Từ khóa: giai cấp công nhân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam.
Từ khi giành được chính quyền đến nay, giai cấp công nhân nước ta đã có những biến đổi rất to lớn, từ người làm thuê cho tư bản, đế quốc trở thành người làm chủ đất nước. Giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, trình độ, tay nghề, bản lĩnh chính trị,… thể hiện và khẳng định vị thế của người chủ đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Từ thực tế đó và trên cơ sở những chỉ dẫn của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: “Giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”(1). Hội nghị Trung ương 6 khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Bạn đang xem: Vai trò, đặc điểm giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
1. Trong thời kỳ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, tham gia vào toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:
Một là, giai cấp công nhân nước ta là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, các ngành kinh tế nước ta, nhất là lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giai cấp công nhân kiên trì khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, dần thích ứng với cơ chế quản lý mới, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước. Công nhân là lực lượng lao động trực tiếp thúc đẩy “Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 6,9%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng… Giá trị ngành công nghiệp, xây dựng năm 2011 tăng 6,68%, năm 2012: 5,75%, năm 2013: 5,43%, năm 2014: 7,14%, năm 2015: 9,29%”(2). Giá trị ngành công nghiệp hàng năm tăng cao, trong đó có công sức, trí tuệ của giai cấp công nhân, đóng góp chủ yếu vào giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP), góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Hai là, giai cấp công nhân nước ta đã và đang phát huy hiệu quả vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, giai cấp công nhân nước ta là một trong những giai cấp, tầng lớp xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có của bước chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện từ xây dựng, phát triển nền kinh tế đất nước nói chung, phát triển kinh tế công nghiệp nói riêng theo mô hình hành chính, tập trung bao cấp sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ, trong khi đó, phong cách, lề lối làm việc của công nhân còn chịu tác động của cơ chế hành chính, tập trung bao cấp. Song, phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất và tiên phong, giai cấp công nhân vẫn luôn giữ vững và thể hiện là giai cấp lãnh đạo cách mạng nước ta trong điều kiện mới. Điều này được Đảng ta khẳng định tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X: giai cấp công nhân nước ta “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”(3).
Ba là, giai cấp công nhân nước ta đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến.
Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bốn là, giai cấp công nhân nước ta luôn tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Giai cấp công nhân trực tiếp làm việc trong các công xưởng, nhà máy, doanh nghiệp, trong các lĩnh vực của ngành kinh tế công nghiệp, trực tiếp tiếp nhận công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, cải tiến công cụ, quy trình, quản lý… Đó là những người chủ trong ngành công nghiệp, người đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay. Đảng đã khẳng định: giai cấp công nhân nước ta là “lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(4).
Năm là, giai cấp công nhân nước ta “là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”(5).
Xem thêm : 1 Man bằng bao nhiêu tiền Việt? Cập nhật tỷ giá mới nhất
Trong thực tế, quan hệ giữa công nhân với nông dân và trí thức đã hình thành nên khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức đã, đang và sẽ thúc đẩy sự hợp tác, liên minh, liên kết của công nhân với trí thức và nông dân; từ đó hình thành, phát triển các nhóm xã hội giáp ranh, đan xen giữa công nhân và trí thức, giữa công nhân và nông dân. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, liên minh, liên kết giữa các giai tầng xã hội. Thông qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, số lượng, chất lượng lao động, để tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay, trong thời kỳ mới, liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức càng có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng CNXH trong điều kiện mới. Liên minh ấy chỉ có thể phát huy và khẳng định vai trò khi được xây dựng, củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo đường lối, quan điểm của Đảng, lập trường của giai cấp công nhân.
Sáu là, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị – xã hội rộng lớn, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng.
Trong công cuộc xây dựng CNXH theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, giai cấp công nhân nước ta có đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động. Bởi vậy, giai cấp công nhân rất thuận lợi khi tham gia vào công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, với xu hướng ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, giai cấp công nhân là nguồn lực dồi dào cung cấp cho Đảng ngày càng nhiều đảng viên là công nhân, góp phần khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Thông qua tăng số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ đảng viên là công nhân, Đảng sẽ được bổ sung lực lượng đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và tác phong, kỷ luật lao động hiện đại, nhiều đảng viên là công nhân trí thức… Từ đó, góp phần quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng thông qua hoạt động trực tiếp của những đảng viên là công nhân ở mọi doanh nghiệp, lĩnh vực, địa bàn của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện hiện nay.
2. Đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Một là, giai cấp công nhân nước ta tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu và ngành nghề.
Trước thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nước ta được quản lý theo cơ chế hành chính, tập trung, bao cấp, giai cấp công nhân nước ta có số lượng không lớn và khá thuần nhất về cơ cấu thành phần và ngành nghề, công nhân làm việc chủ yếu trong thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã tạo bước chuyển quan trọng đối với cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã hình thành và phát triển nhanh. Điều đó đã tạo sự chuyển biến trong cơ cấu lao động xã hội, làm cho lực lượng công nhân – lao động công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu. Trong đó, số công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2020, hiện nay, tổng số công nhân nước ta chiếm khoảng 13% số dân và 24% lực lượng lao động xã hội, bao gồm số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước, đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài và số lao động giản đơn trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể(6). Số lượng công nhân tăng nhanh chủ yếu ở các loại hình doanh nghiệp tại những khu công nghiệp trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Hai là, giai cấp công nhân nước ta đang được trẻ hóa, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp từng bước được nâng lên.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế không thể không tiếp nhận những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động của ngành công nghiệp. Điều này, đòi hỏi phải khắc phục triệt để những hạn chế về tác phong và kỷ luật lao động của thời kỳ thực hiện cơ chế hành chính, tập trung bao cấp và phải nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp của công nhân. Nếu không, doanh nghiệp và công nhân không thể tồn tại và phát triển. Đây là đòi hỏi rất cao, yêu cầu rất lớn và nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp và công nhân, cũng là động lực thúc đẩy trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của công nhân từng bước được nâng lên. Cùng với đó là việc rèn luyện, nâng cao tác phong và kỷ luật lao động theo hướng hiện đại và hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức.
Ba là, giai cấp công nhân nước ta hiện nay đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng trước đây, đa số công nhân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đi đầu, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai cấp công nhân nước ta hiện nay đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng trước đây, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là truyền thống tiên phong cách mạng, kiên trì khắc phục và vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong sản xuất… Đa số công nhân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng CNXH.
Bốn là, số lượng công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm; sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc.
Xem thêm : Phạm vi lãnh thổ của một nước thường bao gồm những bộ phận nào?
Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm do việc đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp chuyển thành doanh nghiệp, công ty cổ phần. Bên cạnh đó, sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc do chênh lệch ngày càng lớn về thu nhập giữa các bộ phận công nhân. Thu nhập của công nhân trong khu vực kinh tế nhà nước thường cao và ổn định hơn so với công nhân trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đặc biệt, sự chênh lệch về thu nhập và mức sống ngày càng tăng giữa những công nhân có cổ phần với những công nhân không có cổ phần trong các doanh nghiệp, công ty cổ phần, giữa những công nhân có trình độ chuyên môn và tay nghề cao (công nhân trí thức) với những công nhân có tay nghề và trình độ chuyên môn thấp và lao động giản đơn. Điều này dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội trong giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc.
Năm là, thành phần xuất thân của giai cấp công nhân nước ta ngày càng đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là từ nông dân.
So với thời kỳ trước đổi mới, thành phần xuất thân của giai cấp công nhân ngày càng đa dạng hơn, không thuần nhất như trước đây. Tuy nhiên, với đặc điểm của một nước nông nghiệp, thành phần xuất thân của giai cấp công nhân phần lớn vẫn từ nông dân, trình độ và chuyên môn nghề nghiệp còn hạn chế và còn chịu sự chi phối bởi tác phong, lề lối làm việc của người nông dân tiểu nông, chưa thích nghi với tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp hiện đại. Đa phần chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống nên trình độ và chuyên môn, nghề nghiệp hạn chế, năng suất lao động và thu nhập thấp, khoảng cách giàu nghèo và sự phân tầng xã hội trong giai cấp công nhân gia tăng. Một bộ phận công nhân còn nhiều hạn chế trong giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị và hiểu biết về chính sách, pháp luật, gây khó khăn nhất định cho việc phát triển đảng viên là công nhân.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020
(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp bộ: “Vai trò tiên phong của đội ngũ đảng viên trong giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay”, mã số B.19-30, do TS Trần Thị Hương làm Chủ nhiệm.
(1), (3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.43, 43-44, 44, 44.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.226.
(6) Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhận Việt Nam hiện nay, http://tapchimattran.vn (truy cập ngày 3-5-2020).
TS Trần Thị Hương
Khoa Xây dựng Đảng,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp