Gọi taxi công nghệ, khách hoang mang vì thấy xe biển trắng
Khoảng 14h20 ngày 20/6, chị N.T (trú tại Hà Nội) đặt xe thông qua ứng dụng Be từ Lý Thường Kiệt đến Huỳnh Thúc Kháng và nhận được thông báo xe Hyundai Accent màu trắng BKS 30F-894.03 sẽ đến đón.
Bạn đang xem: Grab, Be sử dụng xe biển trắng chở khách, trách nhiệm của ai?
Chừng 4 phút sau, chiếc xe này tới điểm hẹn số 17 Huỳnh Thúc Kháng để đón chị T. nhưng ngạc nhiên thay, biển số xe lại là biển trắng.
Cùng ngày, khoảng 20h50, chị T. tiếp tục đặt xe qua ứng dụng Grab để đi đến chợ Đồng Dinh và được tài xế Trần Văn Ninh điều khiển xe Hyundai Accent màu trắng BKS 30H – 147.17 đến đón. Tuy nhiên, chiếc xe này cũng sử dụng biển số trắng. Trong khi đó, theo giới thiệu trên ứng dụng, lái xe Ninh đã tham gia mạng lưới xe Grab từ tháng 6/2021.
“Tôi được biết, theo quy định, tất cả xe hoạt động kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng từ cuối năm 2021 nhưng trong cùng 1 ngày, đặt xe qua 2 ứng dụng gọi xe công nghệ lại gặp cả 2 xe đều biển trắng khiến tôi rất hoang mang. Không biết liệu các xe này có hoạt động kinh doanh chân chính hay không và chuyến đi của mình có được đảm bảo không”, chị T. chia sẻ.
Theo tra cứu từ đăng kiểm, chiếc xe BKS 30H – 147.17 có chủ xe là N.V.T (trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) kiểm định lần gần nhất ngày 4/5/2022 trong khi xe BKS 30F-894.03, chủ xe H.N.A (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) kiểm định lần gần nhất ngày 4/10/2021 đều với biển số trắng.
Như vậy, cả 2 chiếc xe trên đều hoạt động kinh doanh vận tải nhưng chưa thực hiện quy định đổi biển số vàng theo khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định: xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021.
Xem thêm : LOTTE Mart
Trách nhiệm của ai?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc chưa chuyển biển số xe từ nền trắng sang nền vàng theo quy định của các tài xế chạy xe công nghệ, bên cạnh trách nhiệm của lái xe, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm do sử dụng xe sai quy định khi cho xe biển trắng vào kinh doanh vận tải.
Lực lượng CSGT qua quá trình tuần tra kiểm soát làm nhiệm vụ nếu phát hiện được cần xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật.
Phía doanh nghiệp, đại diện Be Group cho biết, Be chỉ chấp nhận xe biển vàng đủ điều kiện kinh doanh vận tải đăng ký mới và hoạt động.
Đồng thời, công ty cũng liên tục rà soát và khoá tài khoản các xe chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải (phù hiệu, đăng kiểm, bảo hiểm, biển số vàng…), đảm bảo xe hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.
“Trong trường hợp phát hiện ra sai phạm, Be sẽ tiến hành khóa tài khoản và thông báo đến hợp tác xã, chủ xe, tài xế để hoàn tất thủ tục đổi biển số, cũng như bổ sung tuân thủ các quy định khác để tiếp tục hoạt động”, đại diện Be Group nói và cho biết thêm: Với trường hợp xe BKS 30F-894.03, qua kiểm tra xác định tài xế quên chưa đổi biển số vàng mặc dù đã nộp giấy hẹn đổi biển số vàng lên công ty.
“Hiện công ty đã áp dụng chế tài nhắc nhở và yêu cầu tài xế thực hiện đổi biển số theo đúng quy định”, đại diện Be Group nói thêm.
Đại diện Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thông qua ứng dụng công nghệ khi hoạt động phải đăng ký và đưa vào hệ thống hoạt động các phương tiện đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm về việc sử dụng các phương tiện này.
Xem thêm : Tháng 1 cung gì? Bí ẩn về vận mệnh, tính cách và sự nghiệp chi tiết nhất
Đối với quy định các xe kinh doanh vận tải phải chuyển đổi biển số sang biển vàng theo Thông tư 58 của Bộ Công an (có hiệu lực ngày 1/8/2020), có thể phương tiện tham gia vào hệ thống mạng lưới xe hoạt động của các doanh nghiệp Grab, Be thời điểm chưa có quy định này.
Tuy nhiên khi quy định được ban hành và có lộ trình để chuyển đổi, với tư cách là người quản lý, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nhắc nhở lái xe triển khai.
“Sau thời hạn quy định chuyển đổi, nếu xe chưa thực hiện, không đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải mà vẫn hoạt động, trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp Grab, Be”, đại diện Vụ ATGT nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, lực lượng CSGT thực hiện tuần tra kiểm soát trên đường cũng có trách nhiệm kiểm tra phát hiện và xử lý, bên cạnh phạt tài xế còn phải phạt cả chủ xe (tức là doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng phần mềm điện tử bởi các doanh nghiệp này sử dụng phương tiện để hoạt động kinh doanh vận tải và khách hàng sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ (app) của các doanh nghiệp này chứ không đặt trực tiếp qua tài xế.
Tuy nhiên, việc kiểm tra của lực lượng CSGT cũng gặp khó khăn bởi vi phạm này khó phát hiện bằng mắt thường nếu xe không dán phù hiệu xe hợp đồng, lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm tra kèm nếu phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm giao thông khác trên đường, hoặc “hoá trang” làm hành khách.
“Bên cạnh lực lượng CSGT, Sở GTVT các địa phương cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng phần mềm điện tử cũng phải có trách nhiệm thanh tra chuyên sâu hoạt động của các doanh nghiệp này để rà soát lại các trường hợp xe vi phạm, chưa đủ điều kiện hoạt động”, đại diện Vụ AGT nói thêm.
Đồng quan điểm, đại diện một Đội CSGT tại Hà Nội cho biết, việc kiểm tra xử phạt loại xe này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi xe không dán phù hiệu hợp đồng, nếu quan sát bằng mắt thường sẽ không biết đây là xe kinh doanh vận tải để kiểm tra, xử phạt.
Trừ khi phương tiện có dấu hiệu vi phạm giao thông, tổ công tác tiến hành kiểm tra và phát hiện trên giấy đăng kiểm xe ghi xe hoạt động kinh doanh vận tải nhưng chưa đổi biển vàng hoặc tài xế sử dụng phần mềm nhận khách trên xe và từ phản ánh trực tiếp từ hành khách mới có thể xử phạt.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp