Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, con gái quan Lạc tướng Mê Linh (miền Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn – Ba Vì – Sơn Tây – Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị; bà dạy cho con nghề trồng dâu, nuôi tằm; dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khỏe và võ nghệ.
Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, dũng cảm, mưu trí. Chồng bà là Thi Sách, con trai quan Lạc tướng huyện Chu Diên (Hà Nội). Gia đình Thi Sách là một gia đình yêu nước, có thế lực ở đất Chu Diên.
Bạn đang xem: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn được nhân dân Mê Linh tin phục. Từ lâu, hai chị em bà vẫn căm thù cuộc sống bạo ngược của viên thái thú nhà Đông Hán là Tô Định. Chính sách bạo ngược này thực ra là chính sách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán với toàn bộ người Âu Lạc, từ lạc tướng cho đến nô lệ.
Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách làm cho thế lực của bà – thế lực đối lập với chính quyền do Tô Định là đại biểu – lại càng lớn mạnh. Để tước bớt thế lực của gia đình Trưng Trắc đã lan ra khắp miền đất Vĩnh Phúc, Tô Định đã tìm cách giết chết Thi Sách. Hành vi bạo ngược của Tô Định không làm cho Trưng Trắc sờn lòng, mà trái lại càng làm cho bà thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, áp bức của nhà Đông Hán, khôi phục độc lập, “đền nợ nước, trả thù nhà”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Bà Trưng đã đặt nợ nước lên trên thù chồng. Trên dàn thề trước ba quân, bà nêu rõ 4 mục tiêu của cuộc khởi nghĩa:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này
Tháng 2 năm Canh Tý (năm 40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ – Hà Nội). Những người yêu nước khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến đánh Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) – thủ phủ của chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ. Chế độ áp bức của nhà Hán bị quật đổ, Luy Lâu được giải phóng.
Xem thêm : Lý thuyết: Điều kiện lịch sử và những tiền đề ra đời của triết học Mác
Lược đồ đường tiến quân của Hai Bà Trưng
Từ lâu người Việt Nam và các tộc người khác ở quận Giao Chỉ, quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), quận Nhật Nam (nay là miền đất từ dãy Hoành Sơn đến Quảng Nam) vô cùng căm giận chế độ áp bức, bóc lột tàn tệ của nhà Đông Hán. Cho nên khi chính quyền nhà Đông Hán bị đánh đổ ở Luy Lâu thì nhân dân trong các quận này hào hứng tham gia cầm vũ khí chống lại lũ quan lại và quân lính nhà Đông Hán.
Được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu, chính quyền và quân đội nhà Đông Hán tan vỡ đến đấy. Các dân tộc Mán, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông) đều hưởng ứng. Bọn Tô Định, Thứ sử, Thái thú của nhà Đông Hán thấy nghĩa quân nổi lên như vũ bão, đều hoảng sợ và theo nhau bỏ chạy về Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng ở khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã giải phóng được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh:
Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Hiểu rõ sự thống khổ của nhân dân nên khi lên ngôi vua, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng Trưng Vương đã có những quyết sách quan trọng như: ra lệnh miễn thuế khóa cho nhân dân trong hai năm, xóa bỏ chế độ lao dịch và binh pháp cũ… Anh hùng dân tộc Trưng Vương đã lập nên và giữ vững nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc trong gần 3 năm.
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã lật nhào chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ và Cửu Chân. Tin này đưa về triều đình nhà Hán. Vua Quang Vũ nhà Hán chuẩn bị cuộc phản công. Năm 42, Quang Vũ sai Phục ba tướng quân là Mã Viện, Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí đem quân ở các miền Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô sang nước Âu Lạc đánh Trưng Vương.
Lược đồ khởi nghĩa Hai Bà Trưng và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán (40-43)
Bộ binh của Mã Viện và thủy binh của Đoàn Chí gặp nhau ở Hợp Phố. Ở đây Đoàn Chí mắc bệnh rồi chết, Mã Viện thống suất cả thủy binh của Đoàn Chí. Mã Viện cùng quân đội men theo bờ biển tiến vào Âu Lạc. Đầu tiên quân Hán vào miền đất là tỉnh Hồng Quảng.Từ Hồng Quảng, quân Hán ngược sông Bạch Đằng tiến đến Lục đầu, sau đó tiến vào Lãng Bạc – Tiên Du – Bắc Ninh.
Được tin quân xâm lược nhà Hán do Mã Viện chỉ huy tiến vào Lãng Bạc, Trưng Vương cùng em là Trưng Nhị đem quân từ Mê Linh đánh Mã Viện. Tại đây đã diễn ra một cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân ta và bè lũ xâm lược. Quân của Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm, song do thế yếu nên bị thua, phải lui về Cẩm Khê (Yên Lạc – Vĩnh Phúc). Mã Viện đem quân đuổi theo. Sau gần 1 năm anh dũng chống địch, cuối cùng vì sức yếu, quân ta tan vỡ. Hai Bà Trưng về Hát Môn (Phúc Thọ – Hà Nội) rồi gieo mình xuống dòng Hát giang tự tận. Đến đây cuộc kháng chiến do Hai Bà Trưng lãnh đạo về căn bản đã thất bại, nhưng ở nhiều nơi nhân dân và nghĩa quân vẫn tiếp tục chống giặc. Ở quận Cửu Chân, một bộ phận của nghĩa quân do Đô Đương chỉ huy vẫn tiếp tục chiến đấu chống quân xâm lược nhà Đông Hán.
Xem thêm : Vì sao cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời? [Chi tiết 2024]
Tháng 11/43, Mã Viện mở đường qua Tạc Khẩu (Yên Mô – Ninh Bình) tiến quân vào Cửu Chân đàn áp nghĩa quân. Các thủ lĩnh địa phương cùng nhân dân nơi đây tiếp tục chiến đấu anh dũng. Hàng trăm thủ lĩnh, hàng ngàn nghĩa quân bị Mã Viện tàn sát. Đất nước ta lại mất quyền độc lập.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại độc lập cho đất nước trong gần 3 năm nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa ấy lại vô cùng vĩ đại, tiếng vang của nó đời đời bất diệt.
Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta; thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” trong những năm 40 sau Công nguyên. Phụ nữ Việt Nam ngay từ thời cổ đại không những khẳng khái, bất khuất mà còn có khả năng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh – Vĩnh Phúc
Cuộc khởi nghĩa của hai Bà là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nổ ra làm chấn động cả cõi Nam. Từ trong ngọn lửa của cuộc nổi dậy oanh liệt ấy tỏa ra chân lý lịch sử “Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng tự mình đã dựng nên, làm chủ đất nước và số phận mình. Không một sức mạnh nào tiêu diệt được nó”. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh, khi âm thầm, lúc công khai của nhân dân Việt Nam. Đấy là một phong trào nổi dậy của toàn dân, vừa quy tụ vào cuộc khởi nghĩa ở Hát Môn do Hai Bà Trưng đề xướng, vừa tỏa rộng trên toàn miền Âu Lạc cũ.
Cuộc khởi nghĩa của hai Bà tiêu biểu cho ý chí vươn lên của dân tộc ta, khai mào cho xu thế phát triển của lịch sử Việt Nam. Nó có tác dụng mở đường, đặt phương hướng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau này. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo là một trang sử vô cùng đẹp đẽ trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nó làm rạng rỡ dân tộc ta nói chung và làm vẻ vang cho phụ nữ nói riêng. Dân tộc Việt Nam luôn tự hào về Hai Bà Trưng!
Lê Khiêm tổng hợp
Nguồn tham khảo:
– Minh Hà, “Trưng Trắc và Trưng Nhị”, Hai Bà Trưng và Bà Triệu, H.: Phụ nữ, 1962, tr. 3 – 14.
– Đào Duy Anh, “Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc”, Lịch sử cổ đại Việt Nam giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến, H., 1957, tr. 54-73.
– Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43 sau công nguyên”, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, H.: KHXH, 1971, tr. 80-84.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp