Hình lập phương có bao nhiêu cạnh?

Trong chương trình vừa qua, có lẽ khán giả đã vô cùng ngạc nhiên khi một thí sinh nọ đã tỏ ra rất lúng túng với câu hỏi dễ ăn điểm “Hình lập phương có bao nhiêu cạnh?”. Cho dù anh này đã tự thừa nhận là “dốt nhất về toán”, nhưng thật khó mà tìm được sự thông cảm từ phía khán giả xem truyền hình trong trường hợp này.

Ở đây cần phân biệt rõ hai phạm trù khác nhau, đó là “kiến thức cơ bản” và “kiến thức tổng quát”. Không ai có thể cười nhạo hay chê ai đó là “dốt quá” khi họ không biết “chích choè” là biệt danh của câu lạc bộ bóng đá nào của Anh? Charlie Chaplin là tên của người nổi tiếng nào? hay mắt con vật nào to hơn…? (cũng là những câu hỏi trong cùng chương trình) – bởi đây là những kiến thức văn hoá xã hội tổng quát mà một người tiếp nhận được trong quá trình sống. Và dĩ nhiên là mức độ tích lũy kiến thức không ai giống ai vì có thể do một hoàn cảnh nào đó một người không tiếp nhận được thông tin như người khác (chẳng hạn như thí sinh nữ nọ vì không đam mê bóng đá nên đã không quan tâm đến các thông tin về các câu lạc bộ của giải ngoại hạng Anh, hay một người vốn chưa từng nhìn thấy hươu cao cổ và đà điểu thì không thể biết được mắt con nào to hơn?) Nhưng với câu hỏi nêu trên thì nội dung lại là kiến thức cơ bản của toán học mà bất kỳ học sinh phổ thông nào cũng phải biết, thậm chí trong các bài tập vẽ làm quen với hình khối của các học sinh mẫu giáo cũng được học. Vì thế không thể chấp nhận một người đã tốt nghiệp PTTH lại trả lời sai (!). Càng ngạc nhiên hơn nữa khi kết quả thống kê của ban tổ chức cho thấy chỉ có khoảng 61% khán giả đáp đúng câu hỏi này (và có không ít người trả lời rằng hình lập phương có… 4,6,8 cạnh!). Không ngạc nhiên sao được khi ống kính máy quay cho thấy trong trường quay đại đa số là khán giả trẻ – tức là những người vốn có mặt bằng kiến thức cao trong xã hội – chưa kể có trình độ đại học hay trên đại học mà chỉ tính ngang mức tốt nghiệp cấp II thôi thì kết quả này quả cũng không thể chấp nhận được!

Tôi đoán chắc nhiều người khi xem chương trình này cũng có cảm giác như tôi, vừa buồn cười vừa xấu hổ pha lẫn chút xót xa, rằng trong khi nền giáo dục của nước nhà cứ mải loay hoay với bài toán cải cách cải tổ, tốn kém biết bao tiền bạc của nhân dân thì hậu quả nhãn tiền của nền giáo dục ấy lại cứ phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ, cả trên phương tiện thông tin đại chúng!

Trần Quý Ngọc