Phân tích xu hướng vận động của chủ nghĩa tư bản?

Những thành tựu và hạn chế trên đây của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hoá cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao thì quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên chật hẹp so với nội dung vật chất ngày càng lớn lên của nó.

Theo sự phân tích của C. Mác và V.I. Lênin, đến một chừng mực nhất định, quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa sẽ bị phá vỡ và thay vào đó là một quan hệ sở hữu mới – sở hữu xã hội (sở hữu công cộng) về tư liệu sản xuất được xác lập để đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó cũng có nghĩa là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ bị thủ tiêu và một phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa sẽ ra đời và phủ định phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Tuy nhiên, những thay đổi của chủ nghĩa tư bản hiện nay nói lên rằng, chủ nghĩa tư bản vẫn đang tiếp tục điều chỉnh để thích ứng trước những biến động, mâu thuẫn bên trong và ngoài nước. Những điều chỉnh mới của chủ nghĩa tư bản ở trên đã cho chúng ta thấy, chủ nghĩa tư bản trước mắt vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, mặc dù sự phát triển này không phải là vĩnh hằng và không phải là vô hạn. Do vậy, đồng thời với việc vững tin rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cuối cùng sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, cũng cần phải nhận thức đầy đủ về tính lâu dài của quá trình này, cần chuẩn bị kỹ càng cho khả năng cùng chung sống, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh với chủ nghĩa tư bản, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của chủ nghĩa tư bản để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.