Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật

Quan hệ pháp luật luôn là sự thống nhất giữa hình thức pháp lý và nội dung vật chất của các quan hệ xã hội, theo đó việc xem xét cấu thành quan hệ pháp luật chính là đề cập đến các bộ phận hợp thành nên quan hệ pháp luật đó. Đề cập đến vấn đề này, quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong khoa học pháp lý ở nước ta là: Quan hệ pháp luật được hợp thành với 3 yếu tố cấu thành cơ bản, gồm: Chủ thể quan hệ pháp luật; Khách thể quan hệ pháp luật và Nội dung quan hệ pháp luật.

1. Quan hệ pháp luật là gì?

Dưới khía cạnh pháp lý, quan hệ pháp luật là một dạng đặc biệt của quan hệ xã hội bởi sự hình thành, tồn tại và thay đổi của những quan hệ này luôn có sự tác động và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Khái niệm về quan hệ pháp luật có thể được hiểu như sau: Quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở các quy phạm pháp luật, theo đó các bên tham gia quan hệ thực hiện các hành vi xử sự theo quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể mà nhà nước đã quy định và đảm bảo thực hiện.

2. Cấu thành quan hệ pháp luật

2.1. Chủ thể của quan hệ pháp luật

2.1.1. Khái niệm về chủ thể của quan hệ pháp luật

Để đảm bảo trật tự xã hội phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội và ý chí của mình, nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật thường xác định rõ các khả năng tham gia và các điều kiện tham gia của các cá nhân, tổ chức trong xã hội khi họ muốn tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định. Đối với từng loại quan hệ pháp luật khác nhau, nhà nước xác định các điều kiện cụ thể khác nhau, theo đó cá nhân, tổ chức nào đáp ứng được các điều kiện mà nhà nước đã quy định sẽ có thể trở thành chủ thể của loại quan hệ pháp luật nhất định. Khi trở thành một bên của quan hệ pháp luật, chủ thể đó sẽ mang những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định và có khả năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ này thông qua các hành vi thực hiện pháp luật của mình.

Như vậy, khái niệm chủ thể của quan hệ pháp luật có thể được hiểu như sau: Chủ thể của quan hệ pháp luật là các cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định và tham gia các quan hệ nhất định với những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể.

Liên quan đến chủ thể của quan hệ pháp luật, trong khoa học pháp lý hình thành khái niệm về năng lực chủ thể để nói về điều kiện chủ thể, qua đó cho phép phân biệt cá nhân, tổ chức là các bên của quan hệ pháp luật với cá nhân, tổ chức là các bên của các quan hệ xã hội thông thường khác. Như vậy, năng lực chủ thể là khái niệm dùng để chỉ khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật của cá nhân hay tổ chức nhất định để trở thành một bên trong quan hệ đó. Khả năng này được xác định trên 2 phương diện: Năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật: là khả năng của cá nhân hoặc tổ chức được nhà nước thừa nhận theo đó họ có thể tham gia quan hệ pháp luật để được hưởng quyền hoặc phải mang nghĩa vụ pháp lý nhất định.

Năng lực hành vi: là khả năng của cá nhân hoặc tổ chức được nhà nước thừa nhận theo đó các chủ thể này được tham gia vào quan hệ pháp luật nhằm xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý bằng chính hành vi của mình trong quan hệ đó.

Với năng lực pháp luật, các chủ thể thụ động tham gia vào các quan hệ pháp luật hoặc được pháp luật bảo vệ trong những quan hệ nhất định.

Còn với năng lực hành vi, các chủ thể của quan hệ pháp luật có thể chủ động tham gia vào các quan hệ pháp luật và tự mình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trên thực tế.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi là 2 phương diện tạo thành năng lực chủ thể, vì thế chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể là: Nếu chủ thể chỉ có năng lực pháp luật mà không có năng lực hành vi thì không thể tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ mà nhà nước đã thừa nhận, không thể tham gia tích cực vào các quan hệ pháp luật bằng chính hành vi của mình. Mặt khác, không thể xác định năng lực hành vi của chủ thể khi chủ thể này không có năng lực pháp luật, tức là nếu không có năng lực pháp luật thì không có khả năng tham gia quan hệ pháp luật để trở thành một bên của quan hệ đó.

Ví dụ: Quyền bầu cử HĐND các cấp hoặc Quốc hội là quyền được xác định cho công dân Việt Nam mà không xác định cho người nước ngoài. Theo đó, công dân Việt Nam có năng lực pháp luật trong việc tham gia quan hệ pháp luật bầu cử, còn người nước ngoài không có khả năng này. Vì thế, trong trường hợp này chỉ có thể xác định năng lực hành vi của công dân Việt Nam khi tham gia quan hệ pháp luật bầu cử, mà không xác định năng lực hành vi của người nước ngoài.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi không phải là những thuộc tính tự nhiên của con người. Nó do Nhà nước quy định phù hợp với cơ sở kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, trong mỗi chế độ xã hội khác nhau, giữa các quốc gia khác nhau thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi của các chủ thể quan hệ pháp luật cũng được pháp luật quy định khác nhau.

Hình minh họa. Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật

2.1.2. Các loại chủ thể của quan hệ pháp luật

Chủ thể của quan hệ pháp luật bao gồm các cá nhân và tổ chức tham gia quan hệ pháp luật nhất định. Ngoài ra nhà nước cũng được coi là một loại chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật.

2.1.2.1. Chủ thể quan hệ pháp luật là cá nhân

Cá nhân là chủ thể quan hệ pháp luật bao gồm: Công dân, người nước ngoài và người không có quốc tịch.

* Công dân: Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam quy định: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” (Điều 17 – Hiến pháp 2013). Đây là loại chủ thể phổ biến và chủ yếu của các quan hệ pháp luật. Khi xác định năng lực chủ thể của loại chủ thể này cần lưu ý một số điểm sau:

– Năng lực pháp luật của công dân do nhà nước quy định, gắn liền với công dân từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Về nguyên tắc mọi công dân đều có năng lực pháp luật như nhau trừ trường hợp bị pháp luật hạn chế hoặc bị Tòa án tước đoạt.

– Khác so với năng lực pháp luật, năng lực hành vi của công dân chỉ xuất hiện khi công dân đã đạt đến độ tuổi nhất định và đạt được những điều kiện nhất định khác. Trong đa số các nhóm quan hệ pháp luật, nhìn chung pháp luật nhiều nước trên thế giới đều xác định độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và khả năng nhận thức được hậu quả của việc mình làm là những điều kiện cơ bản để công nhận năng lực hành vi cho các công dân. Tuy nhiên, độ tuổi này không phải là quy định áp dụng chung cho mọi loại quan hệ pháp luật. Tùy thuộc vào từng loại quan hệ cụ thể, độ tuổi để xác định năng lực hành vi của công dân có thể được pháp luật quy định cao hơn hoặc thấp hơn phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của quan hệ xã hội và điều kiện phát triển kinh tế xã hội mỗi quốc gia.

Ngoài tiêu chí về độ tuổi và khả năng nhận thức, việc xác định năng lực hành vi còn có thể dựa trên những tiêu chí khác mà pháp luật đòi hỏi như: trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, tình trạng sức khỏe và giới tính, tình trạng tài sản…

Khi công dân có đủ các năng lực pháp luật và năng lực hành vi thì người này có thể trực tiếp tham gia các quan hệ pháp luật mà nhà nước cho phép để thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ đó. Tuy nhiên trên thực tế, không phải mọi chủ thể của quan hệ pháp luật cũng đều có thể chủ động trực tiếp tham gia quan hệ pháp luật và tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định cho mình. Điều này xảy ra trong những trường hợp mà chủ thể là cá nhân bị mất năng lực hành vi (ví dụ: người điên, mất khả năng nhận thức), không có năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi (ví dụ: trẻ em dưới 6 tuổi trong quan hệ pháp luật dân sự hoặc người nghiện ma túy bị Tòa án tuyên hạn chế năng lực hành vi…). Trong những trường hợp này, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ phải được tiến hành thông qua hành vi của chủ thể khác (ví dụ: người đại diện, người giám hộ, người được ủy quyền…)

* Người nước ngoài, người không mang quốc tịch: Ngoài công dân thì các cá nhân là người nước ngoài, người không mang quốc tịch cũng có thể trở thành chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật nhất định. Trong xã hội hiện đại, về cơ bản, người nước ngoài và người không mang quốc tịch đang sinh sống và làm việc tại một nước sở tại có thể được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân. Tức là họ có thể tham gia vào nhiều mối quan hệ pháp luật như công dân nước sở tại. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện thực tế ở mỗi quốc gia, do những yêu cầu đặt ra liên quan tới an ninh, lợi ích quốc gia, pháp luật các nước thường có những hạn chế việc tham gia một số loại quan hệ pháp luật nhất định.

2.1.2.2. Chủ thể quan hệ pháp luật là tổ chức

Trong xã hội, cùng với sự phát triển nhiều mặt của đời sống, có nhiều loại tổ chức khác nhau được xuất hiện (chẳng hạn như: các tổ chức chính trị đảng phái, các hiệp hội nghề nghiệp…). Một tổ chức cũng có thể được nhà nước thừa nhận là chủ thể của các loại quan hệ pháp luật nhất định.

Năng lực chủ thể của tổ chức khi tham gia quan hệ pháp luật là khác nhau giữa tổ chức là pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân.

* Pháp nhân: Một tổ chức khi tham gia quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể độc lập và thỏa mãn các điều kiện nhất định do pháp luật quy định có thể được coi là một pháp nhân. Việc pháp luật công nhận một tổ chức có tư cách pháp nhân cũng có nghĩa là tổ chức đó được thừa nhận có năng lực pháp luật và năng lực hành vi đủ để trở thành một bên độc lập trong quan hệ pháp luật nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của tổ chức.

Tuy nhiên, khác so với xác định năng lực chủ thể của cá nhân, năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh đồng thời và tồn tại tương ứng cùng với điểm thành lập hoặc chấm dứt pháp nhân.

Xuất phát từ thực tế là mỗi tổ chức được thành lập với mục đích, nhiệm vụ đặt ra là khác nhau, cho nên năng lực chủ thể của pháp nhân phải phù hợp với mục đích ra đời của pháp nhân đó. Cũng vì vậy mà năng lực chủ thể của các pháp nhân khác nhau là khác nhau, đồng thời tư cách pháp nhân sẽ phản ánh địa vị pháp lý của tổ chức.

Pháp luật Việt Nam quy định, một tổ chức muốn được coi là pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện sau (Điều 74 – Bộ luật Dân sự 2015):

+ Được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật.

+ Có cơ cấu tổ chức phù hợp với của pháp luật, cụ thể là: phải có cơ quan điều hành; tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành phải được quy định trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Khác so với cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật, pháp nhân có thể bị hạn chế không được trở thành chủ thể của nhiều loại quan hệ pháp luật mà cơ cấu chủ thể của loại này luôn đòi hỏi các bên phải là cá nhân (ví dụ: Quan hệ pháp luật về hôn nhân…).

* Các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân: Ngoài những tổ chức có tư cách pháp nhân, trong xã hội có rất nhiều tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, song các tổ chức này cũng có thể tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định mà pháp luật cho phép. Các tổ chức này có thể gồm: các tổ hợp tác, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị thành viên của pháp nhân… Sự tham gia của các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong các quan hệ pháp luật bị hạn chế bởi năng lực chủ thể không đầy đủ như pháp nhân.

2.1.2.3. Nhà nước là chủ thể của quan hệ pháp luật

Để thực hiện chức năng quản lý xã hội về mọi mặt của đời sống xã hội, nhà nước có thể trực tiếp tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể đặc biệt – mang quyền lực công. Trên thực tế, do nhà nước là tổ chức chính trị đặc biệt có tư cách đại diện chính thức cho toàn xã hội cho nên nhà nước chỉ tham gia những quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng nhất nhằm bảo vệ những lợi ích cơ bản nhất của chính nhà nước và của toàn xã hội. Các quan hệ pháp luật mà nhà nước thường tham gia với tư cách một bên chủ thể trong quan hệ gồm: quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật về sở hữu nhà nước…

2.2. Nội dung của quan hệ pháp luật

Khi tham gia quan hệ pháp luật, các chủ thể phải thực hiện các hoạt động phù hợp với cách xử sự mà pháp luật đã quy định nhằm đảm bảo các lợi ích của các bên và trật tự xã hội mà nhà nước mong muốn. Những cách xử sự đó được thể hiện dưới trạng thái quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ, chúng tạo nên nội dung của quan hệ pháp luật.

Như vậy, có thể hiểu rằng nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm tổng thể các quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

* Quyền chủ thể: Quyền chủ thể là cách xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác, quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép.

Quyền chủ thể được thể hiện trên những khả năng xử sự sau:

+ Khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. Ví dụ: Pháp luật quy định cá nhân có quyền tự do ký kết hợp đồng, có quyền khiếu nại, có quyền tự do ngôn luận.

+ Khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành động cản trở nó thực hiện các quyền và nghĩa vụ hoặc yêu cầu tôn trọng các nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ này. Ví dụ: Chủ sở hữu có quyền yêu cầu chấm dứt cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền tài sản của mình; Cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm các quyền nhân thân (sử dụng hình ảnh với mục đích kinh doanh không xin phép), quyền tác giả của mình.

+ Khả năng các chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình. Chẳng hạn như: Khi bị vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu huỷ hợp đồng do lỗi của bên kia, yêu cầu bồi thường thiệt hại…

Các khả năng kể trên của quyền chủ thể là thống nhất không thể tách rời.

* Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể: Nghĩa vụ của chủ thể là cách xử sự mà Nhà nước bắt buộc chủ thể phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Nghĩa vụ pháp lý được thể hiện trên những yêu cầu về cách xử sự như sau:

+ Chủ thể cần phải tiến hành những hành vi bắt buộc nhất định (dù không muốn) hoặc phải kiềm chế thực hiện những hành vi bị cấm.

Những hành vi này được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động. Chẳng hạn như: không vứt rác nơi công cộng; không tự ý sửa sửa chữa thay đổi cấu trúc nhà đang thuê; phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy.

+ Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện những hành vi bắt buộc hoặc vi phạm những hành vi bị cấm. Đối với người vi phạm tuỳ theo từng trường hợp phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng.

Trong một quan hệ pháp luật nhất định, việc thực hiện nghĩa vụ của chủ thể bên này thông thường là nhằm đáp ứng quyền chủ thể của chủ thể bên kia. Quyền và nghĩa vụ chủ thể là hai hiện tượng pháp lý không thể thiếu trong một quan hệ pháp luật cụ thể, chúng luôn thống nhất, phù hợp với nhau. Nội dung, số lượng và các biện pháp bảo đảm thực hiện chúng đều do nhà nước quy định hoặc do các bên xác lập trên cơ sở các quy định đó.

2.3. Khách thể của quan hệ pháp luật

Thông thường, việc các thành viên của đời sống xã hội tham gia các quan hệ xã hội và tiến hành những hoạt động nhất định là nhằm để thỏa mãn những nhu cầu nhất định của mình. Đó có thể là những lợi ích vật chất hoặc lợi ích tính thần mà các bên mong muốn đạt được. Điều này cũng không là ngoại lệ đối với các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, để đạt được mục đích của mình, các bên trong quan hệ pháp luật phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật đã đặt ra trong quan hệ đó. Chính những lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà các chủ thể quan hệ pháp luật mong muốn đã thúc đẩy việc họ tham gia quan hệ và thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ. Đây chính là khách thể của quan hệ pháp luật.

Như vậy, khái niệm khách thể của quan hệ pháp luật có thể hiểu như sau: Là lợi ích vật chất, tinh thần và những lợi ích xã hội khác mà các chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia các quan hệ pháp luật.

Khách thể của quan hệ pháp luật phản ánh lợi ích của chủ thể, vì vậy mức độ quan tâm của chủ thể quan hệ pháp luật đối với khách thể là động lực thúc đẩy sự phát sinh, tồn tại hay chấm dứt của các quan hệ pháp luật.

Ngoài ra, khách thể của quan hệ pháp luật phản ánh vị trí và ý nghĩa pháp lý của quan hệ pháp luật được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, khi quan hệ pháp luật bị xâm hại, việc xử lý hành vi vi phạm phải tính đến tầm quan trọng của khách thể bị xâm hại.