Thực trạng kiểm soát lạm phát ở Việt Nam

Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Ổn định lạm phát ở mức hợp lý là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi lẽ lạm phát là một trong những chỉ tiêu vĩ mô đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng và thất nghiệp. Nếu lạm phát tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nền kinh tế, qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo đời sống người dân.

Ngược lại, khi tình trạng giảm hay thiểu phát xảy ra, khiến cho lãi suất thực tế tăng lên, hoạt động đầu tư sụt giảm, ngân hàng bị ứ đọng vốn, tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Do vậy, kiểm soát lạm phát mang tính chất 2 mặt: một mặt kiềm chế lạm phát không tăng quá cao; mặt khác không để nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát hoặc thiểu phát.

Có nhiều chủ thể tham gia kiểm soát lạm phát. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan đều tham gia kiểm soát lạm phát, nhưng chủ thể quan trọng nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính.

Lạm phát ở Việt Nam thời gian thể hiện qua số liệu Bảng 1. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, tỷ lệ lạm phát đạt mức thấp kỷ lục 0,63%, giai đoạn 2015-2020 nền kinh tế được điều hành chặt chẽ nên tỷ lệ lạm phát luôn ổn định ở mức dưới 4%. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19, lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt.

Với mức lạm phát 1,84%, Việt Nam là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát cao toàn cầu. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở mức 3,21%, Việt Nam nằm trong số ít những quốc gia có mức lạm phát trung bình 4-6%. Trong quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.