Khái niệm Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam? Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật hôn nhân và gia đình?

1. Về khái niệm Luật hôn nhân và gia đình: Luật hôn nhân và gia đình là một công cụ để nhà nước điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình như quan hệ xã hội giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong gia đình.

Khái niệm: “Luật hôn nhân và gia đình” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:

  • Là một ngành luật;
  • Một môn học;
  • Một văn bản pháp luật cụ thể.

Dưới góc độ là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình về nhân thân và về tài sản.

Luật hôn nhân và gia đình với ý nghĩa là môn học là hệ thống những khái niệm, quan điểm, nhận thức và đánh giá mang tính chất lý luận về pháp luật hôn nhân và gia đình.

Dưới góc độ là một văn bản pháp luật, Luật Hôn nhân gia đình là một văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, nằm trong hệ thống Pháp luật Việt Nam.

Hai cách hiểu Luật hôn nhân và gia đình với ý nghĩa là một ngành luật với Luật hôn nhân và gia đình với ý nghĩa là một văn bản pháp luật cụ thể là hai cách hiểu khá tương đồng, cần có sự phân biệt giữa hai cách hiểu này để tránh sự nhầm lẫn trong lý luận cũng như trong thực tiễn áp dụng. Văn bản pháp luật cụ thể là kết quả khi xây dựng Pháp luật, chứa đựng nhiều quy phạm của một ngành luật. Ví dụ như: Luật hôn nhân gia đình năm 1959, Luật hôn nhân gia đình năm 1986, Luật hôn nhân gia đình năm 2000,… Còn Luật hôn nhân gia đình có ý nghĩa là một ngành luật chỉ gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội giữa các thành viên gia đình: Giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và các con, ….

2. Về đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình:

Đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và các con, giữa những người thân thích ruột thịt khác. Có thể hiểu, đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình là các quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về những lợi ích nhân thân và tài sản, do vậy có thể hiểu ngắn gọn, đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân gia đình gồm: Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Trong đó quan hệ tài sản là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về những lợi ích tài sản. Ví dụ như: Quan hệ cấp dưỡng, quan hệ về chế độ sở hữu tài sản chung của vợ và chồng,… Quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về những lợi ích nhân thân. Ví dụ như: Quan hệ giữa vợ và chồng về sự thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau, về việc xác định chỗ ở chung,…

Có thể thấy, đối tượng điều chỉnh của Luật hôn nhân gia đình có nhiều điểm tương đồng so với đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung, quan hệ hôn nhân và gia đình có những đặc điểm riêng, nổi bật sau:

  • Quan hệ nhân thân là nhóm quan hệ chủ đạo và có ý nghĩa quyết định trong các quan hệ hôn nhân và gia đình;
  • Yếu tố tình cảm gắn bó giữa các chủ thể;
  • Căn cứ làm phát sinh các quan hệ hôn nhân và gia đình là những sự kiện pháp lý đặc biệt, đó là hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng;
  • Chủ thể của quan hệ hôn nhân và gia đình là thể nhân, không thể là các tổ chức, cơ quan khác;
  • Quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể, không thể chuyển giao cho người khác.

3. Về phương pháp điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình:

Từ đối tượng điều chỉnh của Luật như đã phân tích, Luật Hôn nhân và gia đình có phương pháp điều chỉnh đặc biệt để phù hợp với đối tượng điều chỉnh nêu trên.

Phương pháp điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình là những cách thức, biện pháp mà các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình tác động lên các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó, phù hợp với ý chí của Nhà nước. Hay hiểu một cách ngắn gọn, phương pháp điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình là các biện pháp tác động lên các quan hệ hôn nhân – gia đình.

Phương pháp điều chỉnh của Luật hôn nhân gia đình có những đặc điểm nổi bật như sau:

  • Trong quan hệ hôn nhân và gia đình quyền đồng thời là nghĩa vụ của các chủ thể;
  • Các chủ thể khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình;
  • Các chủ thể không được phép bằng sự thỏa thuận để làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định;
  • Các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình gắn bó mật thiết với các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán.

Tóm lại, Luật Hôn nhân gia đình là một khái niệm có thể được hiểu theo nhiều góc độ khoa học khác nhau như là một môn học, một ngành luật hay một loại văn bản pháp luật cụ thể. Có thể thấy, Luật Hôn nhân gia đình là một ngành luật độc lập do có đối tượng điều chỉnh cũng như phương pháp điều chỉnh riêng để phân biệt với các ngành luật độc lập khác.

Luật Hoàng Anh