Những đặc điểm cơ bản của các dân tộc ở nước ta

a. Những tác động của quy luật phát triển không đồng đều do lịch sử

Cách mạng tháng Tám thành công cùng với việc xây dựng một nhà nước mới của giai cấp công nông đã xóa bỏ sự không đồng đều về mặt chính trị. Các dân tộc ở nước ta đều có quyền bình đẳng về mặt pháp luật. Tuy vậy do nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau về hoàn cảnh tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa nên quyền bình đẳng thực sự trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách và sự chênh lệch này đang có xu hướng mở rộng.

Tính kế thừa truyền thống lịch sử ở mỗi một dân tộc cũng khác nhau, thể hiện qua sự phát triển xã hội không đồng đều. Có dân tộc đã từng bước vào ngưỡng cửa của văn minh, đã từng có nhà nước, chữ viết; lại có dân tộc chưa bước tới ngưỡng cửa văn minh, chưa có chữ viết hoặc đang hình thành nên chữ viết. Hậu quả của các chế độ áp bức bóc lột trong lịch sử cũng góp phần làm cho sự phát triển không đồng đều. Cùng chung một mái nhà Việt Nam nhưng có dân tộc đến trước có dân tộc đến sau. Sự hòa hợp những cảnh ngộ khác nhau đó đã tạo nên những hương thơm quả ngọt, nhưng không phải là không còn những di sản cần khắc phục. Ngược lại cũng có những dân tộc vốn nguyên khối nhưng lại theo những cung cách tách biệt, càng đi càng xa mãi và hình thành nên những sắc thái mới.

Tuy cùng chung một cơ sở là nền văn minh trồng lúa nhưng có dân tộc chú trọng thâm canh, hai năm, ba mùa thu hoạch, có dân tộc lại quảng canh, du canh với phương thức làm rẫy, năm một mùa. Các dân tộc có cuộc sống định cư, tương đối ổn định cho nên điều kiện phát triển và tốc độ tiến bộ cũng nhanh hơn các dân tộc còn ở trình độ du canh. Những ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa đối với các dân tộc này cũng giới hạn ở nhiều mức độ khác nhau.

Đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ phát triển mọi mặt còn thấp kém cũng làm cho nhiều dân tộc mất quyền bình đẳng trong việc tiếp thu những phúc lợi là thành quả của một cuộc sống văn minh. Tình trạng mù chữ làm cho con người không nhận thức rõ khả năng của mình và đánh mất khả năng tận dụng những cơ hội trong việc chuyển giao kỹ thuật. Sự hưởng thụ văn hóa tất nhiên bị nhiều hạn chế do không có những phương tiện như đài thu thanh, vô tuyến truyền hình. Những trung tâm thông tin và triển lãm không có vốn đầu tư để duy trì những hoạt động cơ bản, tối thiểu.

Quy luật này cũng có những tác động ngay trong nội bộ của mỗi dân tộc, thí dụ như người Kinh, người Khmer, người Hoa… sống ở nơi đô thị, trình độ phát triển kinh tế-văn hóa cũng có khác với những người Khmer, người Kinh, người Hoa sống ở nông thôn. Chỉ nói riêng trường hợp người Khmer sống ở vùng ven biển từ Trà Vinh, Sóc Trăng đến Kiên Giang cũng có những khoảng cách chênh lệch so với người Khmer ở vùng biên giới Châu Đốc, Hà Tiên. Đây cũng chưa hẳn là mối quan hệ giữa vùng trung tâm là Trà Vinh-Sóc Trăng với vùng ngoại vi là Châu Đốc-Hà Tiên, mà còn có nhiều mối dây liên hệ ràng buộc khác. Nhận thức rõ sự tác động của quy luật này để khi tiến hành chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải lưu ý đến sự sinh động của thực tiễn khác nhau ở từng dân tộc, từng vùng sinh thái nhân văn, hoặc phải kết hợp cả hai đối với các dân tộc.