Tri giác là gì? Đặc điểm và Các loại tri giác

964

[Tâm lý học] – Tri giác là thành phần chính trong nhận thức cảm tính, là điều kiện quan trọng cho sự định hướng hành vi và hoạt động của con người trong thế giới khách quan. Dựa vào các hình ảnh của tri giác, con người điều chỉnh hoạt động của mình cho thích hợp với sự vật hiện tượng khách quan. Quan sát – hình thức cao nhất của tri giác đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của hoạt động và là một phương pháp nghiên cứu khoa học.

1. Khái niệm về tri giác

Khi các thông tin về các thuộc tính của sự vật, hiện tượng có được nhờ cảm giác được chuyển tới vỏ não thì ngay lập tức chúng được tổ chức sắp xếp tạo nên một hình ảnh đầy đủ có ý nghĩa về chính sự vật, hiện tượng đang tác động vào các giác quan của chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta không chỉ thấy màu xanh đơn thuần mà thấy màu xanh của cỏ, không chỉ nghe thấy một âm thanh mà nghe thấy tiếng nhạc hay tiếng bài hát. Quá trình tổ chức sắp xếp, lí giải và xác định ý nghĩa của hình ảnh về sự vật hiện tượng đó chính là tri giác.

Định nghĩa: Tri giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính bên ngoài của sự vật hiện tương đang trực tiếp tác động vào các giác quan.

Như vậy, hình ảnh trọn vẹn của sự vật có được là dựa trên cơ sở của các thông tin do cảm giác đem lại, dựa trên việc tổ chức, sắp xếp các thuộc tính bên ngoài của sự vật thành một thể thống nhất theo đúng cấu trúc của sự vật, hiện tượng khách quan. Cảm giác được coi như một nguồn cung cấp thông tin đầu vào, còn tri giác là tổ hợp, diễn giải, gán ý cho các thông tin đó.

Tri giác là một hình thức nhận thức của giai đoạn trực quan sinh động (nhận thức cảm tính). Tri giác là kết quả của sự tác động trực tiếp của sự vật đồng thời lên nhiều giác quan của con người. Do đó, có thể nói, tri giác là tổng hợp của nhiều cảm giác.

2. Đặc điểm tri giác so với cảm giác

Cùng là một quá trình thuộc giai đoạn nhận thức cảm tính, tri giác có những đặc điểm giống với cảm giác:

  • Tri giác là một quá trình tâm lí. Quá trình này có khởi đầu, diễn biến và kết thúc tương đối rõ ràng.
  • Tri giác phản ánh các dấu hiệu bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
  • Phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trực tiếp.

Bên cạnh những điểm giống nhau đó, tri giác có những đặc điểm nổi bật khác với cảm giác:

– Khác biệt cơ bản giữa cảm giác và tri giác là ở chỗ cảm giác phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng và gắn với một cơ quan thụ cảm chuyên biệt, trong khi đó tri giác là sự tổng hợp các cảm giác để tạo ra một hình ảnh trọn vẹn về đối tượng. Nói cách khác tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn.

– Tri giác sử dung dữ liệu trực quan do cảm giác đang mang lại đồng thời sử dung cả các kinh nghiệm đã học được trong quá khứ để có hình ảnh của sự vật một cách trọn vẹn để gọi tên sự vật. Đây là điểm khác biệt lớn so với cảm giác.

– Tri giác giúp con người xác định được vị trí của chủ thể đối với các sự vật hiện tượng trong thế giới xung quanh một cách tương đối rõ ràng. ở mức độ cảm giác, chủ thể chưa có được hình ảnh đầy đủ về sự vật hiện tượng, do vậy chưa có được điều này.

– Đồng thời, tri giác giúp con người xác định được sự vật đó thuộc loại, nhóm sự vật hiện tượng nào. Tức là tri giác một cách “tự động” xác định mối quan hệ giữa một sự vật hiện tượng và nhóm sự vật hiện tượng. Điều này minh chứng cho luận điểm của Mác: “lồng trong con mắt là những nhà lí luận”.

Tri giác là quá trình tích cực, gắn liền với việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của con người.

Quá trình tri giác diễn ra một cách tự động ngay khi con người có cảm giác. Ranh giới giữa cảm giác và tri giác về mặt thời gian là không rõ ràng. ở đây, việc tách biệt cảm giác và tri giác là hoàn toàn do mục đích nhận thức. Trên thực tế, quá trình cảm giác và tri giác diễn ra một cách liên tục và không thể chia cắt. Do vậy có quan điểm cho rằng cảm giác và tri giác là một hệ thống hợp nhất.

3. Sự chuyển hóa các cảm giác thành tri giác

Sự chuyển hóa này là một quá trình thường là rất nhanh (nhanh đến mức ta không cảm thấy được rằng cảm giác có trước, tri giác có sau mà tưởng rằng cảm giác và tri giác là một) nhưng vẫn có 4 bước sau đây:

– Bước 1: sự kích thích của một số năng lượng vật lý của môi trường đối với các giác quan (ví dụ: ánh sáng đối với mắt, âm thanh đối với tai, sức ép, cọ xát đối với da, các phân tử hóa chất đối với mũi hay lưỡi) là nơi có các tế bào cảm giác chuyên chịu kích thích của một loại năng lượng vật lý nào đó.

– Bước 2: sự chuyển hóa năng lượng vật lý thành năng lượng thần kinh (điện sinh học) ở tế bào cảm giác đang bị kích thích – hưng phấn và năng lượng này được truyền theo dây thần kinh để vào một vùng não nào đó trên vỏ não với tư cách là những xung mang tín hiệu điện.

– Bước 3: sự phát sinh những cảm giác vô nghĩa trên vùng đó của vỏ não

– Bước 4: các xung thần kinh trên vùng đó của vỏ não lan truyền sang vùng não kế cận gọi là vùng liên hợp để các cảm giác được liên hợp và tổng hợp lại thành một ấn tượng hay một hình ảnh có ý nghĩa gọi là tri giác (chủ thể nhận ra và biết được sự vật, hiện tượng mà tri giác phản ánh là sự vật gì, hiện tượng gì).

4. Các loại tri giác

Căn cứ vào các cơ quan cảm giác đóng vai trò chính trong quá trình tri giác có thể chia thành: tri giác nhìn, tri giác nghe, tri giác sờ mó (trong đó tri giác nhìn được nghiên cứu nhiều hơn cả). Do vậy, theo cách phân chia này chúng ta chỉ tìm hiểu loại tri giác nhìn. Căn cứ vào đối tượng tri giác có thể chia tri giác thành: tri giác không gian, tri giác thời gian, tri giác chuyển động, tri giác con người.

a. Tri giác nhìn

Tri giác nhìn phản ánh sự vật hiện tượng trọn vẹn nhờ thị giác.

Một số nhân tố thuộc trường kích thích ảnh hưởng tới tri giác nhìn:

  • Sự gần nhau giữa các sự vật đem đến tri giác các sự vật gần nhau thuộc về một nhóm
  • Sự giống nhau: Tri giác các sự vật giống nhau thuộc về một nhóm
  • Sự khép kín (bao hàm): sử dụng tất cả các thành phần để tạo ra một chỉnh thể
  • Nhân tố tiếp diễn tự nhiên: Các thành phần của các hình quen thuộc với chúng ta thường được liên kết thành một hình.

b. Tri giác không gian

Tri giác không gian phản ánh khoảng không gian tồn tại khách quan của sự vật hiện tượng. Tri giác không gian bao gồm:

+ Tri giác hình dạng sự vật,

+ Tri giác độ lớn của vật,

+ Tri giác chiều sâu, độ xa và các phương hướng.

c. Tri giác thời gian

Tri giác thời gian phản ánh độ dài lâu, tốc độ và tính kế tục khách quan của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Cơ chế của việc tri giác thời gian gắn với sự tiếp diễn liên tục và nhịp trao đổi sinh học của các quá trình cơ thể (thường được gọi là đồng hồ sinh học). Trong đó nhịp của hệ tuần hoàn và nhịp hệ tiêu hoá đóng vai trò quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi dùng một số thuốc làm thay đổi nhịp sinh học, sẽ dẫn tới sự thay đổi của tri giác thời gian.

Các nhân tố ảnh hưởng tới tri giác thời gian.

+ Tuổi và kinh nghiệm: Trẻ em chưa biết phân biệt thời gian, dần dần trẻ mới học được cách tri giác thời gian.

+ Động cơ, trạng thái tâm lí.

d. Tri giác chuyển động

Tri giác chuyển động phản ánh sự biến đổi vị trí của sự vật.

Bao gồm sự thay đổi vị trí, hướng, tốc độ.

+ Chuyển động tương đối: Đi xe nhìn bên ngoài, vật gần chuyển động nhanh, vật xa chuyển động xa chậm (thử đưa ngón tay trước mắt và ngửa đầu ra xa).

+ Chuyển động ra xa (Radial motion): Luật xa gần trong hội họa.

+ Tri giác âm thanh trong không gian: Nhờ sóng âm lan truyền theo dạng sóng nên con người nhận biết được hưởng phát ra của âm thanh.

e. Tri giác con người

Tri giác con người là quá trình nhận thức lẫn nhau của con người trong quá trình giao lưu trực tiếp. Đối tượng của tri giác con người là đối tượng đặc biệt. Trong quá trình tri giác con người, các chủ thể tập trung chủ yếu vào việc tri giác các đặc điểm và giá trị xã hội của con người.

5. Quan sát và năng lực quan sát

Quan sát là hình thức tri giác cao nhất của con người. Đây là quá trình tri giác mang tính chủ động, có mục đích, có ý thức rõ ràng. Quan sát có vai trò quan trọng trong hoạt động của con người.

“Quan sát, quan sát, quan sát” – Pavlốp.

Thông qua quá trình quan sát trong hoạt động và nhờ rèn luyện, ở con người hình thành năng lực quan sát. Năng lực quan sát là khả năng tri giác nhanh chóng những điểm quan trọng, chủ yếu và đặc sắc của sự vật, cho dù những điểm đó khó nhận thấy hoặc có vẻ là thứ yếu. Năng lực tri giác ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào các kiểu tri giác (kiểu tổng hợp, kiểu phân tích, kiểu phân tích tổng hợp, kiểu cảm xúc…), vào hoạt động nghề nghiệp và sự rèn luyện của họ.

6. Những sai lầm có thể của tri giác

Tri giác sai lầm là tri giác không chính xác về sự vật hiện tượng có thật. Những sai lầm của tri giác có thể có ba loại:

– Sai lầm do hiện tượng vật lý tạo nên: ánh sáng phản chiếu hay khúc xạ có thể gây ra hiện tương tri giác sai lầm. Lái xe trên đường vào buổi trưa nắng gắt, người lái có cảm giác phía trước có một vũng nước, đó là ví dụ của tri giác sai lầm

– Sai lầm do giác quan tạo nên: các giác quan của con người có thể bị đánh lừa trong những điều kiện nhất định, do đó tri giác có thể sai lầm trong trường hợp này.

– Sai lầm do đại não gây nên: sai lầm này có thể được chia thành những loại như sau:

+ Sai lầm do nhu cầu gây nên, người đang khát nước nghe gió thổi tưởng như nước đang chảy đâu đó.

+ Sai lầm do tình cảm gây nên, người sợ hãi một đe doạ từ bên ngoài tới, thấy cây động đậy tưởng có ai đang đuổi theo mình.

+ Sai lầm do không chú ý mà nên, có lúc nghe lầm, nhìn lầm vì thiếu sự chú ý nhất định

Các trường hợp sai lầm của tri giác có rất nhiều ứng dụng trong hoạt động thực tiễn, trong nghệ thuật, trong quảng cáo, …

Ảo giác không phải là sự sai lầm của tri giác về một đối tượng có thật mà là phản ánh về một đối tượng không có thực. Ảo giác không do giác quan mang lại mà là sản phẩm của đại não và là kết quả của sự thể hiện tình cảm, tư tưởng của chủ thể ra bên ngoài.

7. Những yếu tố cá nhân ảnh hưởng đến tri giác

– Kinh nghiệm trong quá khứ: tri giác của con người chịu ảnh hưởng của quá khứ rất mạnh. Con người nhận biết đối tượng một phần do thói quen và những điều đã biết trong hoạt động và trong cuộc sống. Máy chụp hình cũng gồm thấu kính như đôi mắt nhưng hình chụp khác hình nhìn bằng mắt vì máy chụp ghi hình không dựa vào kinh nghiệm. Nhưng cũng chính do kinh nghiệm mà nhiều lúc con người tri giác thiếu chính xác. Chẳng hạn, có nhiều lúc có người đi thăm một phong cảnh hoàn toàn xa lạ nhưng lại có cảm nghĩ rằng hình như đã gặp những hình ảnh quen thuộc ở đó. Hiện tượng này Tâm lý học đại cương Biên soạn: Phạm Hoàng Tài Trang 38 do kinh nghiệm lưu lại trong trí nhớ về những lần ngoạn cảnh nơi khác trộn lẫn với thực tế đang tri giác gây nên.

– Nhu cầu hiện tại: nhu cầu đã hướng dẫn tri giác của con người về cái họ cần. Thông thường một nhu cầu khó đạt, con người hay gán cho nó một giá trị lớn. Còn một nhu cầu dễ thoả mãn, con người lại hay xem thường giá trị của nó. Một khi nhu cầu được thoả mãn, tri giác của con người về đối tượng sẽ trở nên khách quan hơn.

– Tình cảm hiện tại: tình cảm ảnh hưởng mạnh mẽ đến tri giác nhất là ở tuổi nhỏ khi những hiểu biết chưa được kiện toàn. Tâm trạng của con người sẽ chi phối rõ ràng đến những hình ảnh đang tri giác.

Xem thêm: Các quy luật của tri giác