Tài sản ngắn hạn là gì? Phân biệt tài sản ngắn hạn với tài sản dài hạn

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tài sản ngắn hạn là gì?

Tài sản ngắn hạn (hay còn gọi là tài sản lưu động) là những tài sản tồn tại và được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn, thường là dưới 1 năm hoặc một chu kỳ kinh doanh. Tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao, có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng.

Tại Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về tài sản ngắn hạn như sau:

Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm:

– Tiền và các khoản tương đương tiền (Mã số 110)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn), tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp. Mã số 110 = Mã số 111 + Mã số 112.

+ Tiền (Mã số 111)

Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền đang chuyển. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Tiền” là tổng số dư Nợ của các Tài khoản 111 “Tiền mặt”, 112 “Tiền gửi ngân hàng” và 113 “Tiền đang chuyển”.

+ Các khoản tương đương tiền (Mã số 112)

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.

– Đầu tư tài chính ngắn hạn (Mã số 120)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị của các khoản đầu tư ngắn hạn (sau khi đã trừ đi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh), bao gồm: Chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo.

+ Chứng khoán kinh doanh (Mã số 121)

+ Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (Mã số 122)

+ Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (Mã số 123)

– Các khoản phải thu ngắn hạn (Mã số 130)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác.

+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng (Mã số 131)

+ Trả trước cho người bán ngắn hạn (Mã số 132)

+ Phải thu nội bộ ngắn hạn (Mã số 133)

+ Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (Mã số 134)

+ Phải thu về cho vay ngắn hạn (Mã số 135)

+ Phải thu ngắn hạn khác (Mã số 136)

+ Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (Mã số 137)

+ Tài sản thiếu chờ xử lý (mã số 139)

– Hàng tồn kho (Mã số 140)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị hiện có các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đến thời điểm báo cáo. Mã số 140 = Mã số 141 + Mã số 149.

+ Hàng tồn kho (Mã số 141)

+ Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (Mã số 149)

– Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 150)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước ngắn hạn, thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo.

+ Chi phí trả trước ngắn hạn (Mã số 151)

+ Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (Mã số 152)

+ Thuế và các khoản khác phải thu nhà nước (Mã số 153)

+ Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (Mã số 154)

+ Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 155)

Như vậy, tài sản ngắn hạn là những tài sản có thời gian tồn tại hoặc sử dụng không quá 1 năm hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh. Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

Đồng thời, tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao, có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn để đáp ứng các nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán của doanh nghiệp.

2. Phân biệt tài sản ngắn hạn với tài sản dài hạn

Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa tài sản ngắn hạn với tài sản dài hạn, có thể phân biệt tài sản ngắn hạn với tài sản dài hạn thông qua các tiêu chí sau:

Tiêu chí

Tài sản ngắn hạn

Tài sản dài hạn

Thời hạn

Có thể chuyển đổi thành tiền, bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của DN tại thời điểm báo cáo.

Có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo.

Đặc điểm

– Có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành Các khoản tiền xác định và ít rủi ro liên quan đến biến động về giá trị.

– Có tính thanh khoản cao và thời gian luân chuyển nhanh chóng.

– Luôn vận động và chuyển hóa không ngừng giúp cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục và không bị gián đoạn.

– Khó chuyển đổi thành các khoản tiền xác định và có nhiều rủi ro liên quan đến biến động về giá trị.

– Có tính thanh khoản thấp và thời gian luân chuyển dài.

– Khó thích nghi với sự thay đổi của hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Tài sản dài hạn được nắm giữ với kỳ vọng mang lại lợi ích trong tương lai dài hạn, thường lớn hơn một năm hoặc một chu kỳ hoạt động.

Các loại tài sản

– Tiền và các khoản tương đương tiền

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

– Các khoản phải thu ngắn hạn

– Hàng tồn kho

– Tài sản ngắn hạn khác .

– Các khoản phải thu dài hạn

– Tài sản cố định

– Bất động sản đầu tư

– Tài sản dở dang dài hạn

– Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

– Tài sản dài hạn khác.

Khấu hao

Do các tài sản ngắn hạn thời gian thu hồi trong vòng một năm tài chính hoặc một chu kỳ tài chính nên không bị tính khấu hao

Do tài sản dài hạn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp nên chúng cần được tính khấu hao để phân bổ chi phí trong dài hạn.

Giá trị

Do thu hồi trong vòng một năm và bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động thị trường, do đó cần đánh giá lại hàng kỳ

Ghi nhận theo phương pháp giá gốc

Căn cứ: Thông tư 200/2014/TT-BTC

Trân trọng!