Mẹ sau sinh bao lâu thì được đi xe máy? Đi xe máy sớm có biến chứng gì không?

Phụ nữ sau khi sinh con thường bị suy nhược cơ thể do mất nhiều năng lượng trong quá trình sinh nở. Do đó, mẹ cần kiêng cữ nhiều thứ để đề phòng các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và việc chăm con. Một trong những điều mẹ cần hạn chế là đi ra đường quá sớm, chẳng hạn như đi xe máy. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc mẹ sau sinh bao lâu thì được đi xe máy để giúp hồi phục cơ thể tốt hơn.

Mẹ sau khi sinh có nên đi xe máy không?

Ông bà ta thường có quan niệm rằng, các mẹ bỉm sau khi sinh con xong còn rất yếu, cần ở cữ. Ngày nay, các mẹ hiện đại thường có nhiều thắc mắc là sau khi sinh có được giặt quần áo không, có được tắm rửa không và được đi xe máy không. Để trả lời những thắc mắc này, chúng ta cần dựa vào các yếu tố như công việc, sức khỏe, điều kiện gia đình…

Vậy mẹ sau khi sinh con có được đi xe máy không? Trước đây, người ta cho rằng sau khi sinh 3 tháng thì mẹ bỉm mới được đi xe máy để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thời nay rất ít ai đợi đến 3 tháng mới được lái xe ra đường. Vì nhiều lý do cần thiết phải ra ngoài nên các chị em cảm thấy khỏe là có thể lấy xe đi.

Phụ nữ sau khi sinh con được ví như rắn lột da. Hành trình vượt cạn vừa đau đớn lại khiến mẹ mất nhiều máu và sức lực. Chưa kể, cơ thể mẹ vừa sinh dậy còn yếu ớt, thậm chí chưa thể chăm sóc tốt bản thân. Vì thế, mẹ bỉm cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Sau vài tuần, khi sức khỏe dần ổn định hơn thì mẹ có thể tự chạy xe ra ngoài. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên đi khoảng cách gần và che chắn cơ thể cẩn thận.

Đã có trường hợp mẹ bỉm vừa mới sinh con 1 tuần đã đi xe máy ra ngoài vì có việc gấp. Đây là điều hoàn toàn không nên. Dù có khỏe như thế nào thì cơ thể mẹ vẫn cần đủ thời gian để phục hồi sức lực. Khi ra đường, các tác động từ môi trường như khói bụi, nắng gió sẽ bào mòn sức lực mẹ hơn trước. Do vậy, mẹ bầu cần bảo vệ thân thể để đầy đủ sức khỏe chăm sóc con yêu.

Giải đáp: Mẹ sau sinh bao lâu thì được đi xe máy?

Mẹ bỉm không cần chờ đến 3 tháng 10 ngày theo quan niệm ông bà ta ngày xưa. Sau khi sinh 1 tháng là bạn đã có thể đi dạo quanh nhà để giải tỏa cảm xúc, xóa đi mệt mỏi cơ thể. Đối với thắc mắc mẹ sau sinh bao lâu thì được đi xe máy thì lời giải đáp còn phụ thuộc hoàn tình trạng sức khỏe và quá trình cơ thể hồi phục.

Theo các chuyên gia sản khoa, sản phụ sau khi sinh từ 6 đến 8 tuần là đã tương đối hồi phục sức khỏe. Tử cung của mẹ sẽ trở lại kích thước và hình dạng ban đầu. Đối với những mẹ sinh mổ thì quá trình hồi phục này sẽ chậm hơn một chút.

Tóm lại, sau sinh khoảng 6 tuần thì mẹ có thể đi xe máy. Trường hợp mẹ sinh mổ thì cần đợi ít nhất 2 tháng hoặc chờ đến khi vết thương lành hẳn thì mới chạy xe. Nếu mẹ chạy xe sớm hơn thì sẽ dễ gặp phải tình trạng bị sa tử cung. Nguyên nhân là tử cung vẫn chưa co hoàn toàn, còn to và nặng, cơ vùng chậu vẫn còn yếu. Việc mẹ di chuyển bằng xe máy, thường xuyên đi công tác trên đường xấu sẽ khiến tử cung bị sa với các dấu hiệu:

  • Vùng chậu bị trì trệ, vùng âm hộ bị áp lực.
  • Khó khăn trong việc tiểu tiện như tiểu không kiểm soát, bị đau khi đi tiểu, tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít.
  • Xuất hiện các cơn đau lưng dữ dội.
  • Khi vận động mạnh có thể thấy khối tròn tụt hẳn ra ngoài âm đạo.
  • Cảm thấy đau khi gần gũi chồng.

Ngoài ra, một số rủi ro khác mà mẹ có thể đối mặt nếu đi xe máy quá sớm sau khi sinh em bé là:

  • Căng thẳng vùng cột sống, đau lưng, nhất là ở các mẹ sinh mổ.
  • Căng thẳng đầu óc dẫn đến chóng mặt, đau đầu. Chưa kể, nắng gió, khói bụi trên đường phố là những yếu tố hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của mẹ sau sinh vì sức đề kháng của mẹ còn rất yếu.
  • Sau khi sinh, mẹ bỉm có thể bị chóng mặt do mất nhiều máu và thể lực. Khi tự chạy xe hoặc ngồi sau xe máy, mẹ dễ bị ngã hoặc gây tai nạn.

Mẹ sau sinh cần lưu ý gì khi đi xe máy?

Khi đi xe máy sau sinh, mẹ bỉm hãy lưu ý những điều sau:

  • Chỉ đi quãng đường ngắn, ít xóc nảy.
  • Giữ ấm, đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường.
  • Tránh chạy đến khu vực đông người hoặc đi thăm người ốm.
  • Không nên vận động nặng, không chạy xe đường dài, không di chuyển quá nhiều để cơ thể không bị mất nhiều năng lượng.
  • Chườm nước nóng ở những vùng như bẹn, bụng, lưng, sau đầu gối để giảm tình trạng đau nhức, nhất là sau khi ngồi xe máy. Bên cạnh đó, khi nằm, mẹ cũng không được nằm ở tư thế vắt chân khiến sản dịch chảy ra ngoài. Thêm vào đó, mẹ cũng không được ngồi xổm hay ngủ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi vì điều này sẽ khiến tử cung lâu hồi phục.

Những điều mẹ cần kiêng cữ sau khi sinh

Ngoài việc dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không đi xe máy quá sớm thì mẹ sau sinh cũng cần kiêng cữ những việc sau để phục hồi sức khỏe nhanh chóng:

  • Không dùng nước lạnh để đánh răng, rửa mặt, tắm gội.
  • Không kiêng gội đầu vì mồ hôi bết tóc sẽ gây nấm da đầu ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Không ăn các thực phẩm cay nóng, thức uống chứa cồn, cafein để hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng. Để đảm bảo chất lượng nguồn sữa cho bé bú và thúc đẩy cơ thể mẹ khỏe mạnh, bạn hãy ăn đa dạng các thực phẩm như thịt, cá hồi, trái cây, rau xanh, sữa, các loại hạt để bổ sung chất đạm, chất béo, sắt, chất xơ, vitamin.
  • Không quan hệ tình dục sớm mà hãy đợi sau khi sinh từ 4 đến 6 tháng.

Mong rằng với những chia sẻ trên từ nhà thuốc Long Châu, mẹ đã có lời giải đáp cụ thể nhất cho thắc mắc mẹ sau sinh bao lâu thì được đi xe máy. Bên cạnh các kiêng cữ cần tránh, mẹ bỉm hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để sớm phục hồi sức khỏe, tránh các biến chứng không mong muốn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp