Đường sắt Việt Nam qua một số chỉ tiêu thống kê

Đường sắt Việt Nam có một lịch sử khá lâu đời và rất đáng tự hào. Năm 1881, tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương có chiều dài 71 km nối Sài Gòn với Mỹ Tho được khởi công xây dựng. Sau 50 năm, đến năm 1936, chiều dài đường sắt đã gấp gần 37 lần, với tổng chiều dài 2.600 km xuyên suốt ba miền đất nước. Là hệ thống đường sắt sớm nhất khu vực Đông Nam Á với năng lực đồng bộ cả về vật chất – kỹ thuật và đội ngũ nhân lực, có những giai đoạn, đường sắt giữ vai trò rất quan trọng, chiếm đến 30% tổng thị phần của ngành giao thông, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Tuy nhiên, đến nay đường sắt đã không còn giữ được vị thế của mình, sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng giảm và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành. Sau đại dịch Covid-19, ngành đường sắt vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi hạ tầng lạc hậu, năng lực phục vụ còn hạn chế và phải cạnh tranh với sự phát triển nhanh chóng, hiện đại của các ngành đường khác.

Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2022 có tổng chiều dài 3.315 km, trong đó có 2.646,9 km đường chính tuyến; 515,46 km đường ga và đường nhánh. Có thể nói, hạ tầng đường sắt Việt Nam lạc hậu, nhiều tuyến đường sắt được xây dựng từ 50 đến trên 100 năm và hầu hết chưa được vào cấp kỹ thuật; khổ 1.000 mm vẫn chiếm hơn 80% tổng chiều dài trong khi hầu hết các nước trên thế giới không còn dùng nữa; khổ 1.435 mm chiếm khoảng 6%; còn lại là khổ đường lồng (khổ 1.435 và 1.000 mm). Mạng lưới đường sắt quốc gia phân bố theo 7 tuyến chính: Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lâm – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Lào Cai, Đông Anh – Quán Triều, Kép – Lưu Xá, Kép – Hạ Long – Cái Lân; một số tuyến nhánh như: Bắc Hồng – Văn Điển, Cầu Giát – Nghĩa Đàn, Đà Lạt – Trại Mát, Diêu Trì – Quy Nhơn, Bình Thuận – Phan Thiết, Mai Pha – Na Dương … và một số đoạn tuyến kết nối với kho hàng. Mạng lưới đường sắt Việt Nam trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh, thành phố.

Tốc độ chạy tàu trên các tuyến đang khai thác lớn nhất đạt 100 km/h, nhỏ nhất là 20 km/h (vận tốc tàu hàng khoảng 50-60km/giờ và tàu khách 80-90km/giờ). Hiện nay ở các nước tiên tiến trên thế giới, vận tốc trung bình đối với vận chuyển hành khách vào khoảng 150-200km/giờ, đường sắt cao tốc trên 300km/giờ và siêu cao tốc có thể lên đến hơn 500km/giờ. Đường sắt của Việt Nam vẫn đang ở nền tảng công nghệ thứ hai, đó là công nghệ diezen (công nghệ đầu tiên là đầu máy hơi nước), trong khi đó các nước phát triển đang sử dụng công nghệ thứ 3 – công nghệ điện khí hóa và công nghệ thứ tư – điện từ. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt Việt Nam chưa có được sự kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác nhau như cảng hàng không, cảng biển lớn và chưa có kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong nhiều năm trở lại đây, vận tải đường sắt chưa thực sự đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của đất nước. Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng vận chuyển hành khách của ngành đường sắt bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 giảm 0,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 tăng 1,3%/năm và giai đoạn 2011-2019 giảm 3,6%/năm; sản lượng luân chuyển hành khách bình quân mỗi năm các giai đoạn tương ứng lần lượt là tăng 5,3%/năm, tăng 3,2%/năm và giảm 3,5%/năm, trong khi tốc độ tăng bình quân mỗi năm các giai đoạn trên của toàn ngành vận tải cũng như ngành đường bộ đều đạt trên 9%/năm đối với cả vận chuyển và luân chuyển; của ngành hàng không là trên 17%/năm đối với vận chuyển và gần 19% đối với luân chuyển. Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vận tải hành khách đường sắt cũng như nhiều ngành đường khác đều bị sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường sắt giảm 54% so vớinăm trước; năm 2021 giảm 62,6%; sản lượng luân chuyển lần lượt giảm 52,2% và 57,6%. Năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách đường sắt đã có sự phục hồi (gấp 3,2 lần về sản lượng vận chuyển và gấp 2,5 lần về luân chuyển so với năm trước) nhưng mới chỉ bằng 55% về vận chuyển và bằng 51% về luân chuyển so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng tăng 75,7% về vận chuyển và tăng 81% về luân chuyển những vẫn chỉ bằng 73% và bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng luân chuyển hành khách đường sắt giai đoạn 2010-2022

Năm 1990, ngành đường sắt phục vụ 10,4 triệu lượt khách vận chuyển, chiếm gần 3% tổng lượng khách của ngành vận tải và luân chuyển 1,9 tỷ lượt khách.km, chiếm 12%. Trong khi các ngành vận tải khác ghi nhận sự phát triển nhanh chóng trong nửa thế kỷ qua thì đường sắt lại sụt giảm nghiêm trọng. Đến năm 2019, số lượt hành khách vận chuyển của ngành đường sắt chỉ còn 4,7 triệu lượt khách, chiếm 0,2% tổng số lượt khách do ngành vận tải phục vụ và luân chuyển 3,2 tỷ lượt khách.km, chiếm 1,4%. Từ năm 2020 đến nay, vận chuyển hành khách đường sắt chỉ chiếm 0,1% về vận chuyển và từ 0,7-1% về luân chuyển.

Vận tải hàng hóa đường sắt mặc dù đạt được một số kết quả tích cực hơn nhưng có xu hướng ngày càng sụt giảm. Sản lượng vận chuyển hàng hóa của ngành đường sắt bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 tăng 10,3%/năm, giai đoạn 2001-2010 chỉ tăng 2,3%/năm và giai đoạn 2011-2019 giảm 4,7%/năm; sản lượng luân chuyển hành khách bình quân mỗi năm các giai đoạn tương ứng lần lượt là tăng 8,7%/năm, tăng 7,3%/năm và giảm 0,6%/năm. Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, đường sắt Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container đi quốc tế. Năm 2020, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tăng nhẹ 0,2% so với năm trước; năm 2021 tăng 8,5% và năm 2022 tăng 0,6%; sản lượng luân chuyển lần lượt tăng 2,1%; 7,4% và 10,9%. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hàng hóa đường sắt giảm mạnh 26,4% về vận chuyển và giảm 23,9% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước do các đơn hàng xuất, nhập khẩu giảm và phải cạnh tranh với vận tải đường thủy khi chi phí cao hơn.

Tốc độ tăng vận tải hàng hóa bình quân các giai đoạn (%)

Từ năm 2010 trở lại đây, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt ngày giảm. Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt năm 1990 đạt 2,3 triệu tấn và luân chuyển hàng hóa đạt 847 triệu tấn.km; năm 2010 đạt 7,9 triệu tấn về vận chuyển và 3.960,9 triệu tấn.km. Năm 2022, sản lượng vận chuyển đường sắt đạt 5,7 triệu tấn, gấp 2,5 lần năm 1990 và sản lượng luân chuyển đạt 4,5 tỷ tấn.km, gấp 5,4 lần. Trong khi đó sản lượng vận tải bằng đường bộ gấp gần 50 lần về vận chuyển và gấp 55 lần về luân chuyển; đường thủy nội địa gấp khoảng 18 lần cả về vận chuyển và luân chuyển; đường biển gấp 26 lần và gấp 11 lần.

Sản lượng luân chuyển hàng hóa đường sắt giai đoạn 2010-2022

Cũng như vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng đường sắt chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của các ngành đường: Năm 1990, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt chiếm 4,3% thì đến năm 2010 giảm xuống còn 1% và từ năm 2019 đến nay chỉ còn chiếm khoảng 0,3%.

Từng là một lực lượng vận tải chủ lực nhưng giờ đây đường sắt đã gần như bị lãng quên. Hệ thống đường sắt vẫn đang trong tình trạng lạc hậu cả về hạ tầng, thông tin tín hiệu và đầu máy toa xe trong khi nguồn lực để đầu tư hệ thống mới là rất lớn, chưa thể thực hiện ngay. Chi phí vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt lớn trong khi năng lực không thể tăng, hiệu quả thấp. Sau hơn 5 năm tái cơ cấu, bộ mặt đường sắt cũng có một số chuyển biến tích cực nhưng do trong nhiều năm, vốn rót cho đầu tư hiện đại hóa đường sắt rất thấp, chủ yếu chỉ để duy tu, sửa chữa nhỏ lẻ nên sự thay đổi chưa thực sự đi vào chiều sâu, hạ tầng vẫn lạc hậu, chất lượng dịch vụ không cạnh tranh được với các ngành đường khác, dẫn đến sản lượng ngày càng giảm hoặc mất dần thị phần. Trong khi đó, các ngành vận tải khác lại được đầu tư rất lớn với nguồn lực đa dạng, từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn ODA và xã hội hóa. Sự bất cân đối đó đã đẩy đường sắt vào thế càng ngày càng khó khăn và chật vật để tồn tại. Có thể nói, đường sắt tụt hậu là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước.

Nhận thức được vai trò quan trọng của đường sắt và thực trạng lạc hậu, kém phát triển của ngành đường sắt Việt Nam, ngày 14/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 82/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu là “Nghiên cứu các phương án phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường” và “Tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại, nâng cao tính thị trường, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn”. Ngày 28/02/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của vận tải đường sắt. Với sự quan tâm của Chính phủ và sự quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, hy vọng trong giai đoạn tới đường sắt Việt Nam sẽ có sự thay đổi tích cực, phát triển xứng tầm với vai trò và vị trí vốn có của ngành.