TIỂU HỌC NGUYỄN KHUYẾN

Ngày 26 tháng 3 chính là ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là một tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam. Tổ chức này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

Ngày nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức, vận hành theo mô hình hành chính từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường với đầy đủ các chức danh thuộc biên chế hưởng lương nhà nước.

Tìm hiểu về lịch sử ngày 26 tháng 3

Những ngày tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra được vai trò và tầm ảnh hưởng của thanh niên đối với sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước.

Cụ thể, trong phần phụ lục nhan đề Thư gửi Thanh niên Việt Nam trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Người đã viết: “Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ nguy mất nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Từ đó có thể thấy rằng thế hệ thanh niên luôn có vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thế hệ này luôn được Bác quan tâm xây dựng.

Tháng 6 năm 1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được thành lập. Đây chính là tổ chức đầu tiên dành cho thanh niên Việt Nam. Lúc mới thành lập, tổ chức này chỉ bao gồm 9 đồng chí, tới cuối năm 1926 đã lên tới con số 26 đồng chí, tiêu biểu trong số đó có các đồng chí như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu… Đây chính là những người thanh niên ưu tú, đã góp một phần máu thịt của mình cho công cuộc giải phóng, bảo vệ đất nước.

Cho tới khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thành công thì tổ chức thanh niên này mới chính thức phát triển mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Được Bác Hồ và Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 diễn ra từ ngày 22 – 25/3/1961 quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc cũng như quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác thanh niên) là ngày thành lập Đoàn hằng năm.

Chính vì thế, ngày 26 tháng 3 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm, đánh dấu vai trò của thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đây chính là một ngày lễ lớn trong tháng 3 của dân tộc, đặc biệt có vai trò ý nghĩa đối với thế hệ trẻ.

Các mốc phát triển và tên gọi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Từ ngày 26 tháng 3 năm 1931, Đoàn đã đổi tên nhiều lần nhằm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Cụ thể tên gọi của Đoàn qua các thời kỳ như sau:

  • Từ ngày 26/3/1931 đến năm 1936, Đoàn có tên gọi là Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
  • Từ năm 1937 đến năm 1939, Đoàn có tên gọi là Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
  • Từ tháng 11 năm 1939 đến năm 1941, Đoàn có tên là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
  • Từ tháng 5 năm 1941 đến năm 1956, Đoàn có tên là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
  • Từ ngày 25/10/1956 đến năm 1970, Đoàn có tên là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
  • Từ tháng 2 năm 1970 đến tháng 11 năm 1976, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
  • Từ tháng 12 năm 1976 đến nay, tên gọi của Đoàn chính là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Lịch sử ngày 26 tháng 3

Ý nghĩa ngày 26 tháng 3

Ngày 26 tháng 3 năm 1931 có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng.

Cho đến nay, ngày 26 tháng 3 hằng năm chính là dịp để cả xã hội cùng nhìn nhận lại sự lớn mạnh, phát triển cũng như vai trò của thế hệ trẻ, thế hệ tương lai trong sự nghiệp phát triển xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu, đẹp.

Các hoạt động kỷ niệm ngày 26 tháng 3

Vào ngày thành lập Đoàn 26/3 hằng năm, chúng ta thường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, chẳng hạn như:

  • Tổ chức kết nạp Đoàn viên: Kết nạp thêm Đoàn viên mới phù hợp với Điều lệ của Đoàn, từ đó giúp bổ sung thêm lực lượng Đoàn viên, xây dựng tổ chức lớn mạnh, đồng thời tạo thêm cơ hội cho thanh niên rèn luyện, học tập để trở thành người có ích…
  • Tổ chức hội trại: Hội trại là một trong những hoạt động thú vị thường được tổ chức vào mỗi dịp 26/3. Hoạt động này sẽ tạo ra sân chơi vui tươi, bổ ích, giúp các đoàn viên rèn luyện ý thức, kỷ luật, tính sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và gắn kết tình đồng đội.
  • Hiến máu nhân đạo: Đây là hoạt động mang đậm tính nhân văn. Thông qua hoạt động này, các Đoàn viên, thanh niên sẽ học được cách đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang phải chống chọi với bệnh tật.
  • Tuyên dương những gương mặt trẻ tiêu biểu: Các gương mặt trẻ tiêu biểu với nhiều thành tích nổi bật sẽ được tặng quà và trao bằng khen. Hoạt động này không chỉ ghi nhận sự cố gắng của các em mà còn khuyến khích các em và những bạn trẻ khác không ngừng nỗ lực trong tương lai.

Ngày 26/3 có được nghỉ không?

Ngày 26/3 có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, nó không phải là ngày nghỉ lễ của cả nước. Nói cách khác, vào ngày 26/3, người lao động, các cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên… vẫn làm việc, học tập bình thường.

Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn biết được 26/3 là ngày gì cùng như tìm hiểu về ý nghĩa, lịch sử ngày 26 tháng 3. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.