Ví dụ về kinh tế tư bản nhà nước

Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường quản lí kinh tế của Nhà nước đối với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu thủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bài viết ví dụ về kinh tế tư bản nhà nước, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về thành phần kinh tế tư bản nhà nước.

Khái niệm kinh tế tư bản nhà nước? Ví dụ?

Kinh tế tư bản nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu hỗn hợp về vốn giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước hoặc với tư bản nước ngoài, thông qua các hình thức hợp tác như: hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh,….

Đây là thành phần kinh tế có tiềm năng to lớn về vốn, về công nghệ, khả năng tổ chức quản lí, nên có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc xay dựng và phát triển kinh tế đất nước. Hơn nữa, phát triển kinh tế tư bản nhà nước còn là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và kinh doanh có hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay. Do vậy, phát triển kinh tế tư bản nhà nước là đòi hỏi khách quan, giữ vai trò là hình thức kinh tế trung gian, hình thức kinh tế quá độ, là “cầu nối” đưa sản xuất nhỏ lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.

Ví dụ kinh tế tư bản nhà nước: Mỏ dầu Bạch Hổ – liên doanh dầu khí Việt Nam – Liên Xô.

vi du ve thanh phan kinh te tu nhan 1

Vai trò kinh tế tư bản nhà nước

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là một phần không thể thiếu của một nền kinh tế nhiều thành phần nhằm khai thác mọi tiềm năng, mọi nguồn lực kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là hình thức kinh tế giúp cho kinh tế tư bản chuyển hoá, phát triển thuận lợi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta, các nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư bản nhà nước. Trong đó, định hướng trực tiếp cho sự phát triển kinh tế tư nhân và tư bản tư nhân là kinh tế tư bản nhà nước. Với ý nghĩa đó, VI. Lê-nin đã coi kinh tế tư bản nhà nước là khâu trung gian, là một bước tiến, là một thắng lợi lớn trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội.

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là nhân tố quan trọng để liên kết ngay từ đầu giữa công nghiệp với nông nghiệp – cơ sở xuất phát và lâu dài của phát triển kinh tế thị trường.

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là một trong những bộ phận phát triển cao nhất. Ở đó có trình độ phát triển lực lượng sản xuất cao nhất, có cách tổ chức kinh tế hiệu quả nhất, nên sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và tiến bộ xã hội. Do đó, nó là một trong những động lực chính của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước có nhu cầu liên kết với nền nông nghiệp nhỏ, thúc đẩy sản xuất hàng hoá (cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp). Phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước, với sức mạnh kinh tế và tổ chức của nó là nhân tố quan trọng để kết hợp công nghiệp với nông nghiệp trên phạm vi vùng, hình thành cơ cấu vùng kinh tế. Nhờ đó, có cơ sở để khắc phục dần chủ nghĩa địa phương cục bộ trong quản lý địa phương, quản lý ngành.

– Thành phần kinh tế tư bản nhà nước mang tính tập trung sản xuất và quản lý hiện đại của một hệ thống mở. Nhờ sự phát triển của nó mà có thể khắc phục dần tình trạng manh mún, phân tán, chia cắt trong sản xuất và trong quản lý ở nước ta. Phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước sẽ tạo cơ sở cho hình thành một hệ thống kiểm kê, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nó là nhân tố chủ yếu để khắc phục xu hướng tự phát vô chính phủ trong kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nó cũng tạo cơ sở cho việc đẩy lùi và ngăn chặn những tiêu cực như hối lộ, tham nhũng, lãng phí… trong các cơ sở kinh tế, nhất là trong kinh tế nhà nước.

– Trong khu vực đầu tư nước ngoài, kinh tế tư bản nhà nước không chỉ đem lại nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, mà còn đem vào cách quản lý kinh tế thị trường hiện đại, đang là điểm yếu nhất trong công tác quản lý của nhà nước ta. Ở nước ta, nếu biết học hỏi và vận dụng sáng tạo cách quản lý hiện đại, Nhà nước sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tạo ra những điều kiện để quản lý quá trình mở cửa và hội nhập.

Trên đây là một vài thông tin chúng tôi chia sẻ về thành phần kinh tế tư bản nhà nước. Mong rằng bài viết ví dụ về kinh tế tư bản nhà nước đã giúp Quý độc giả hiểu hơn về thành phần kinh tế này.