Đông Nam Bộ – Điểm đến – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Với vị trí nằm liền kề Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước, cửa ngõ phía tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng đường bộ xuyên Á, cửa ngõ phía đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thị Vải, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch. Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…

Đến Đông Nam Bộ, du khách có dịp tham quan Thành phố Hồ Chí Minh được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông” với lịch sử hơn 300 năm, nơi có nhiều di tích cách mạng, công trình kiến trúc cổ như bến cảng nhà Rồng, địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà hát lớn, Bưu điện thành phố hay hệ thống các ngôi chùa cổ: Giác Lâm, Bà Thiên Hậu, Tổ Đình Giác Viên…; các nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức…; các bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Phụ nữ Nam Bộ, Hồ Chí Minh, Mỹ thuật, Lịch sử Việt Nam… Thành phố cũng đầu tư nhiều khu du lịch như Vàm Sát – Cần Giờ, Thanh Đa, Bình Quới, Một thoáng Việt Nam; nhiều khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Kỳ Hòa, công viên Nước, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị và công trình văn hóa, các tỉnh còn lại của Đông Nam Bộ cũng tập trung nhiều điểm du lịch đặc sắc và ấn tượng như: núi Bà Đen – khu du lịch với hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát – nơi có hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là hệ chim nước quý hiếm, hồ Dầu Tiếng – một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (Tây Ninh); núi Châu Thới, vườn cây ăn trái Lái Thiêu (Bình Dương); thác Mơ, núi Bà Rá, trảng cỏ Bàu Lạch (Bình Phước); núi Dinh, Côn Đảo, bãi tắm Long Hải, bãi Sau, bãi Dứa, suối khoáng nóng Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu); vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) – một trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận, nơi lưu trữ một trong 5 khu đất ngập nước Ramsar của Việt Nam (Bàu Sấu)…

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, văn hóa cũng là một nét hấp dẫn thu hút du khách đến Đông Nam Bộ, điển hình như tượng chúa Jesus, Bạch Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu); chùa Bà, chùa Hội Khánh (Bình Dương); di tích Bù Đăng, Bù Đốp, Sóc Bom Bo, căn cứ Tà Thiết (Bình Phước); khu mộ cổ Hàng Gòn, di chỉ khảo cổ Óc Eo (Đồng Nai); tòa thánh cao đài Tây Ninh, di tích cách mạng Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh)…

Với tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc, Đông Nam Bộ sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của du lịch cả nước.

Phạm Phương