Có thể nói, cuộc lên đường này là đốm sáng đầu tiên soi rọi vào đêm trường tăm tối của nghìn năm phong kiến và hơn nửa thế kỷ chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Một khởi động cho một hành trình vĩ đại-ở thời điểm năm 1911-nếu có thể nói như vậy, về cuộc lên đường này của một người thanh niên ở tuổi 21, rồi đây sẽ có tên là Nguyễn Ái Quốc khi đặt chân đến Paris-trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại và cũng là trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế. Để, từ Paris mà có bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles năm 1919, tiếp đó là những phát biểu sôi nổi và gay gắt lên án chủ nghĩa thực dân ở Đại hội Tours-1920, và một tiên tri vào năm 1921-cách đây chẵn 100 năm trong bài viết “Đông Dương”, đăng trên Tạp chí Cộng sản (La Reve Communiste, số 14): “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

1%201 Bác Hồ làm việc tại Pác Bó. Tranh của họa sĩ Trịnh Phòng

110 năm-cuộc lên đường của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc và chẵn 100 năm-lời tiên tri Đông Dương thức tỉnh.

Đúng 9 năm sau, kể từ năm 1921, đó là năm Nguyễn Ái Quốc chủ trì cuộc họp thống nhất các tổ chức đảng để có một đảng mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam-sự kiện chính trị quyết định tương lai của dân tộc Việt Nam. Để đến được với sự kiện này, là một hành trình bền bỉ nhằm tổ chức các lực lượng cách mạng ở trong nước và nước ngoài, song song với những trang bị về nhận thức và lý luận được kết tinh trong hai áng văn tiêu biểu mang tên tác giả Nguyễn Ái Quốc. Đó là “Bản án chế độ thực dân Pháp”, viết bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1925 ở Paris và “Đường Kách mệnh”, bằng tiếng Việt-xuất bản năm 1927. Với hai tác phẩm có ý nghĩa lý luận-rút từ thực tiễn và soi đường cho thực tiễn, thời điểm năm 1930-ghi một dấu son quan trọng tạo nên một bước ngoặt quyết định trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến thời điểm năm 1931, xuất hiện một tác phẩm văn chương của Nguyễn Ái Quốc có tên là “Nhật ký chìm tàu”. Đó là một câu chuyện được viết theo hình thức truyện chương hồi, gồm nhiều chương, với mỗi chương mở đầu bằng một câu thơ lục bát kể lại câu chuyện của 3 nhân vật là Pôn, Zô và Râu sau một cuộc chìm tàu, may mắn được cứu và “lạc” vào một xứ sở, có tên Liên bang Xô viết, với những chuyện được chính mắt thấy tai nghe: “Nước Nga có chuyện lạ đời/ Đem người nô lệ thành người tự do/…/ Sung sướng thay thợ thuyền Nga/ Ngày làm, ngày nghỉ đều là có lương”.

Sau khoảng lùi 90 năm, ở thời điểm năm 1931 lưu hành “Nhật ký chìm tàu”, lại đến khoảng lùi 80 năm, với thời điểm 1941. Đó là năm Nguyễn Ái Quốc, sau 30 năm xa xứ, mới chính thức được đặt chân lên địa đầu Pác Bó, bởi phải đến thời điểm này thì tình thế cách mạng mới đến được với dân tộc Việt Nam. Thời điểm Xuân 1941, may mắn được đánh dấu bởi hai bài thơ về Pác Bó, khẳng định sự hiện diện của một người con vĩ đại của dân tộc đã có thể về với quê hương, với Đất mẹ-để từ đây mở ra con đường đến với “Tuyên ngôn Độc lập”-1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thời điểm 1941-“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…” (Tố Hữu-“Theo chân Bác”-1970) đã vào thơ, không chỉ một mà là hai bài. Đó là: “Pác Bó hùng vĩ” và “Tức cảnh Pác Bó”. Cả hai bài đều được làm vào tháng 2-1941, chẵn 80 năm về trước, đúng vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc-cái Tết đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được trở về đón trên Đất mẹ-quê hương.

Trở lại Xuân Tân Sửu 2021, mong chúng ta đừng ai quên những thập niên đầu thế kỷ 20 kể từ những năm 1911, 1921, qua 1931 đến 1941 như một sự sắp xếp tự nhiên hành trình dân tộc qua hành trình của một người con vĩ đại-đó là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh…

GS PHONG LÊ