Sản xuất trái phép chất ma túy: đừng đùa với pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Điều 248 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội sản xuất trái phép chất ma túy nhưng chưa hướng dẫn thế nào là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Tuy nhiên căn cứ vào Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, có thể hiểu hành vi sản xuất trái phép chất ma túy là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc không đúng với nội dung đã được cấp phép.

“Các đối tượng làm nhiệm vụ giám sát, cảnh giới trong đường dây sản xuất trái phép chất ma túy là đồng phạm với đối tượng trực tiếp sản xuất trái phép chất ma túy, tham gia theo phân công nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Các đối tượng này đều sẽ phải chịu trách nhiệm về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 248 Bộ luật Hình sự. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào vai trò của từng đối tượng trong vụ án sẽ cá thể hóa hình phạt tương ứng.” – Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng lưu ý thêm hiện nay, nhiều đối tượng sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy thuê các công ty vận chuyển, shipper để vận chuyện ma túy dưới dạng các gói hàng, kiện hàng. Nếu những người vận chuyển không biết, hoặc kiểm tra nhưng không phát hiện được các hàng hóa đó là ma túy thì họ không phải chịu trách nhiệm với hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu biết rõ hàng hóa vận chuyển là ma túy, những người này sẽ bị điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự hiện hành.