TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác buộc họ sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ. Tội phạm xâm phạm quyền tự do và sức khỏe của con người, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tệ nạn nghiện ma túy.

Hành vi này biểu hiện như đe dọa, khống chế, ép buộc, giữ tay chân để cho chất ma túy vào miệng, mũi, tiêm chích chất ma túy vào cơ thể… trái với ý muốn của nạn nhân. Ngoài ra, hành vi đánh lừa như cho vào thuốc lá, cho vào kẹo, cà phê… để người khác không biết mà sử dụng chất ma túy dẫn đến nghiện ma túy, thì người có hành vi đó phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người khác có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Điều luật quy định 4 khung hình phạt.

– Khung 1 hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với cấu thành cơ bản.

– Khung 2 hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức là 02 người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm, có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng người thực hiện tội phạm;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi: thể hiện như để đạt mục đích trả thù hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác. Thực tế xảy ra là người bán lẻ ma túy muốn tiêu thụ được nhiều ma túy nên đã khuyến khích các con nghiện lôi kéo được nhiều người khác sử dụng ma túy, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế. Các con nghiện vì không có tiền nên ra sức lôi kéo người khác sử dụng ma túy để được “thưởng ma túy”.

+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: Để xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân;

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai: căn cứ vào kết luận của bác sĩ chuyên khoa, tổ chức y tế có thẩm quyền;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với người đang cai nghiện: Người đang cai nghiện có thể tại trung tâm, tại cộng đồng dân cư hoặc tại gia đình;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Căn cứ để đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe là Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người bị cưỡng bức như nhiễm HIV/AIDS, viêm gan vi rút B, lao….

Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148) hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149).

+ Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này.

– Khung 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người (như phân tích trên);

+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

+ Đối với người dưới 13 tuổi: Để xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của nạn nhân;

– Khung 4 quy định hình phạt tù từ 20 năm hoặc tù chung thân áp dụng trong trường hợp làm chết 02 người trở lên.

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Sự khác nhau cơ bản giữa hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi tổ chức sử dụng thì người sử dụng chất ma túy có tính tự nguyện, thậm chí tìm đến các chủ chứa sử dụng ma túy, còn hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì người sử dụng chất ma túy mang tính bị động, bị người khác tác động cưỡng bức.

2. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

Sự khác nhau cơ bản giữa hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì người sử dụng chất ma túy mang tính bị động, bị người khác tác động buộc phải sử dụng ma túy, còn hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy mang tính thuyết phục, dụ dỗ.

Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn sử dụng ma túy của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy. Tội phạm xâm phạm quyền tự do và sức khỏe của con người, ảnh hướng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tệ nạn nghiện ma túy.

Lôi kéo có thể là các hành vi như: Rủ rê, mồi chài, dụ dỗ, thuyết phục làm cho người khác không muốn sử dụng trái phép chất ma túy cũng phải đồng ý sử dụng. Các thủ đoạn khác khêu gợi sự ham muốn ma túy như cho xem phim, ảnh, xem trực tiếp người khác sử dụng ma túy, tuyên truyền bịa đặt những cảm giác hấp dẫn khi sử dụng ma túy… để họ tò mò, ham muốn sử dụng ma túy. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người khác có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Điều luật quy định 4 khung hình phạt.

– Khung 1 quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Khung 2 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức: Có từ 02 người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm, có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng người thực hiện tội phạm.

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi: Thể hiện như để đạt mục đích trả thù hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác. Thực hiện xảy ra là do mâu thuẫn với một người nào đó nên người phạm tội đã tìm cách lôi kéo con họ vào con đường nghiện ma túy hoặc người bán lẻ ma túy muốn tiêu thụ được nhiều ma túy nên đã khuyến khích các con nghiện lôi kéo được nhiều người khác sử dụng ma túy. Các con nghiện vì không có tiền nên ra sức lôi kéo người khác sử dụng ma túy để được “thưởng ma túy”. Trong trường hợp này người bán lẻ ma túy không chỉ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) mà còn phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258). Con nghiện có hành vi trên thì đồng phạm về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: Để xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân;

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai: căn cứ vào kết luận của bác sĩ chuyên khoa, tổ chức y tế có thẩm quyền;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với người đang cai nghiện: người đang cai nghiện có thể tại trung tâm, tại cộng đồng dân cư hoặc tại gia đình;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Căn cứ để đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe là Thông tư số 20/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người bị cưỡng bức như nhiễm HIV/AIDS, viêm gan vi rút B, lao….

Trường hợp lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148) hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149).

+ Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này.

– Khung 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;

+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

+ Đối với người dưới 13 tuổi: Để xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của nạn nhân;

– Khung 4 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân áp dụng trong trường hợp gây chết 02 người trở lên.

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đình Khải