAND cấp huyện xem xét quyết định…

Hơn nữa, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sỹ hoặc y sỹ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện do Sở Y tế tổ chức tập huấn. Tuy nhiên, thực tế, Bộ Y tế chưa tổ chức tập huấn hết cho số y bác sỹ này, nên việc kiểm tra ký xác nhận người nghiện rất khó khăn. Một số y, bác sỹ sợ trả thù không dám ký xác nhận người nghiện.

Hiện nay, mới chỉ đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đã qua cai nghiện tại cộng đồng (từ 3 đến 6 tháng), nhiều địa phương chưa có điều kiện tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, hoặc những người đang điều trị thay thế bằng Methadone thì không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, do người nghiện được đọc hồ sơ, mời luật sư bảo vệ cho mình trước hội đồng xem xét của tòa án.

Do những vướng mắc trên, nhiều địa phương không đủ các điều kiện lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đến tháng 6/2015 cả nước mới đưa được khoảng 3,6 nghìn trường hợp vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Do vậy tình hình người nghiện ở ngoài xã hội gây phức tạp đến an ninh trật tự ATXH.

Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy của Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp với những lý do: áp lực của tình hình ma túy và tệ nạn ma túy ở thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á luôn gia tăng, đặc biệt ở Lào, Trung Quốc, Myama, Thái Lan… Người nghiện ma túy của Việt Nam luôn tiếp tục gia tăng (trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm tăng từ 5 – 10%) chưa có xu hướng giảm;công tác cai nghiện của Việt Nam chưa có hiệu quả; chính sách mở cửa hội nhập, dân chủ, dân quyền của pháp luật, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện khó khăn; xã hội chưa đủ các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng, điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone; MTTH đang được giới trẻ truyên truyền ca tụng, xu hướng sẽ có gia tăng đột biến ở Việt Nam, là những điều kiện cho tệ nạn ma túy gia tăng.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả làm giảm tệ nạn ma túy, cần làm tốt một số giải pháp sau:

1. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu tác hại của ma túy, pháp luật phòng chống ma túy, hình thức tuyên truyền phải sâu rộng, dễ hiểu, tập trung vào những đối tượng nghiện ma túy, những đối tượng thanh thiếu niên từ 13 đến 35 tuổi. Hình thức tuyên truyền như: Pano, áp phích, tờ rơi. Loa truyền thanh tại xã phường nơi cư trú, yêu cầu gia đình và các đối tượng nghiện cam kết không sử dụng , không tham gia mua bán vận chuyển ma túy.

2. Lực lượng Công an phải chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng xã, phường, huyện không có ma túy. Giao cho gia đình, dòng họ, nhà trường, đoàn thể có trách nhiệm động viên giáo dục con em như mô hình xây dựng huyện không ma túy của Yên Mô – Ninh Bình, Tân Lạc- Hòa Bình. Nếu gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp làm tốt công tác phòng, chống ma túy thì tệ nạn ma túy không tồn tại được ở địa phương mình.

3. Theo phân công của Chính phủ thì lực lượng phòng chống ma túy của Bộ Công an; Bộ LĐTB&XH; Bộ Y tế căn cứ vào chức năng nhiệm vụ chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên có kế hoạch tổ chức rà soát thống kê, quản lý người nghiện, tổ chức cai nghiện cho tất cả các đối tượng nghiện ma túy dưới mọi hình thức như: Cai nghiện tại cộng đồng, tại trung tâm cai nghiện bắt buộc, tăng cường mở rộng xã hội hóa, đơn giản hóa thủ tục điều trị thay thế bằng Methadone với những người nghiện tự nguyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện được sử dụng Methadone tại nơi sinh sống và lao động, học tập công tác.

4. Đối với các lực lượng điều tra tội phạm ma túy (Công an, Quân đội, Hải Quan) phải thực hiện tốt Quy chế 113 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh phòng chống ma túy, nhất là Cảnh sát điều tra TPMT phải chủ động điều tra cơ bản, thường xuyên rà soát thống kê người nghiện, nghi nghiện ma túy lập hồ sơ đưa người nghiện vào giáo dục, giáo dưỡng và trung tâm cai nghiện bắt buộc, tích cực gọi hỏi răn đe các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội ma túy, đối tượng nghiện ma túy; tổ chức đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả ma túy từ nước ngòai vào Việt Nam; tích cực điều tra triêt xóa các đường dây, tụ điểm mua bán phức tạp góp phần làm giảm nguồn cung về ma túy.

5. Tăng cường chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cho các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa, nhất là vùng biên giới Việt – Lào (Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An…) để nhân dân tự vươn lên, không bị đối tượng phạm tội ma túy mua chuộc lôi kéo. Tăng cường kinh phí cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và đấu tranh với tội phạm ma túy. Tích cực tổ chức tập huấn cho các lực lượng chức năng để có đủ trình độ đảm nhiệm được nhiệm vụ được giao. Chuyển giao chức năng của một số trung tâm cai nghiện bắt buộc samg điều trị thay thế bằng Methadone hoặc quản lý người nghiện không nơi cư trú ổn định.

6. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa lại một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 211 về hồ sơ thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Bởi hiện nay, nhiều quy định gây khó khăn, mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam, nhiều địa phương không đủ điều kiện lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Nên bỏ điều kiện: đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện đã qua cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời quy định việc thẩm định hồ sơ chỉ cần qua Phòng LĐTB&XH, hoặc Phòng Tư pháp. Không cần cho người nghiện đọc hồ sơ và được tham dự hội đồng xét duyệt…vì như vậy rất phức tạp, không đáp ứng được thời hiệu, thậm chí trong quá trình lập hồ sơ, đưa ra hội đồng xem xét người nghiện trốn, rất khó khăn cho việc bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Đại tá Phạm Văn Chình

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an