Tặng cho nhà đất cho anh em ruột có phải nộp thuế không?

1. Tặng cho nhà đất có phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là một khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, những khoản thu nhập sau sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân:

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;

– Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, tại Điều 18 của Văn bản hợp nhát này cũng quy định về thu nhập chịu thuế từ quà tặng là phần giá trị tài sản của quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh. Và thời điểm để xác định thu nhập chịu thuế từ quà tặng là thời điểm tổ chức hoặc cá nhân tặng cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm dối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.

Như vậy, việc tặng cho bất động sản từ người này sang cho người khác nếu có phát sinh thu nhập thì khoản thu nhập đó thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Tặng cho nhà đất cho anh em ruột có phải nộp thuế không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Bên cạnh đó, tại khoản 10 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP thì nhà, đất là quà tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ (hay còn gọi là thuế trước bạ) theo quy định.

Như vậy, việc tặng cho nhà đất cho anh em ruột sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ theo quy định pháp luật. Quy định này thể hiện sự ưu tiên đối với những người có mối quan hệ ruột thịt với nhau trong việc tặng cho. Tuy được miễn thuế và lệ phí nhưng các bên vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan trong việc tặng cho quyền sử dụng đất sang cho anh em ruột như chi phí hành chính để làm thủ tục tặng cho nhà đất.

3. Thủ tục tặng cho nhà đất cho anh em ruột hiện nay:

Tặng cho nhà đất hiện nay được xác định là một giao dịch về bất động sản nên phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và những văn bản pháp luật khác có liên quan. Theo đó, việc tặng cho nhà đất cho anh em ruột hiện nay được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

3.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực Hợp đồng tặng cho bất động sản:

Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Như vậy, khi các bên Ký kết Hợp đồng tặng cho nhà đất thì phải có công chứng, chứng thực thì mới được công nhận giá trị pháp lý của việc tặng cho.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng năm 2014 và những văn bản pháp luật khác có liên quan thì hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm:

– Dự thảo Hợp đồng tặng cho nhà đất có chữ ký của bên tặng cho và bên nhận tặng cho là anh chị em ruột (nếu có);

– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng;

– Văn bản uỷ quyền (nếu có);

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Giấy tờ tuỳ thân của những người yêu cầu công chứng như Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư nhân dân còn hiệu lực;

– Giấy tờ chứng minh là quan hệ anh em ruột để làm căn cứ miễn thuế và lệ phí trước bạ.

3.2. Nộp hồ sơ yêu cầu công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng tặng cho nhà đất:

Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên thì bên tặng cho và bên nhận tặng cho cùng nộp hồ sơ yêu cầu tại tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền hoặc nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường.

Công chứng viên có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Nếu hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hợp lệ thì công chứng viên có quyền yêu cầu người nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đầy đủ, hợp pháp. Nếu hồ sơ của người yêu cầu đã đầy đủ, bảo đảm tính hợp pháp thì công chứng viên sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu.

Trong trường hợp các bên tặng cho và nhận tặng cho đã có Dự thảo Hợp đồng tặng cho nhà đất cho anh em ruột thì công chứng viên sẽ đọc lại dự thảo đó và kiểm tra tính hợp lệ của dự thảo. Công chứng viên có quyền yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung dự thảo hợp đồng để hợp đồng được hợp lệ. Khi các bên không có ý kiến thay đổi gì đối với bản dự thảo hợp đồng đã cung cấp thì công chứng viên sẽ cho các bên điểm chỉ, ký vào hợp đồng và công chứng viên cũng ký tên và đóng dấu công chứng vào Hợp đồng tặng cho nhà đất.

Trong trường hợp các bên chưa có dự thảo Hợp đồng tặng cho nhà đất thì công chứng viên sẽ trực tiếp soạn thảo Hợp đồng tặng cho theo yêu cầu của các bên. Sau khi soạn thảo Hợp đồng thì công chứng viên sẽ đọc lại hoặc để cho các bên đọc lại nếu các bên không có yêu cầu thay đổi gì thì công chứng viên sẽ cho các bên ký tên và điểm chỉ vào hợp đồng. Sau đó công chứng viên sẽ ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào bản Hợp đồng tặng cho đó.

3.3. Làm thủ tục sang tên cho người anh/ em ruột nhận tặng cho:

Để thực hiện hoàn tất thủ tục tặng cho nhà đất cho anh em ruột thì phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu đăng ký biến động đất đai, sang tên cho người nhận tặng cho. Theo đó, để thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh em ruột nhận tặng cho thì các bên cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

– Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Mẫu số 09/ĐK;

– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã công chứng;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho chủ cũ;

– Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đối với đất đai (chứng minh quan hệ anh em ruột).

Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên thì người sử dụng đất sẽ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu hoặc tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký biến động đất đai/ Văn phòng đăng ký biến động đất đai cấp huyện.

Trong trường hợp, ở một số địa phương nếu đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thì nộp hồ sơ trực tiếp đến Bộ phận một cửa cấp huyện để yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sau khi nộp hồ sơ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết hồ sơ và gửi kết quả về cho người nhận chuyển nhượng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên người nhận chuyển nhượng.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Luật Đất đai năm 2013;

– Luật Công chứng năm 2014;

– Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014.