Học tập suốt đời của Peter Hollins là một cuốn sách rất thú vị. Với một chủ đề tương đối vĩ mô, thậm chí có vẻ khô khan và mang tính “hô khẩu hiệu”, vậy mà với cách viết cuốn hút, tổ chức nội dung tài tình, tác giả đã dẫn người đọc nhẹ nhàng, nhanh chóng đi trọn hành trình, khám phá chân dung một người học suốt đời với niềm hứng thú lớn lao.
Sách viết về học tập suốt đời nhưng không bắt đầu bằng những kĩ năng học tập mà từ việc mô tả, phân tích nỗi sợ hãi, đặc biệt là sợ thất bại. Đây là cách đặt vấn đề rất khéo léo, thông minh của tác giả, đi thẳng từ tâm lý cơ bản của con người để lý giải những rào cản vô hình đối với việc học tập. Hẳn là ngay khi đọc những dòng đầu tiên, ai cũng nhìn thấy một phần tâm tư thầm kín của mình trong đó và tò mò, háo hức đón chờ những điều hấp dẫn phía sau…
Bạn đang xem: Học tập suốt đời – hành trình khám phá tiềm năng vô hạn của con người
Tác giả bài viết (thứ 3 từ trái sang) khai trương Ngôi nhà Trí tuệ tại Alaska, gần Bắc Cực. Ảnh: NVCC
Trong thực tế, nỗi sợ là một con quái vật khổng lồ mà chúng ta tự tạo ra để đe dọa chính mình. Tuổi thiếu niên, tôi nỗ lực thực hiện cú bứt phá đầu tiên trong đời rời khỏi vùng an toàn bằng một quyết định trọng đại: chuyển từ trường làng (cách nhà hơn 1km) lên học trường huyện (cách nhà tới 10 km). Nhiều khó khăn trở ngại cộng thêm nỗi sợ hãi khiến tôi nản chí, trụ được vài tháng rồi bỏ cuộc, quay lại với trường làng – vùng an toàn của tôi.
Tuy nhiên, một năm sau tôi thử lại, không phải lên trường huyện cách nhà 10km nữa mà chuyển tới một ngôi trường ở một tỉnh xa cách nhà tới 800 cây số. Lần này, dẫu vẫn sợ nhưng tôi đã thành công. Tiếp theo là những năm dài triền miên tự lập sống đời sinh viên cách nhà 1.500 km, rồi hành trình vạn dặm băng qua đại dương, núi đồi, sa mạc, từ đỉnh cao đến vực sâu, tới những nơi nguy hiểm nhất để khám phá thế giới… Khoảng cách địa lý từ ngôi trường làng, trường huyện, tới trường đại học và trường đời… đã tăng lên gấp mười, rồi gấp trăm gấp ngàn lần, nhưng những nỗi sợ sau này không thể nào so sánh với nỗi sợ khi lần đầu tiên vượt qua chặng đường 10km từ ngôi làng nhỏ của mình ra phố huyện.
Rõ ràng, hành trình kiếm tìm tri thức, liên tục học tập và phát triển bản thân đã nuôi dưỡng trí tuệ, lòng tự tin và can đảm của mỗi người để họ có thể làm chủ cuộc sống và thế giới. Thông qua hành trình đó, chúng ta chuyển hóa, mở rộng vùng an toàn và ảnh hưởng của bản thân. Hành trình học tập trải dài và mở rộng đến đâu, nỗi sợ thu hẹp lại đến đó.
Trong cuốn sách của Peter Hollins có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Khu vực bao la chưa được khám phá bởi kinh nghiệm của con người tồn tại bên ngoài những giới hạn chật hẹp của trường học chính quy chính là địa hạt quan trọng nhất của giáo dục.” Những siêu đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, thiết chế văn hóa và giáo dục chính quy… dù đồ sộ đến đâu cũng vẫn là thứ bị giới hạn bởi những bức tường do chính con người dựng lên. Cũng giống như không gian địa lý dù rộng lớn đến thế nào vẫn bị giới hạn bởi các chiều kích vật lý. Chỉ duy có không gian TÂM và TRÍ của con người dường như là thứ là vô hạn vì nó liên tục phát triển theo khả năng học tập của mỗi cá nhân.
Xem thêm : Hành vi xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước là hành vi vi phạm
Cuốn sách gồm chín chương, trong đó hai chương đầu tập trung vào việc phân tích bản chất thật sự của cái gọi là thất bại và nỗi sợ thất bại, lý giải những rào cản và điểm kháng cự tâm lý cũng như cách thức giúp bạn có được “niềm tin quả quyết”, nuôi dưỡng và duy trì động lực nội tại, theo đuổi đam mê hoài bão với tư duy phát triển để xông xáo bước vào hành trình xé chiếc kén chật hẹp của mình. Nhưng như tác giả đã chia sẻ, chỉ có lòng nhiệt tình hăm hở lúc ban đầu thôi thì chưa đủ. Chính vì vậy mà ở bảy chương tiếp theo, tác giả giới thiệu những công cụ hữu ích mà người đọc có thể mang theo bên mình như những bí kíp giúp hiện thực hóa ý tưởng về học tập suốt đời, phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Những chiến lược, chiến thuật, phương pháp và kỹ năng đọc, tự học, đặt ra và hoàn thành các mục tiêu, quản lý tri thức cá nhân và quá trình học tập, học tập chủ động, tập trung trong chế độ làm việc sâu, học tập phản tư…là những kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý báu không chỉ cho độc giả đại chúng mà còn cho giới chuyên gia.
Bìa cuốn sách Học tập suốt đời. Ảnh: Công dân & Khuyến học
Học tập suốt đời không phải là một cuốn sách bom tấn theo nghĩa mang đến những điều mới lạ, sửng sốt khiến người ta phải “choáng váng”, nhưng đây là cuốn sách mà chúng ta sẽ ước mình hữu duyên được đọc càng sớm càng tốt. Tôi tin rằng nó sẽ giúp độc giả có thêm sự tự tin, lòng dũng cảm và những chiến lược lẫn kĩ năng cần thiết để bắt đầu hành trình học tập suốt đời của mình – một hành trình mà mục tiêu và sự tưởng thưởng sau cùng thật giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng: Phát huy tối đa tiềm năng vô hạn của con người và sống một cuộc đời không hối tiếc!
Nguyễn Anh Tuấn (Người sáng lập Chương trình Ngôi nhà Trí tuệ và Tủ sách Nhân ái)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp