Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum là 4 tỉnh Tây Nguyên có diện tích lớn trong top 10 cả nước, thành phần cư dân sinh sống với hơn 47 dân tộc.
Theo Trung tâm Thông tin dữ liệu và Đo đạc bản đồ, 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam lần lượt là: Nghệ An (16.490 km2), Gia Lai (15.536,9 km2), Sơn La (14.174,4 km2), Đăk Lăk (13.125,4 km2), Thanh Hóa (11.129,5 km2), Quảng Nam (10.438,4 km2), Lâm Đồng (9.773,5 km2), Kon Tum (9.689,6 km2), Điện Biên (9.562,9 km2), Lai Châu (9.068,8 km2).
Bạn đang xem: Những điều thú vị về 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam
Nghệ An (16.490 km2) là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử Kim Liên ở huyện Nam Đàn là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi này gồm các điểm và cụm di tích cách nhau 2-10 km, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Ngoài điểm đến trên, Nghệ An còn có Vườn Quốc gia Pù Mát, biển Cửa Lò, Cửa Hội, những cung đường xanh uốn mình theo dòng sông Lam, đồi chè Thanh Chương bao quanh là những hồ nước, thung lũng hoa Phủ Quỳ… Ảnh: Hữu Khoa
Gia Lai (15.536,9 km2) nằm ở khu vực Tây Nguyên, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam. Tỉnh là nơi cư trú của cộng đồng 34 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Thái, Mường…
Có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt ở Gia Lai, trong đó có nhiều cảnh quan đẹp như núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, Biển Hồ (Hồ T’Nưng)… Tỉnh còn có Đồi chè ở Biển Hồ được người Pháp trồng từ những năm 1920, hàng thông trăm tuổi đẹp như trong phim ở huyện Chư Păh… Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa
Xem thêm : Chứng Chỉ Tin Học cơ bản có thời hạn không?
Sơn La (14.174,4 km2) nằm ở khu vực Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300 km. Cao nguyên Mộc Châu của tỉnh nổi tiếng là vùng đất bốn mùa hoa thơm trái ngọt, hút khách với sắc màu của hoa mơ, hoa cải, hoa đào, hoa mận… Ngoài Mộc Châu, tỉnh còn nhiều điểm đến như Tà Xùa, đồi Pu Nhi, nơi du khách có thể sống chậm và tìm hiểu về nếp sống của người dân tộc bản địa.
Chè cổ thụ là đặc sản nổi tiếng của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Tại bản Bẹ của xã có quần thể 200 cây chè shan tuyết được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Lê Thành Duy
Đăk Lăk (13.125,4 km2) là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Cộng đồng dân cư Đăk Lăk gồm 47 dân tộc với nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng: Lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng; các bản trường ca Tây Nguyên… Khu du lịch Buôn Đôn được gọi là “lãnh địa” voi của Tây Nguyên nổi tiếng với truyền thống săn bắt, thuần hóa và nuôi dưỡng voi rừng.
“Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Hứa Quốc Anh
Thanh Hóa (11.129,5 km2) là tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như bãi biển Sầm Sơn, động Bích Đào, động Hồ Công, động Kim Sơn, núi Nhồi, suối cá Cẩm Lương, vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Thành nhà Hồ (thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh hay Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Thành nhà Hồ là công trình có kiến trúc độc đáo bằng đá quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và duy nhất còn lại ở Đông Nam Á. Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Lê Bích
Quảng Nam (10.438,4 km2) là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới gồm Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Tỉnh có nhiều danh thắng như biển Cửa Đại, sông Thu Bồn, bãi tắm Tam Thanh… đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đảo Cù Lao Chàm với vẻ đẹp hoang sơ, nhiều loại sản vật quý hiếm. Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế. Ảnh: Đắc Thành
Xem thêm : Khám phá độ tương hợp giữa Cự Giải và Bạch Dương trong chiêm tinh
Lâm Đồng (9.773,5 km2) nằm trên cao nguyên Lâm Viên – Di Linh, có độ cao trung bình 800-1500 m so với mực nước biển, là một trong những vùng trồng rau, hoa, quả xứ lạnh lớn của cả nước. Đà Lạt là thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh với nhiều ưu thế về khí hậu và cảnh quan, được gọi bằng nhiều mỹ từ: “Thành phố ngàn hoa”, “thành phố ngàn thông”, “xứ sở sương mù”… Là xứ nhiệt đới nhưng Đà Lạt vẫn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng ôn đới với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất là 15 độ C, cao nhất là 24 độ C. Những năm 40 của thế kỷ trước, Đà Lạt được coi là thủ đô mùa hè của toàn Đông Dương, là nơi lui tới của những tâm hồn nghệ sĩ. Ảnh: Trần Quang Anh
Kon Tum (9.689,6 km2) nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Ngã ba Đông Dương ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi của tỉnh là nơi tiếp giáp Việt Nam – Lào – Campuchia, tại đây bạn có thể đến thử cảm giác “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”. Tỉnh có dãy núi Ngọc Linh cao nhất Tây Nguyên gắn liền với loại sâm quý hiếm cùng tên, chỉ mọc duy nhất ở vùng núi Ngọc Linh ở độ cao trên 2.000 m.
Nhà thờ gỗ trăm tuổi, cầu treo Kon K’lor, thị trấn Măng Đen là những địa điểm bạn không thể bỏ qua khi đến tỉnh này. Ảnh: Quỳnh Trần
Điện Biên (9.562,9 km2) là tỉnh ở Tây Bắc, nổi bật với hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh có đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Cực Tây – A Pa Chải, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là nơi có cột mốc phân chia ranh giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San, cũng là nơi được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”.
Đèo Pha Đin là một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng. Ảnh: Trần Việt Anh
Lai Châu (9.068,8 km2) là tỉnh có nhiều dãy núi và cao nguyên, phía đông khu vực này là dãy Hoàng Liên Sơn, phía tây là dãy núi Sông Mã có độ cao 1.800 m. Được biết đến là vùng đất tập trung những đỉnh núi cao, Lai Châu có 8/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở nhất cả nước, có thể kể đến như Fansipan (3.143 m, một phần thuộc Lào Cai), Pusilung (3.083 m), Putaleng (3.049 m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m, một phần thuộc Lào Cai), Khang Su Văn (3.012 m), Tả Liên Sơn (2.996 m), Pờ Ma Lung (2.967 m), Chung Nhía Vũ (2.918 m). Ảnh: Kiều Dương
VNE
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp