Ăn khoai sọ bị ngứa họng phải làm sao?

Không ít người thừa nhận khoai sọ dù ngon nhưng ăn khoai sọ bị ngứa họng, khi sơ chế khoai sọ cũng rất dễ bị ngứa tay. Thực chất, đây không phải triệu chứng của dị ứng thức ăn hay ngộ độc nên bạn không cần quá lo lắng. Khoai sọ là thực phẩm an toàn cho sức khỏe, bạn có thể yên tâm sử dụng. Nếu không may bị ngứa, bạn chỉ cần áp dụng những mẹo sau đây!

Khoai sọ là khoai gì?

Khoai sọ là loài thực vật được trồng để lấy củ, thuộc họ môn. Loại khoai này được trồng rất phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây không chỉ là cây thực phẩm mà còn là cây có giá trị kinh tế cao. Từ khoai sọ, chúng ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như canh khoai sọ, bánh khoai sọ, vịt om khoai sọ,…

Hiện có nhiều giống khoai sọ như khoai sọ dọc trắng, khoai sọ tía, khoai sọ nghệ, khoai sọ núi. Mỗi giống khoai sọ lại có đặc điểm khác nhau nên nhiều người hay bị nhầm lẫn với khoai ngứa. Nếu bạn ăn khoai sọ bị ngứa, việc đầu tiên bạn cần làm là xem xét lại mình có bị nhầm lẫn giữa khoai sọ và khoai ngứa không. Khoai ngứa cũng gây ngứa rát nghiêm trọng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm hoặc nặng hơn là sốc phản vệ.

Củ khoai sọ khi chưa sơ chế

Tại sao ăn khoai sọ bị ngứa?

Trước hết cần khẳng định, khoai sọ là thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Trong thành phần của củ khoai sọ chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe từ tinh bột, chất xơ, vitamin A, C, E, B6 và nhiều khoáng chất thiết yếu khác như sắt, kẽm, kali, đồng, mangan,…

Tuy nhiên, trong khoai sọ cũng có một hợp chất tên là canxi oxalat. Chúng tồn tại dưới dạng tinh thể sắc nhọn. Nhìn dưới kính hiển vi, bạn có thể hình dung chúng như những mảnh thủy tinh sắc nhọt. Cảm giác ngứa râm ran mà khoai sọ gây ra thực chất là cảm giác đau khi những “mảnh tinh thể sắc nhọn” này đâm vào da và niêm mạc miệng của chúng ta.

Tùy hàm lượng canxi oxalat tồn tại trong khoai khi chúng ta ăn nhiều hay ít và tùy cơ địa mỗi người, cảm giác ngứa do ăn khoai sọ sẽ có những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp ăn khoai sọ bị ngứa họng chỉ xảy ra khi chúng ra sơ chế chưa đúng cách. Sơ chế đúng cách sẽ loại bỏ được phần lớn canxi oxalat nên khi ăn không bị ngứa.

an-khoai-so-bi-ngua-hong-4.jpgCảm giác ngứa rát có thể lan xuống họng

Ăn khoai sọ bị ngứa họng cần làm gì?

Thực tế, cảm giác ngứa khi ăn khoai sọ không giống như khi ăn nhầm khoai ngứa. Nên nếu chỉ ngứa lăn tăn và bạn hoàn toàn có thể chịu đựng, bạn chẳng cần làm gì, cảm giác này sẽ tự biến mất theo thời gian. Nếu cảm thấy khó chịu, và muốn cảm giác này sớm chấm dứt, bạn có thể áp dụng những cách sau:

Uống nhiều nước lọc: Việc này có hai tác dụng. Một là giúp loại bỏ các chất gây ngứa còn sót lại ở khoang miệng và niêm mạc họng. Hai là giúp tăng tốc độ đào thải các chất gây ngứa ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì thế mà uống quá nhiều nước để tránh bị hạ natri máu, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Súc họng và miệng bằng nước muối: Bạn có thể sử dụng muối tinh khiết để pha cùng nước lọc thành nước muối loãng. Bạn cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý bán sẵn ngoài hiệu thuốc. Bạn cần súc cả khoang miệng và cổ họng nhiều lần để rửa trôi các chất gây ngứa. Nếu pha nước muối bạn lưu ý không nên pha quá đặc. Nước muối quá mặn sẽ làm mất đi lớp chất nhầy tự nhiên có tác dụng bảo vệ niêm mạc họng. Không những vậy, nó còn “hút” nước từ các tế bào niêm mạc họng khiến họng dễ bị tổn thương.

Các loại nước chứa acid có thể trung hòa bớt một phần chất gây ngứa. Bạn có thể pha loãng giấm với nước lọc để súc miệng. Nếu không có sẵn giấm, bạn có thể dùng chanh, quất để pha loãng với nước lọc dùng để thay thế.

Trong những trường hợp cơ địa mẫn cảm dễ bị kích ứng, cảm giác ngứa sẽ nhiều hơn. Nếu thấy khó chịu, bạn có thể dùng các loại thuốc dị ứng không cần kê đơn. Các thuốc này sẽ ức chế phần nào tác nhân gây ngứa, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ngứa họng, bạn cũng cần cảnh giác với nguy cơ ngộ độc khoai sọ. Giống như khoai tây, khoai sọ khi đã mọc mầm chứa những chất có hại, có thể gây đau bụng, buồn nôn. Vì vậy, trước khi chế biến bạn hãy lựa chọn thật kỹ, loại bỏ những củ khoai mọc mầm hay có dấu hiệu mốc hỏng để đảm bảo an toàn.

Ăn khoai sọ bị ngứa họng thì phải làm như thế nào?

Cách ăn khoai sọ không lo bị ngứa

Để ăn khoai sọ không bị ngứa, bạn chỉ cần sơ chế đúng cách trước khi chế biến là được. Các chất gây ngứa bám chủ yếu ở vỏ khoai nên nhất định bạn cần làm sạch phần vỏ trước khi chế biến. Tốt nhất bạn nên mang găng tay cẩn thận để tránh bị ngứa tay. Cảm giác ngứa tay cũng không dễ chịu hơn ngứa miệng chút nào.

Sau khi gọt vỏ khoai xong, bạn nên cắt thành miếng nhỏ vừa ăn và ngâm khoai trong nước muối khoảng 15 phút. Bằng cách này bạn có thể giúp củ khoai không bị thâm đen và làm sạch nhựa cũng như chất gây ngứa trong khoai.

Khoai sọ sau khi gọt và mang rửa sẽ có lớp nhựa nhầy. Sau khi ngâm khoai với nước muối, bạn vớt ra và xóc muối lại một lần nữa rồi rửa sạch. Khi cảm giác củ khoai không còn trơn thì cũng đã an toàn để sử dụng.

Lúc này, bạn nên luộc qua khoai trong nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt ra cho vào chậu nước lạnh. Sau khi vớt khoai ra từ chậu nước lạnh, bạn có thể sẵn sàng để chế biến bất cứ món ăn nào mình muốn mà không lo bị ngứa.

Vậy ăn khoai sọ bị ngứa họng phải làm gì? Khoai sọ nếu không được ngâm rửa đúng cách có thể gây ngứa, mặc dù cảm giác ngứa không dữ dội nhưng nó cũng có thể gây khó chịu. Đặc biệt, cảm giác này sẽ ám ảnh và khiến bạn không mặn mà với các món ngon chế biến từ khoai sọ. Chỉ cần sơ chế đúng cách, là bạn có thể yên tâm dùng khoai sọ để chế biến các món ngon cho gia đình rồi.

Xem thêm: Ăn phải khoai ngứa có sao không? Cần làm gì khi ăn phải khoai ngứa?

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp