[Tổng hợp] 4 loại trách nhiệm pháp lý và ví dụ cụ thể

Cập nhập: 8/24/2021 4:01:45 PM – Công ty luật Dragon

Để giúp các bạn hiểu hơn về trách nhiệm pháp lý, bài viết này của chúng tôi sẽ phân loại và lấy ví dụ mới nhất về trách nhiệm pháp lý cụ thể cho từng trường hợp.

1. Trách nhiệm pháp lý là gì?

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi do Nhà nước áp dụng đối với cá nhân, tổ chức gây ra hậu quả vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hoặc giám hộ). Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật phải chịu những chế tài được quy định tại phần chế tài của quy định pháp luật.

cac-loai-trach-nhiem-phap-ly-1

2. Tổng hợp các loại trách nhiệm pháp lý hiện nay

Có 4 loại trách nhiệm pháp lý hiện nay (kèm ví dụ) bao gồm:

1. Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm nghiêm khắc nhất mà tòa án áp dụng đối với người phạm tội.

Trách nhiệm pháp lý hình sự là trách nhiệm mà người phạm tội phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội và chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và chịu mang án tích. Trách nhiệm hình sự nhằm mục đích tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của người phạm tội. Trách nhiệm này sẽ do Tòa án áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Trách nhiệm hình sự bao gồm:

+ Phạt cảnh cáo, phạt tiền

+ Phạt cải tạo không giam giữ

+ Phạt tù có thời hạn, phạt tù chung thân

+ Tử hình

Ngoài ra còn có một số hình thức phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tước danh hiệu; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng là phạt hành chính.

Ví dụ về trách nhiệm pháp lý hình sự: A vận chuyển ma túy và bị cơ quan công an bắt quả tang. Do đó, A sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự

2. Trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm pháp lý dân sự là trách nhiệm pháp lý do tòa án áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật dân sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ Luật dân sự. Trách nhiệm dân sự bao gồm:

+ Xin lỗi, cải chính công khai

+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự

+ Buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm

Ví dụ về trách nhiệm pháp lý dân sự: A lái xe máy, do không để ý đã đâm đổ bờ tường của ủy ban nhân dân xã. Do đó, A phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi và buộc phải bồi thường khắc phục lại bờ tường bị đổ do mình gây ra.

3. Trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm pháp lý do cơ quan nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Trách nhiệm pháp lý hành chính bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, cách chức, buộc thôi việc…

Ví dụ về trách nhiệm hành chính: A điều khiển xe máy và bị cơ quan công an yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của A vượt quá mức quy định nên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm kỷ luật

Trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng cơ quan, tổ chức áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân của cơ quan, tổ chức khi họ có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Chủ thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp.

Ví dụ về trách nhiệm kỷ luật:A làm việc tại công ty cổ phần X. Trong thời gian làm việc, A thường xuyên đi làm muộn và không hoàn thành đúng thời hạn các công việc được giao. Do đó, ban giám đốc đã tiến hành kỷ luật A trước toàn thể cán bộ nhân viên tại đơn vị, đồng thời giảm trừ lương của A trong tháng đó.

Đối với mỗi loại hành vi vi phạm khác nhau, tùy thuộc vào tính chất hành vi đó là gì, hậu quả mang lại như thế nào sẽ là căn cứ để xác định người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay là trách nhiệm hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định.

Trách nhiệm pháp lý này sẽ do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật để nhằm mục đích giáo dục, trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật. Đồng thời, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ luật đối với những cá nhân, tổ chức khác, từ đó sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật

Trên đây chúng tôi đã cùng bạn phân loại và vi dụ về trách nhiệm pháp lý. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Dragon qua số hotline: 1900.599.979 hoặc gửi email tới: dragonlawfirm@gmail.com để được tư vấn và giải đáp nhanh chóng.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!

>>> Xem thêm: Văn phòng luật sư giỏi tại Hà Nội