ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò toàn diện của Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.

Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến các nước lớn có sự cạnh tranh chiến lược gay gắt và tình hình địa chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các nước lớn liên tục điều chỉnh chiến lược, gia tăng sức mạnh quân sự, mở rộng can dự chi phối an ninh, chính trị thế giới. Các nước lớn một mặt kêu gọi củng cố trật tự dựa trên luật lệ, mặt khác vi phạm các luật pháp quốc tế và vô hiệu các thể chế quốc tế đa phương như Liên hợp quốc.

vai tro lon nhat cua lien hop quoc hien nay la 1

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VA

Trong bối cảnh Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng bảo an giữ trọng trách chính quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định của thế giới nhưng không thể đưa ra quyết định liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraina do vấp phải sự phản đối của một số nước (phía Nhật Bản gọi chung vẫn đề này là vấn đề không phát huy đầy đủ vai trò của HĐBA), nhằm cải thiện tình trạng này và giúp Liên hợp quốc (Hội đồng bảo an) có thể phát huy đầy đủ vai trò của mình.

Phát biểu khai mạc, TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Sau gần 80 năm tồn tại và phát triển, Liên hợp quốc không ngừng phát triển lớn mạnh. Liên hợp quốc ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới, góp phần rất quan trọng để giữ gìn hòa bình, môi trường hòa bình, hợp tác phát triển thịnh vượng thế giới. Việt Nam, Nhật Bản là những quốc gia thành viên tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc.

Theo TS. Đặng Xuân Thanh, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vai trò của Liên hợp quốc vô cùng lớn, khi thế giới phân cực, Liên hợp quốc giữ vai trò nổi bật như giữ gìn hòa bình thế giới, chống các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, duy trì môi trường hòa bình giữa các dân tộc. Những năm gần đây, Liên hợp quốc đang đứng trước thách thức lớn, đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhiều người cho rằng, Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải cải tổ, thậm chí nhiều người cho rằng Liên hợp quốc đang mất dần trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Do đó, cần phải làm rõ những vấn đề, thách thức đặt ra đối với tổ chức này.

Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc từ năm 1977, đến nay đã 46 năm, Việt Nam ngày càng đóng vai trò chủ động, là thành viên tích cực. Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2 nhiệm kỳ vào các năm 2008-2009 và 2020-2021 với số phiếu tín nhiệm rất cao.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước châu Á chia sẻ quan điểm sâu rộng về vấn đề an ninh, hòa bình, đóng góp tích cực vào phát triển trong khu vực. Hai nước đều mong muốn có sự cải tổ sâu rộng của Liên hợp quốc, đặc biệt là vấn đề thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phát biểu về chủ đề “Triển vọng củng cố Liên hợp quốc: Vai trò của Nhật Bản”, GS.TS Yasue Mochizuki đến từ Đại học Kwansei Gakuin, Nhật Bản cho hay, trong nhiều năm qua, mục tiêu của Nhật Bản là làm cho Hội đồng Bảo an trở nên hợp pháp, hiệu quả và mang tính đại diện hơn nữa trong việc phản ánh thực trạng của thế giới. Từ đó, Nhật Bản đã tham gia rất tích cực trong việc thúc đẩy “an ninh con người” cũng như tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo GS.TS Yasue Mochizuki, đã có những cuộc thăm dò dư luận tại Nhật Bản về vai trò của Nhật Bản tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ đó cho thấy, dân chúng Nhật Bản rất ủng hộ nước này là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở tổ chức này.

Dự báo xu hướng cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong tham luận của mình, PGS.TS Chu Đức Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá lại những nỗ lực cải cách Hội đồng Bảo an đến nay cũng như dự báo xu hướng cải cách nhằm phát huy vai trò của Hội đồng Bảo an trong thời gian tới. Theo PGS. Chu Đức Dũng, từ những năm 1990 đến nay, Hội đồng Bảo an đứng trước sức ép ngày càng lớn phải cải cách nhằm bảo đảm tính đại diện, dân chủ, minh bạch và hiệu quả để ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Cải cách Hội đồng Bảo an là chìa khóa để cải cách thành công Liên hợp quốc. Đã có nhiều chương trình hành động của các đời Tổng Thư ký Liên hợp quốc như: Boutros Boutros-Ghali, Tổng thư ký nhiệm kỳ 1992-1996; Kofi Annan (với báo cáo “Tự do rộng lớn hơn” năm 2005) và nhiều tổ chức khác đã đề xuất dự thảo cải cách. Tuy nhiên, không một phương án nào được đưa ra bỏ phiếu.

PGS. Chu Đức Dũng cho rằng, trong khi tiến trình đàm phán cải cách Hội đồng Bảo an chưa đạt được kết quả đáng kể, cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an theo phương hướng không cần sửa đổi Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là cải cách phương pháp làm việc, chuẩn mực vận hành, như: Các thỏa thuận không ràng buộc về hạn chế sử dụng quyền phủ quyết, các thỏa thuận về thủ tục tranh luận của Hội đồng Bảo an, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của Hội đồng Bảo an…/.