Công văn có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Công văn là hình thức văn bản hành chính dùng phổ biến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày để thực hiện các hoạt động thông tin và giao dịch nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức. Tuy nhiên có nhiều người đang nhầm lẫn công văn là văn bản quy phạm pháp luật. Trong bài viết Công văn có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? dưới đây, Luật ACC sẽ giải đáp cho bạn đọc về câu hỏi này.

Công văn có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

1. Công văn

1.1. Khái niệm

Công văn là hình thức văn bản hành chính thông dụng được sử dụng phổ biến trong các đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công văn được xem như một phương tiện giao tiếp chính thức của cơ quan nhà nước với cấp trên, cấp dưới và công dân.

Thậm chí, trong doanh nghiệp và các tổ chức xã hội phải thường xuyên soạn thảo và sử dụng công văn để thực hiện các hoạt động thông tin và giao dịch trong phạm vi thẩm quyền của mình.

1.2. Đặc điểm của công văn

Thứ nhất: Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên trình tự, thủ tục ban hành đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với những trường hợp giải quyết các công việc khẩn cấp.

Thứ hai: Công văn có nhiều loại khác nhau được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, chính trị, pháp luật,… phù hợp với nhiều mục đích khác nhau của các chủ thể ban hành.

Thứ ba: Công văn không bắt buộc là đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ban hành mà có thể do các cá nhân nếu văn bản pháp luật, điều lệ tổ chức, doanh nghiệp có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người đó.

Thứ tư: Trong công văn không có hiệu lực thi hành nên công văn chấm dứt hiệu lực khi các chủ thể thực hiện xong, giải quyết xong các công việc trên thực tế.

Thứ năm: Công văn không được áp dụng rộng rãi phổ biến mà chỉ được áp dụng cho chủ thể đó, công việc đó. Nhất là đối với công văn hướng dẫn, nếu có sự việc tương tự, muốn được giải quyết vẫn phải xin hướng dẫn từ đầu.

2. Văn bản quy phạm pháp luật

2.1. Khái niệm

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình – thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

(Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

2.2. Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật có những đặc điểm sau đây:

  • Phải do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành với những hình thức do pháp luật quy định.
  • Trình tự, thủ tục ban hành văn bản được quy định chặt chẽ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
  • Nội dung của văn bản có chứa các quy tắc xử sự chung. Quy tắc xử sự chung là những chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tuân theo khi tham gia quan hệ xã hội được quy tắc đó điều chỉnh. Nó được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương.
  • Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật bằng các biện pháp thích hợp như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, các biện pháp về tổ chức, hành chính, kinh tế và trong trường hợp cần thiết là biện pháp cưỡng chế bắt buộc thi hành.

3. Công văn có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như sau:

“Điều 2. Văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.”

Tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020) có liệt kê hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như sau:

– Hiến pháp.

-. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

– Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

– Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

– Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

– Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

– Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Dựa vào những căn cứ trên thì Công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy trình tự, thủ tục ban hành Công văn được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi để giải quyết công việc khẩn cấp.