Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn có phải do dạ dày?

Bên cạnh nguyên nhân từ các bệnh lý dạ dày, tình trạng ăn xong bị đau bụng trên rốn còn là biểu hiện của một số bệnh lý sau:

2.1. Bụng chướng hơi

Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn có thể do bụng chướng hơi, nghĩa là trong đường ruột có nhiều khí hơn bình thường. Chúng có thể thoát khỏi cơ thể bằng đường miệng khi ợ hơi hoặc qua đường hậu môn khi trung tiện.

Trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus kèm theo tiêu chảy hay táo bón, người bệnh có thể sẽ cảm thấy bị đau bụng trên rốn dữ dội. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Đau trên rốn từng cơn;
  • Đau và dẫn đến chướng bụng;
  • Cảm giác có vật di chuyển trong dạ dày;
  • Ợ hơi hoặc trung tiện thường xuyên;

Bị đau bụng trên rốn sau khi ăn do chướng hơi thường không nghiêm trọng và có thể tự điều trị bằng các thuốc không kê toa (OTC). Để dự phòng tình trạng này, người bệnh nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ để hạn chế nuốt quá nhiều không khí, đồng thời hạn chế một số thực phẩm có khả năng sinh hơi trong ổ bụng.

2.2. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là bệnh lý thường gặp và cũng là một nguyên nhân khiến bệnh nhân ăn xong bị đau bụng trên rốn. Nếu không điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể diễn tiến nặng hơn sang viêm phúc mạc và đe dọa m tính mạng của người bệnh.

Ở giai đoạn đầu của viêm ruột thừa, triệu chứng bệnh nhân thường gặp nhất là đau âm ỉ ở vùng thượng vị (hay trên rốn). Sau đó cơn đau sẽ di chuyển và khu trú đến vị trí đặc hiệu hơn là vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là vùng hố chậu phải). Cách điều trị trong hầu hết trường hợp viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ.

2.3. Sỏi túi mật

Túi mật là cơ quan nằm ở vùng hạ dưới phải, ngay bên dưới gan với nhiệm vụ chứa mật hình thành từ các tế bào gan, sau đó bài tiết mật vào tá tràng và ruột non để tiêu hóa thức ăn. Do sự mất cân bằng giữa các thành phần của dịch mật sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật, bản chất là những hạt cứng như đá hay nhầy như bùn.

Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn túi mật, hệ quả là bệnh nhân xuất hiện những cơn đau bụng trên rốn lệch phải (vùng hạ sườn phải) dữ dội, kèm theo nôn ói, mệt mỏi và kiệt sức. Trường hợp không được can thiệp kịp thời, sỏi mật có thể tiến triển gây ảnh hưởng đến hoạt động của gan hay tuyến tụy với một số biến chứng như vàng da/mắt hoặc viêm tụy gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Phần lớn trường hợp sỏi mật có triệu chứng sẽ được điều trị bằng cách cắt bỏ túi mật và bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh bình thường dù mất đi cấu trúc này. Để hạn chế nguy cơ tái phát tình trạng bị đau bụng trên rốn sau khi ăn do sỏi mật, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân xây dựng một lối sống khoa học, chế độ ăn hạn chế chất béo và tập thể dục thường xuyên hơn.

2.4. Tắc ruột

Ăn xong bị đau bụng trên rốn có thể là hậu quả của tắc ruột. Khi đó dịch và hơi trong lòng ruột ngừng lưu thông sẽ làm giảm khả năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn, bệnh nhân cảm giác cực kỳ chướng bụng, bí trung đại tiện và nôn ói dữ dội.

Tuy nhiên, các triệu chứng xảy ra còn tùy thuộc vào vị trí ruột bị tắc nghẽn. Chẳng hạn như nôn ói là biểu hiện sớm của tắc ruột non, tuy nhiên lại là triệu chứng muộn của tắc đại tràng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiêu chảy nếu chỉ tắc một phần ruột và bí trung đại tiện nếu tắc ruột hoàn toàn. Ngoài ra, tắc ruột có thể gây sốt cao nếu thành ruột bị thủng.

Tắc ruột là bệnh lý cần được cấp cứu sớm nhằm hạn chế thủng ruột hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng. Các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau phù hợp, tuy nhiên một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể phải phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn đường ruột.