Từ bước phiêu lưu quân sự đầy tham vọng
Ngày 30-1-1971, quân đội Sài Gòn được sự yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh của quân đội Mỹ đã mở cuộc hành quân mang mật danh Lam Sơn 719 (ghép số 71 với Ðường số 9) nhằm đánh phá hành lang chiến lược, phá hủy hệ thống kho tàng hậu cần của ta trên đất Lào và cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Sê-pôn. Ðây là một phần trong chủ trương “chiến tranh bóp nghẹt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhằm triệt tiêu sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến, làm cho lực lượng cách mạng ở miền nam và hai nước bạn Lào, Campuchia suy yếu, Quân giải phóng miền nam Việt Nam không còn khả năng đánh lớn. Ðồng thời thông qua cuộc hành quân này để phô trương kết quả sau gần ba năm thực hiện”Việt Nam hóa chiến tranh”, kiểm tra khả năng tác chiến và kiểm soát tình hình của Quân đội Sài Gòn sau khi quân Mỹ và quân Ðồng minh của Mỹ rút.
Bạn đang xem: Đòn giáng chí mạng vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"
Ðể tránh sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, lực lượng quân Mỹ tham gia yểm trợ cho cuộc hành quân này mang một cái tên riêng, “rất Mỹ”: Dewey Canyon II (trước đó, vào tháng 1-1969 đã có cuộc hành quân tương tự qua vùng biên giới Việt – Lào mang tên Dewey Canyon I). Do tầm quan trọng của bước phiêu lưu quân sự này, địch đã huy động ba sư đoàn chủ lực và nhiều đơn vị quân, binh chủng (tổng cộng khoảng ba vạn quân), 450 xe tăng, xe thiết giáp; hơn 200 khẩu pháo, 700 máy bay các loại. Cả bộ máy chiến tranh của Mỹ và Sài Gòn đều dõi theo chặt chẽ chiến dịch quân sự đầy tham vọng này. Cuộc hành quân dự kiến sẽ kéo dài trong ba tháng và được triển khai qua bốn giai đoạn. Tuy nhiên, mới đi được phân nửa chặng đường (44 ngày đêm), nó đã bị chặn đứng với một kết cục bi thảm.
…đến bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến
Xem thêm : Tháng cô hồn có nên cắt tóc không? Cách chọn ngày cắt tóc
Kể từ sau cuộc đảo chính ở Campuchia (ngày 18-3-1970), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Ðảng nhận định, địch sẽ triển khai những bước phiêu lưu quân sự mới dọc theo hành lang Trung – Hạ Lào và Ðông Bắc Campuchia; đồng thời phán đoán địch sẽ đánh phá quyết liệt tuyến vận tải chiến lược 559 để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc, cô lập cách mạng miền nam. Ngay từ mùa hè năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐNDVN) đã bắt đầu vạch kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng và chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị chiến trường ở khu vực Ðường 9 – Nam Lào. Tháng 10 năm đó, Binh đoàn 70 được thành lập tại khu vực này. Do dự đoán đúng âm mưu, thủ đoạn của địch nên khi quân đội Sài Gòn tung lực lượng đánh ra khu vực Ðường 9 – Nam Lào, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: Nhất thiết phải thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược. Thấu triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở khu vực Ðường 9 – Nam Lào, đồng thời chỉ thị cho toàn quân kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch Ðường 9 – Nam Lào. Ngày 4-2-1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Mặt trận Ðường 9 – Nam Lào (gọi tắt là BTL 702).
Chiến dịch phản công Ðường 9 – Nam Lào là một chiến dịch có quy mô sử dụng lực lượng, chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn nhất cho đến thời điểm đó. Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung cho chiến dịch này một lực lượng hùng hậu với năm sư đoàn bộ binh: 308,304, 320, 324, 2 và một số đơn vị tại chỗ của B4, B5, Ðoàn 559; bốn trung đoàn pháo binh; bốn trung đoàn Cao xạ, ba trung đoàn Công binh, ba tiểu đoàn Tăng – Thiết giáp; một số tiểu đoàn đặc công… Trung ương Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước cũng huy động lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh tiến công địch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam. Lực lượng vũ trang các quân khu Trung và Nam Lào, Mặt trận Y (Savannakhet) phối hợp nhịp nhàng với quân tình nguyện Việt Nam mở nhiều cuộc tiến công quân địch, tổ chức gần 120 trận đánh, buộc quân địch phải phân tán lực lượng để đối phó, kịp thời “chia lửa” với Quân giải phóng miền nam trên mặt trận Ðường 9 – Nam Lào. Nhân dân các địa phương ở Trung – Hạ Lào cũng tích cực tiếp tế hậu cần, giúp đỡ các đơn vị chủ lực của Việt Nam truy kích địch…
Chiến dịch Ðường 9 – Nam Lào diễn ra trên một khu vực có chiều rộng gần 60 km, chiều dài gần 100 km chạy dọc theo Ðường 9 kéo dài từ Ðông Hà (Quảng Trị) cho đến Sê-pôn (Lào), trong đó khu vực tác chiến tập trung chủ yếu từ Bản Ðông đến Lao Bảo. Trải qua hơn 50 ngày đêm liên tục tiến công quân địch (từ ngày 31-1 đến 23-3), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 20 nghìn quân địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay các loại, 1.138 xe cơ giới, 112 khẩu pháo…, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí và thiết bị chiến tranh khác.
Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường Ðường 9 – Nam Lào mùa xuân 1971 trở thành một trong những sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó không chỉ trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng tác chiến của Quân đội Sài Gòn – rường cột của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon, giáng một đòn chí mạng vào âm mưu kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Ðông Dương…, mà còn làm phá sản kế hoạch chiến lược của Mỹ nhằm bóp nghẹt và ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền bắc cho cách mạng miền nam. Chiến thắng cũng là một minh chứng sống động cho mối tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt – Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
Xem thêm : Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên mới
Ðối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, kết cục của “cuộc hành quân Lam Sơn 719” thật là thảm bại và khó có thể “tiêu hóa”. Những mục tiêu đặt ra cho cuộc hành quân và nhiều kỳ vọng gửi gắm vào đó đều không đạt được: Không bóp nghẹt được hành lang vận chuyển chiến lược mang tên Ðường Hồ Chí Minh; không triệt phá đựợc các căn cứ hậu cần của đối phương ở Sê-pôn; không làm suy yếu được khả năng tập trung lực lượng đánh lớn của Quân Giải phóng miền Nam… Ngược lại, thất bại của cuộc hành quân “Lam Sơn 719” vô hình trung đã tạo ra thời cơ thuận lợi mới cho phong trào kháng chiến của ba nước Ðông Dương. Thất bại này không chỉ nằm ở những con số về thiệt hại quân số và vật chất, mà là một thất bại về chiến lược hết sức quan trọng; nó đánh dấu bước thất bại cơ bản về quân sự của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ðúng như nhà nghiên cứu W. Nolan đã nhận xét: “Lam Sơn 719”- cuộc tiến công vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh là cuộc hành quân thiệt hại nặng nề nhất đối với Quân lực Việt Nam cộng hòa. Nếu xét trên phương diện đây là một cuộc thử nghiệm lớn của Việt Nam hóa chiến tranh thì “Lam Sơn 719” là một thất bại nặng nề. Một lực lượng lớn đã bị thương vong.(1)
Nửa thế kỷ đã trôi qua, cho dù tiếp cận từ lập trường, quan điểm chính trị nào đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận một sự thật khách quan, đó là Chiến thắng Ðường 9 – Nam Lào 1971 đã tạo ra một trong những bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ của Việt Nam, mà cả ba nước Ðông Dương. Chiến thắng này cũng cho thấy bước phát triển về tổ chức và nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giá trị của chiến thắng Ðường 9 – Nam Lào đã vượt ra ngoài khuôn khổ chiến thắng của một chiến dịch, và trở thành dấu mốc cho bước hồi phục lực lượng và phát triển về trình độ tác chiến của quân đội ta, kể từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, mở ra khả năng tổ chức những trận đánh lớn trên chiến trường miền nam.
(1): William Nolan: Into Laos, Novato CA, Presidio press. 1986. Tr.359.
PGS, TS Trần Ngọc Long
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp