Vai trò của thương mại trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập

TÓM TẮT:

Thương mại là một ngành kinh tế độc lập mà hoạt động của nó là mua, bán hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Theo Luật Thương mại Việt Nam). Trong đó bao gồm các hoạt động: mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; xúc tiến thương mại; các hoạt động trung gian thương mại… Bài viết với mục tiêu làm rõ vai trò của thương mại trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội để từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Từ khóa: Thương mại, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập.

1. Giới thiệu

Thương mại đã ra đời rất lâu và tồn tại qua các phương thức sản xuất xã hội. Hoạt động thương mại vừa chịu sự chi phối của các quy luật của nền sản xuất hàng hóa, vừa chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế vốn có của mỗi chế độ xã hội- chính trị mà ngành Thương mại đang hoạt động. Sản xuất là điểm xuất phát, tiêu dùng là điểm cuối cùng, thương mại là thực hiện chức năng phân phối và trao đổi là khâu trung gian. Với vị trí này, thương mại một mặt chịu sự chi phối của sản xuất và tiêu dùng, mặt khác nó tác động tích cực và chủ động trở lại đối với sản xuất và tiêu dùng. Thương mại vừa đại diện cho người tiêu dùng để tác động đến sản xuất, vừa đại diện cho sản xuất để tác động đến tiêu dùng, góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất mở rộng phát triển, nó đóng vai trò như một mắt xích trong bộ máy kinh tế.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại đã trở thành lĩnh vực tiên phong, quan hệ thương mại đi trước mở đường cho quan hệ ngoại giao chính thức giữa các quốc gia. Dịch vụ thương mại còn là con đường để các nước đang phát triển tiến kịp với các nước phát triển, giảm dần khoảng cách với các nước tiên tiến. Việt Nam do ảnh hưởng của cơ chế cũ và nền sản xuất nhỏ nên thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế. Phát triển thương mại chính là con đường để khai thác những tiềm năng và thế mạnh của quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế- xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cần hiểu rõ vai trò của hoạt động thương mại trong phát triển kinh tế- xã hội, từ đó làm cơ sở khoa học xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

2. Quá trình ra đời và phát triển thương mại

Trong lịch sử phát triển sản xuất, không phải ngay từ đầu loài người đã biết sản xuất ra hàng hóa để trao đổi, lúc ấy người ta làm ra hàng hóa chỉ với mục đích duy nhất là thỏa mãn nhu cầu bản thân mình. Chỉ đến khi nhu cầu của con người ngày càng được nâng cao, của cải vật chất làm ra nhiều hơn đến mức dư thừa thì con người mới nghĩ đến việc trao đổi sản phẩm cho nhau (trao đổi giản đơn). Đến khi hình thành trao đổi giản đơn này không đáp ứng được nhu cầu của nhau nữa thì “lưu thông hàng hóa” đã tiếp ứng cho tiến trình phát triển đó. Lưu thông hàng hóa là cột mốc quan trọng trong nền sản xuất hàng hóa mà thương mại chính là hình thức cao trào của trao đổi và lưu thông. Thương mại đã xuất hiện khi lưu thông trở thành một ngành độc lập tách khỏi sản xuất, tuy tách khỏi sản xuất nhưng thương mại chỉ tồn tại và phát triển trong xã hội có sản xuất và lưu thông hàng hóa. Vì nó luôn gắn liền với sản xuất hàng hóa nên trong những bước hình thành ngành thương mại thường đi song hành với quy trình của nền sản xuất hàng hóa.

Phân công lao động xã hội là điều kiện cần cho sự ra đời ngành Thương mại: phân công lao động xã hội là việc phân chia lao động ra các ngành, các lĩnh vực khác nhau, tạo ra sự chuyên môn hóa sản xuất. Mỗi người chỉ chuyển sản xuất một hoặc vài thứ phẩm, hay chỉ sản xuất một chi tiết sản phẩm. Do đó, để thỏa mãn nhu cầu của sản xuất và đời sống của xã hội đòi hỏi cần có sự trao đổi giữa họ với nhau. Phân công lao động phát triển bao nhiêu thì lưu thông hàng hóa phát triển bấy nhiêu. Đến thời kỳ có sự phát triển rầm rộ về khoa học kỹ thuật về sự phát triển hợp tác và hội nhập, sự phân công lao động không chỉ bó hẹp trong mỗi quốc gia mà nó đã vượt ra khỏi biên giới của mỗi nước. Vì thế trao đổi hàng hóa và lưu thông hàng hóa đã phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.

Chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là điều kiện đủ cho sự ra đời và phát triển ngành Thương mại: Chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất làm cho người sản xuất độc lập với nhau về mặt kinh tế. Sản phẩm sản xuất ra thuộc quyền chiếm hữu của từng người sản xuất riêng rẽ, không ai có quyền lấy không của ai, vì thế đòi hỏi có sự trao đổi sản phẩm giữa những người sản xuất với nhau phải là sự trao đổi hoàn lại, hoàn lại với một vật gì đó có giá trị tương đương. Từ đó sản phẩm trở thành hàng hóa.

3. Vai trò của thương mại trong phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam

Thứ nhất, thương mại thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, thương mại đã từng đóng vai trò khá quan trọng đó là xóa bỏ nền sản xuất nhỏ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy ra đời nền sản xuất hàng hóa (hàng hóa sản xuất ra để trao đổi). Trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, vai trò của thương mại lại được khẳng định như một mắt xích không thể thiếu được trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Thương mại tác động tích cực thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội ở nước ta, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất, hướng sản xuất theo nền sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nguồn hàng lớn cung cấp cho nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Thương mại là yếu tố trực tiếp thúc đẩy lưu thông hàng hóa phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thông suốt trong vùng các trọng điểm kinh tế của đất nước. Sự hoạt động của thương mại bên cạnh chịu sự chi phối của các quy luật nền kinh tế hàng hóa, còn thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, cung ứng tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng và mua các sản phẩm ở vùng kém phát triển, kinh tế khó khăn để thúc đẩy kinh tế hàng hóa ở các vùng này phát triển, đẩy lùi kinh tế tự nhiên rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, cân bằng lại các hoạt động kinh tế.

Thứ hai, thương mại thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước

Vai trò của thương mại dịch vụ được gắn kết trong sự phát triển ngành công nghiệp xây dựng, ngành nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác của quốc gia, được đánh giá theo các mục tiêu từng năm, từng kỳ kế hoạch đề ra. Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nguyên vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thương mại cung ứng các tư liệu sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho sản xuất tiến hành một cách thuận lợi. Hàng hóa sản xuất ra của các ngành, các lĩnh vực rất cần đến mạng lưới thương mại để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, thực hiện khâu trung gian để điều tiết cung cầu. Khi hàng hóa được tiêu thụ nhanh sẽ rút ngắn được chu kỳ tái sản xuất và tốc độ tái sản xuất. Vì vậy, thương mại mở con đường tiêu thụ sản phẩm cho ngành sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Trong thời kỳ thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, mọi sản phẩm hàng hóa đều được Nhà nước phân chia theo một cách nhất định, thương mại chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định trước. Nền kinh tế có sức ì lớn, các thành phần kinh tế không được khuyến khích phát triển, quan hệ cung cầu vốn đã mất cân đối lại càng mất cân đối hơn. Nhưng từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế thị trường đã góp phần kích thích sản xuất phát triển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho nhân dân.

Hoạt động thương mại thông qua cơ chế thị trường kích thích các nhà sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị và quy trình công nghệ, ứng dụng khoa học vào quản lý để nền sản xuất ngày một phong phú tiên tiến hơn, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những tiến trình quan trọng trên con đường CNH- HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH- HĐH là một quá trình chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó thị trường và thương mại có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động thương mại có tác dụng phát triển thị trường trong nước và ngoài nước thông qua xuất nhập khẩu. Hàng hóa tiêu thụ nhanh, giá trị hàng hóa được thực hiện, phần tích lũy trong cơ cấu giá cả hàng hóa được hình thành. Như vậy, hoạt động thương mại góp phần đẩy mạnh sản xuất, tích lũy vốn cho sự nghiệp CNH- HĐH của nước ta trong thời kỳ hội nhập.

Thứ ba, thương mại thúc đẩy phát triển các ngành khác của nền kinh tế

Vai trò của thương mại trong nền kinh tế chung là: kích thích phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đổi mới chất lượng số lượng lao động và tư duy kinh doanh, thể hiện đáp ứng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm như máy móc thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng… Đưa tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình chuyển giao công nghệ. Tác động tới quá trình phân công, phân phối các nguồn lực, thực hiện chuyên môn hóa hình thành cơ cấu ngành nghề kinh doanh có hiệu quả và tạo ra các nhu cầu mới. Thông qua các hợp đồng thương mại (bán buôn, bán lẻ) được ký kết với cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành từ đó đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Cũng nhờ có sự lưu thông này mà mối quan hệ giữa ngành thương mại và các ngành khác ngày càng chặt chẽ cùng thúc đẩy nhau phát triển.

Thứ tư, thương mại thúc đẩy việc phân phối các nguồn lực

Đối với các địa phương có dân số đông, nguồn lao động tương đối dồi dào, đa dạng, nhu cầu lao động cũng không kém phần đa dạng. Chính những đối tượng này đã góp phần trong việc chọn ngành nghề và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong địa bàn. Thương mại không những là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là trung gian phân phối nguồn lực tài chính để tham gia kinh doanh, thực hiện lưu thông và luân chuyển hàng hóa trên thị trường, giúp sản xuất tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.

Thứ năm, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại

Quan hệ thương mại với các nước trên thế giới sẽ ngày càng được củng cố vì lợi ích từ hai phía, thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tại chỗ, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nối liền sản xuất với tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là vốn ngoại tệ và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, quan hệ thương mại góp phần hay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Như vậy, thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế không chỉ phạm vi trong nước mà còn phạm vi quốc tế, làm cho thương mại địa phương thâm nhập được thị trường ngoài nước. Vai trò hoạt động thương mại trong nền kinh tế của địa phương với quan hệ kinh tế quốc tế là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam.

4. Kết luận

Như vậy, hoạt động thương mại là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi một quốc gia, đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước cũng như giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trên địa bàn, đồng thời phục vụ nhu cầu đời sống của con người. Vì vậy, nhận thức rõ vai trò của thương mại trong phát triển kinh tế – xã hội có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ môn Kinh tế phát triển (2009), Giáo trình Kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

2. Chu Văn Cấp, Phạm Quang Phan, Trần Bình Trọng (2006), Giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lênin, Nhà xuất bản Chính trị.

3. GS.TS. Đặng Đình Đào (2014), Giáo trình kinh tế thương mại, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hà Nội.

4. Hồ Văn Vĩnh (2006), Thương mại dịch vụ- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Minh. Tạp chí Cộng sản số 108 – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

5. PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn (2008), Giáo trình thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

THE ROLE OF THE COMMERCE FIELD IN VIETNAM’S

SOCIOECONOMIC DEVELOPMENT IN THE CONTEXT

OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION

Master. DINH THI HONG TUYET

Hai Phong University

ABSTRACT:

Commerce which is an independent economic field focuses on purchasing and selling commodities and services. Under Vietnam’s Commercial Law, the main goals of commercial activities including taking profits, providing services, promoting trade and investment, and other profit-seeking purposes. This study is to clarify the role of the commerce field in Vietnam’s socioeconomic development in order to develop plans and strategies for Vietnam’s socioeconomic development in the context of international economic integration.

Keywords: Commerce, socioeconomic development, integration.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây