Chùa Ngọc Hoàng, ngôi cổ tự lâu đời bậc nhất đất Sài Gòn

6 Kiến trúc chùa Ngọc Hoàng có gì đặc biệt?

Ngôi cổ tự gây ấn tượng mạnh mẽ với vẻ đẹp in đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa xưa. Với vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, chùa Ngọc Hoàng không chỉ là nơi lui tới cầu bình an, tình duyên hay gia đạo, con cái, đây còn là điểm tham quan dành cho những ai yêu thích kiến trúc xưa cũ.

Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng hoàn toàn từ gạch nung, kết hợp mái lợp ngói âm dương và các bờ nóc, góc mái được khảm tượng màu ấn tượng. Bên ngoài chùa Ngọc Hoàng sở hữu vẻ đẹp cổ kính với những đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, còn bên trong các điện thờ đã được trùng tu, toát lên vẻ đẹp đầy ấn tượng.

Tổng thể khuôn viên chùa Ngọc Hoàng được chia thành ba gian chính: Tiền điện, nơi thờ thần Thổ Địa và thần Môn Quan, Trung điện thờ Thanh Long Đại Tướng, Phật Dược Sư và Phục Hổ Đại Tướng. Và Chánh điện là nơi đặt tượng Ngọc Hoàng Thượng đế, bên trái là tượng Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải là tượng thờ Phật Chuẩn Đề.

Trong khi đó, gian bên trái chùa Ngọc Hoàng là nơi thờ phượng nhị vị Song Án, Thành Hoàng Lỗ Ban, tượng Mã Tướng Quân, Thái Tuế. Ngoài ra, còn có một gian dành để thờ Thập Điện Diêm Vương với điểm nhấn là 10 bức chạm gỗ tương ứng 10 cửa ải địa ngục. Điện thứ ba đặt bức tượng ông Tơ bà Nguyệt chùa Ngọc Hoàng nổi tiếng linh thiêng cùng 12 bà mụ, 13 đức thầy.

Và cuối cùng là không gian phía sau chùa Ngọc Hoàng. Vốn trước kia, nơi đây từng có một miếu cổ của người Khmer. Khi chùa Ngọc Hoàng trùng tu, ngôi miếu cổ đã được cải tạo thành miếu thờ Ông Đá. Bên trong miếu đặt một viên đá chữ nhật lấy từ núi Thái Sơn, phía trước là lư hương, bên phải là đá Thanh Long, bên trái là đá Bạch Hổ.

Nếu tham quan khắp khuôn viên chùa Ngọc Hoàng, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những câu đối, hoành phi, bài vị, biển ngạch và bảng chữ được viết hoàn toàn từ tiếng Hán. Các bức hoành phi tại chùa Ngọc Hoàng được chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ quý, có giá trị nghệ thuật cao, tái hiện chân thật tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của đạo Minh ngày trước.