Góc kiến thức: Hàng tồn kho bao gồm những gì?

Hàng tồn kho là một phạm trù quản lý vô cùng phức tạp và khó khăn trong doanh nghiệp. Đây còn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc kiểm soát tốt hàng tồn kho ở mức vừa đủ là mục tiêu tất yếu mà doanh nghiệp nào cũng cố gắng để đạt được.

– Nếu mức tồn kho quá cao, khiến thêm nhiều chi phí phát sinh như lưu kho, bảo quản, vốn tồn đọng, hư hỏng,… để đảm bảo mức lợi nhuận đặt ra theo kế hoạch thì bắt buộc doanh nghiệp phải đẩy chi phí giá thành, điều này khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với đối thủ.

– Nếu tồn kho ở mức quá thấp sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng để cung cấp cho khách hàng gây mất doanh số bán hàng, giảm lợi nhuận. Tồn kho nguyên vật liệu thiếu sẽ gây trì trệ trong sản xuất.

Qua đây có thể thấy rằng kiểm soát tốt hàng tồn kho là việc cần được quan tâm và chú trọng. Để thực hiện tốt vấn đề này, người quản lý cần tích lũy tổng hợp nhiều kỹ năng liên quan đến hàng tồn kho. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin chia sẻ một số phạm trù kiến thức liên quan như hàng tồn kho là gì, hàng tồn kho bao gồm những gì và các phương pháp hạch toán hàng tồn kho.

hàng tồn kho là gì

1. Hàng tồn kho là gì?

Căn cứ theo chuẩn mực kế toán số 02 Hàng tồn kho ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hàng tồn kho là những tài sản sau:

– Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường.

– Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang;

– Nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.

2. Hàng tồn kho bao gồm những gì?

– Hàng hóa mua về để bán: Hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa gửi đi gia công chế biến;

– Thành phẩm tồn kho và thành phẩm gửi đi bán;

– Sản phẩm dở dang bao gồm cả sản phẩm chưa hoàn thành và sản phẩm hoàn thành chưa làm thủ tục nhập kho thành phẩm. Nếu thời gian sản xuất, luân chuyển của sản phẩm dở dang vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường sẽ không được tính là hàng tồn kho trong Bảng cân đối kế toán mà được trình bày là tài sản dài hạn.

– Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, gửi đi gia công chế biến và đã mua đang đi trên đường;

– Chi phí dịch vụ dở dang.

3. Các phương pháp hạch toán hàng tồn kho

a. Phương pháp kê khai thường xuyên:

– Là phương pháp theo dõi và phản ánh thường xuyên, liên tục có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư, nguyên vật liệu hàng hóa vào sổ kế toán. Phản ánh tình hình nhập – xuất – tồn kho trong kỳ.

– Ưu điểm: Giúp doanh nghiệp chủ động việc báo cáo trong mọi thời điểm; Giảm thiểu tình trạng sai sót; Đáp ứng được nhiều yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Nhược điểm: Tăng khối lượng công việc, ghi chép hàng ngày rất nhiều dễ gây áp lực cho người làm công việc kế toán.

b. Phương pháp kiểm kê định kỳ

– Là phương pháp không theo dõi, phản ánh hàng tồn kho một cách thường xuyên và liên tục chỉ phản ánh hàng tồn đầu kỳ và cuối kỳ, không phản ánh xuất nhập trong kỳ.

– Ưu điểm: Đơn giản, giảm thiểu công việc hạch toán gọn nhẹ.

– Nhược điểm: Việc không kiểm soát thường xuyên khiến việc báo cáo chỉ có thể thực hiện khi đến kỳ, không có sự linh hoạt; Khó phát hiện sai sót; Công việc kế toán bị dồn tập trung vào cuối kỳ.

>>> Xem thêm: Kiểm kê hàng tồn kho hiệu quả