Quy định về khu vực biên giới quốc gia

Ảnh minh họa.

Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.

Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Khu vực biên giới bao gồm: Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền; Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới quốc gia trở vào.

Nội thuỷ của Việt Nam bao gồm: Các vùng nước phía trong đường cơ sở; Vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng.

Vùng nước lịch sử là vùng nước do những điều kiện địa lý đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam hoặc của Việt Nam và các quốc gia cùng có quá trình quản lý, khai thác, sử dụng lâu đời được Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan thỏa thuận sử dụng theo một quy chế đặc biệt bằng việc ký kết điều ước quốc tế.

Lãnh hải của Việt Nam rộng mười hai hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo.

Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước và nhân dân thực hiện kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.

Nhà nước có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực biên giới; xây dựng công trình biên giới và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia của tổ chức, cá nhân.