Ứng dụng Telegram là gì? Telegram có lừa đảo không?

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ứng dụng Telegram là gì?

Ứng dụng Telegram là một trong các ứng dụng phổ biến với tính năng như nhắn tin nhanh và gọi điện thoại miễn phí có tính bảo mật cao.

Một số đặc điểm nổi bật của ứng dụng Telegram như:

– Mã hóa tin nhắn đầu – cuối: Nghĩa là cuộc trò chuyện chỉ người gửi và người nhận mới có thể đọc được nội dung không thể chuyển tiếp tin nhắn như các ứng dụng như Zalo, Facebook, Skype… Cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được tin nhắn ở phía người gửi.

– Chia sẻ tệp dung lượng lớn (2GB): Có thể chia sẻ âm thanh, hình ảnh, video,…

– Hẹn giờ hủy tin nhắn: Cho phép người dùng đặt thời gian cho các tin nhắn được gửi để tự động xóa sau một khoảng thời gian nhất định, giúp giảm thiểu nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ.

– Lưu trữ đám mây: Tin nhắn được đồng bộ và lưu trữ trên đám mây, có thể truy cập từ nhiều thiết bị.

– Tạo kênh, nhóm chát lên đến 200.000 thành viên.

– Có thể đổi tên nick nhiều lần mà không bị giới hạn như zalo(3 lần), facebook (5 lần)….

2. Telegram có lừa đảo không?

Về bản chất ứng dụng Telegram là một ứng dụng nhắn tin và gọi điện có tính bảo mật cao được mã hóa đầu – cuối. Đồng thời, Telegram cũng cam kết không thu thập và bán dữ liệu người dùng cho các bên thứ ba.

Như vậy, Telegram không phải là một ứng dụng lừa đảo mà là một ứng dụng cung cấp dịch vụ nhắn tin và gọi điện miễn phí đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.

Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng các tính năng bảo mật cũng như độ phổ biến với nhiều người dùng của Telegram để lừa đảo như:

– Lừa đảo đầu tư tài chính: Gửi link, bot giả mạo các sàn giao dịch đầu tư, hứa hẹn lợi nhuận cao không phải rủi ro để lừa nạn nhân nộp tiền đầu tư.

– Lừa đảo tiền điện tử: Gửi link website giả mạo sàn giao dịch tiền điện tử, yêu cầu nạp tiền, sau đó chiếm đoạt luôn số tiền trong tài khoản.

– Lừa qua mối quan hệ tình cảm: Kết bạn, làm quen rồi tán tỉnh, vay mượn tiền với lý do khẩn cấp nhưng không trả.

– Cài mã độc để đánh cắp thông tin cá nhân: Gửi file đính kèm chứa mã độc để khi mở sẽ cài vào máy và đánh cắp dữ liệu.

….

3. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram còn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời nộp lại số tài sản bất hợp pháp có được do lừa đảo người bị hại mà có.

Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) thì người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Telegram sẽ chịu các khung hình phạt tương ứng như sau:

Khung 1

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

– Có tổ chức,

– Có tính chất chuyên nghiệp.

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

– Tái phạm nguy hiểm.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Khung 5

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý: Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.0000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi:

– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;

– Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh;

– Tài sản bị lừa đảo là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

– Đã bị kết án về một trong các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Các biện pháp phòng tránh lừa đảo qua Telegram

Để không bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dùng ứng dụng Telegram cần có biện pháp phòng tránh như sau:

– Cẩn thận với những lời mời chào, quảng cáo có vẻ quá hấp dẫn trên Telegram.

– Những lời hứa hẹn kiếm tiền nhanh, dễ dàng thường là lừa đảo.

– Không nên chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho người lạ hoặc những người mới quen qua Telegram.

– Cẩn trọng khi nhấn vào các liên kết lạ trên Telegram, không mở các file đính kèm nghi ngờ và nên kiểm tra kỹ trước khi truy cập.

– Không nên gửi tiền, thanh toán trước cho các giao dịch online nghi ngờ qua Telegram.

– Sử dụng tài khoản Telegram ẩn danh, không cung cấp thông tin cá nhân, không tiếp xúc với người lạ.

– Cảnh giác trước những mối quan hệ yêu đương nhanh chóng, đề nghị gửi quà tặng trên Telegram vì đó có thể là chiêu trò lừa đảo.

– Báo cáo và chặn ngay các tài khoản nghi ngờ lừa đảo trên Telegram…