Báo động tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tự gây tai nạn

Tự gây họa

Mới đây nhất xảy ra vụ TNGT thương tâm khiến 1 nữ sinh viên thiệt mạng khi đang trên đường đến trường. Khoảng 6 giờ 30 ngày 08-3, sinh viên năm 3 Phạm Nguyễn Mai H. (21 tuổi, ngụ quận 3) điều khiển xe máy (XM) 59T1 – 856.86 trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Bình Lợi về cầu vượt Linh Xuân. Khi còn cách giao lộ với đường Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) khoảng 100m thì XM do H. cầm lái bất ngờ mất kiểm soát ngã xuống, va vào dải phân cách, trượt dài gần 20m, khiến nữ sinh viên này tử vong tại chỗ.

Khoảng 16 giờ ngày 05-3, một người đàn ông chừng 40 tuổi (chưa rõ lai lịch) điều khiển XM lưu thông trên đường Tân Sơn, hướng từ Q.Tân Bình về Q.Gò Vấp. Đến đoạn thuộc P15Q.Tân Bình, do mất lái, phương tiện này đã tông vào cột sắt trên lề đường, cả người và xe ngã xuống, nạn nhân chết tại chỗ. Trước đó 2 ngày, tại đoạn Km 975+400 Quốc lộ (QL) 1A, thuộc địa phận xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xe tải thùng BS: 81H – 004.32 (chưa rõ người điều khiển) lưu thông trên QL1A hướng Nam – Bắc bất ngờ mất lái đâm vào dải phân cách cứng trên đường, lật ngang chiếm hết một phần đường khiến việc lưu thông qua đây gặp khó khăn và làm 1 người bị thương nặng. Công an địa phương đã có mặt kịp thời để xử lý hiện trường, điều tiết giao thông.

Tại KP Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, trong lúc điều khiển XM: 77C1-325.36 chở L.T.N.A (SN 2003) phía sau, Đ.C.K (SN 1998) đã tự ngã khiến người chết, kẻ bị thương. Nguyên nhân được xác định: thời điểm xảy ra tai nạn trời có mưa, khi xe qua đoạn cua do K. không kiểm soát được tốc độ đã dẫn đến tai nạn thương tâm.

Ngoài ra, có nhiều vụ tài xế say rượu mất lái gây TNGT. Cụ thể, trong tháng 01-2023 trên tuyến Đường tỉnh 638, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, Bình Định, XM: 77AC-008.04 do ông Ngô Đức S. (SN 1940, ngụ thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cầm lái lưu thông hướng Gò Loi – Mỹ Trinh bất ngờ tự ngã xuống đường, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân được CA xác định do ông S. điều khiển xe trong lúc say rượu nên không làm chủ tay lái cũng như tầm nhìn bị hạn chế.

Trên đây là một số vụ TNGT tự té ngã, thực tế còn rất nhiều tai nạn xảy ra vì nhiều nguyên nhân khiến thực trạng này trở thành nỗi nhức nhối, trăn trở với cơ quan chức năng các địa phương. Chỉ vì bất cẩn, chủ quan trong phút chốc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhiều người đã tự tước đi mạng sống của chính mình và người khác hoặc phải chịu cảnh sống trong thương tật suốt đời.

Phải nâng cao ý thức

Theo cơ quan chức năng, hầu hết các vụ TNGT có liên quan đều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như: đi sai làn đường, phần đường; không chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định; không giữ khoảng cách an toàn, mất kiểm soát tốc độ, say rượu…

Để phòng tránh TNGT nói chung, tai nạn do người điều khiển phương tiện tự gây ra nói riêng, công an khuyến cáo người dân khi điều khiển phương tiện phải tự giác nâng cao ý thức; tập trung quan sát, không nên chạy xe tốc độ cao, nhất là ở các đoạn đường cong, tuyến giao nhau; đặc biệt, không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định pháp luật (riêng về vấn đề này, phụ huynh, gia đình nên quản lý, giáo dục, trang bị kỹ năng điều khiển XM an toàn cho con em, tránh để những hành vi vi phạm trong thoáng chốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng).

Theo anh Trần Văn Công (ngụ quận 2, TPHCM): “Phần lớn các vụ TNGT xảy ra trên cả nước đều bắt nguồn từ nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện. Do đó, để giảm thiểu TNGT, kể cả gây tai nạn hoặc tự gây tai nạn, trước tiên cần thay đổi ý thức: ý thức về sự an toàn cho bản thân và người khác, ý thức khi điều khiển phương tiện và ý thức xử lý hậu tai nạn…”.

Luật sư Ngô Quốc Việt – Đoàn Luật sư TPHCM – cho biết, trong trường hợp người điều khiển vi phạm quy định an toàn giao thông tự gây tai nạn nếu may mắn sống sót nhưng làm người đi cùng thiệt mạng cũng bị khởi tố hình sự. Cụ thể: Người tự gây TNGT dẫn đến chết người có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự 2017, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo đó, phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm nếu gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% – 121%, gây thiệt hại về TS từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

Phạt tù từ 3 – 10 năm nếu phạm tội không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% – 200%, gây thiệt hại về TS từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Phạt tù từ 7 – 15 năm nếu phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, gây thiệt hại về TS 1,5 tỷ đồng trở lên…