Minh bạch giá, chi phí vận chuyển cấp cứu

Muốn biết chi tiết, phải gọi tổng đài

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, giá vận chuyển xe cấp cứu, chuyển viện và đưa đón bệnh nhân theo yêu cầu được niêm yết công khai trên trang web của trung tâm. Cụ thể, giá tiền được tính số km thực tế theo đồng hồ xe là 20.000 đồng/km.

Theo trang web của Công ty TNHH 115 Sài Gòn (quận 10, TPHCM), giá chuyển bệnh cứu thương cũng được tính công khai với 300.000 đồng trong phạm vi 4km đầu tiên; trên 4km giá sẽ giảm dần còn từ 10.000-25.000 đồng/km.

Tại Công ty TNHH Phòng khám gia đình TPHCM, giá được công bố trên trang web của công ty. Cụ thể, chi phí xe cứu thương chuyển viện trong nội thành TPHCM cho 1 ca cấp cứu ban ngày (từ 8 giờ đến 19 giờ) là 3.820.000 đồng và 1 ca cấp cứu ban đêm (từ 19 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau) là 8.065.000 đồng. Chi phí xe cứu thương chưa bao gồm thuốc cấp cứu sử dụng trong quá trình chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện có 9 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh được cấp phép theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, có hàng ngàn xe cứu thương đang hoạt động ngoài các cơ sở y tế do Công an TPHCM cấp đăng ký và Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Do tất cả xe cấp cứu đều có quyền ưu tiên như nhau, nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý nhưng thiếu thống nhất, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, khiến dịch vụ xe cấp cứu rất lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh.

Còn tại Hà Nội, ông Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết, hiện chi phí vận chuyển cấp cứu người bệnh được thực hiện theo bảng giá từ năm 2018 do UBND TP Hà Nội quyết định. Cụ thể, khoảng cách 5-10km thực hiện cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện là 750.000 đồng. Mỗi chuyến xe vận chuyển bệnh nhân có 3 người, gồm lái xe, điều dưỡng và y bác sĩ. Ngoài giá được tính theo số km, trong quá trình vận chuyển, người bệnh không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào khác.

“Giá vận chuyển cấp cứu của Trung tâm 115 hiện nay thấp hơn khá nhiều so với giá của nhiều đơn vị cấp cứu tư nhân khác là bởi hiện nay các bộ, ngành chức năng chưa có quy định cụ thể về mức giá vận chuyển cấp cứu đối với từng loại hình, bệnh viện và địa phương”, ông Trần Anh Thắng thông tin.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị chưa công khai, thống nhất giá dịch vụ vận chuyển cấp cứu khiến người dân có nhu cầu sử dụng như “lạc vào ma trận về giá”. Tại trang web của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cường Phúc Thọ (quận 3, TPHCM) thường xuyên cập nhật thông tin, nhưng chưa niêm yết bảng giá công khai trên website; khi vào tra cứu tìm bảng giá chỉ thấy dòng chữ “Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận được báo giá tốt nhất, vui lòng liên hệ…”.

Tại Công ty TNHH 115 An Tâm (huyện Bình Chánh, TPHCM), bảng báo giá chưa được công khai rõ ràng trên trang web của công ty. Khi phóng viên liên hệ với công ty để thuê xe cứu thương chuyển bệnh từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đến TP Bến Tre thì được báo giá 1,5 triệu đồng đối với gói không có điều dưỡng đi cùng và 1,7 triệu đồng có điều dưỡng đi cùng.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân từ xe cứu thương vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM). Ảnh: BÙI TUẤN

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân từ xe cứu thương vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM). Ảnh: BÙI TUẤN

Sớm có quy định cụ thể về cước phí

Là người từng sử dụng dịch vụ vận chuyển cấp cứu, bà Vũ Thị Ánh (68 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) cho rằng, với người cao tuổi, việc gọi xe cấp cứu để vận chuyển tới bệnh viện là rất cấp thiết, phần lớn người bệnh và gia đình không để ý nhiều tới mức giá vận chuyển, chỉ mong có xe tới càng sớm càng tốt. Do đó khi gọi được xe cấp cứu tới là rất mừng nên giá chủ xe đưa ra như thế nào cũng chấp nhận. Tuy nhiên, với những người nghèo, người có thu nhập thấp, việc không có một quy định cụ thể về giá vận chuyển cấp cứu sẽ là một gánh nặng vì họ sẽ bị ép giá phải trả cao hơn nhiều so với thực tế vận chuyển và thu nhập của họ.

Nhiều ý kiến khác cũng chỉ rõ, việc không có khung giá cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng giá dịch vụ không thống nhất và người dân bị ép giá từ các đơn vị cung cấp. Nếu tình trạng này kéo dài không được pháp luật quy định, cơ quan nhà nước quản lý sẽ tạo lỗ hổng và cơ hội để các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ xe cấp cứu trục lợi trên người bệnh. Do đó, đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần phối hợp để đưa ra một mức giá khung đối với dịch vụ xe cấp cứu ngoài bệnh viện. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, thẩm định cơ sở khám chữa bệnh, xe cấp cứu có đảm bảo điều kiện khi lưu hành, cung cấp dịch vụ, tránh xảy ra tình trạng xe trôi nổi, xe gắn chữ thập đỏ giả danh xe cấp cứu để trục lợi.

Theo Bộ Y tế, dù hiện nay chưa có khung giá cụ thể quy định cước phí vận chuyển cấp cứu, nhưng trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật BHYT đã có những quy định về hỗ trợ chi phí vận chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Theo đó, trường hợp sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở khám chữa bệnh chỉ định chuyển tuyến thì Quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển cả chiều đi và về cho cơ sở khám chữa bệnh đó theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế giữa hai cơ sở và giá xăng tại thời điểm chuyển người bệnh; trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở khám chữa bệnh, Quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển một chiều (chiều đi) cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế giữa 2 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giá xăng tại thời điểm chuyển người bệnh lên tuyến trên. Cơ sở khám chữa bệnh chỉ định chuyển tuyến có trách nhiệm thanh toán khoản chi này trực tiếp cho người bệnh trước khi chuyển tuyến, sau đó thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.