Nhiệm vụ lịch sử của Nguyễn Ái Quốc
Lòng yêu nước và khát vọng cứu nước cháy bỏng đi theo Nguyễn Ái Quốc suốt những năm bôn ba đi tìm một con đường cứu nước mới cho dân tộc đang còn trong vòng nô lệ. Trong bóng tối dày đặc của chủ nghĩa thực dân đang bao trùm, Nguyễn Ái Quốc đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Lòng yêu nước nhiệt thành của Người đã mang thêm những yếu tố mới. Nguyễn Ái Quốc mau chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng, trở thành một người cộng sản. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin như một tất yếu. Sự gặp gỡ này phản ánh những nhu cầu đang đặt ra của lịch sử là xác định một con đường đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở VN. Nguyễn Ái Quốc chính là người đảm nhận nhiệm vụ lịch sử đó.
Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng giải phóng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Giành độc lập, giải phóng dân tộc tạo tiền đề để tiến lên giải phóng con người là mục tiêu chủ yếu cơ bản của cách mạng VN. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới bảo đảm giành được thắng lợi. Theo Nguyễn Ái Quốc: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, đại đoàn kết là một chiến lược cách mạng.
Lý luận cách mạng tiên tiến, khoa học là “điều kiện cần” cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. “Điều kiện đủ” không thể thiếu là phải xây dựng được một đảng cách mạng vững mạnh và đội ngũ cán bộ cách mạng đủ nhiệt tình và năng lực đưa lý luận cách mạng vào thực tiễn phong trào đấu tranh. Bằng những bước đi vững chắc, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị mảnh đất gieo những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho cách mạng VN.
Với tất cả những nỗ lực của mình, bằng những bước đi thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đã từng bước đưa tư tưởng cách mạng do Người tìm đến và mang về bén rễ vào thực tiễn cuộc đấu tranh của dân tộc. Giai đoạn 1925 – 1930 với sự hoạt động sôi nổi mạnh mẽ của lớp cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), phong trào cách mạng VN đã có bước phát triển nhảy vọt so với thời kỳ trước đó, dẫn đến sự ra đời các tổ chức cộng sản đầu tiên. Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở VN.
Đảng hợp nhất của những người cộng sản
Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng họp tại Hương Cảng (tức Hồng Kông, Trung Quốc) đầu năm 1930 gồm đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và An Nam cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm), Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Với uy tín và kinh nghiệm cách mạng của mình, những sự phân tích thấu tình đạt lý của Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã đem lại sự đoàn kết nhất trí cho những người cộng sản VN, hướng các chiến sĩ cách mạng về một mục tiêu chung.
Xem thêm : Lý do nam giới nên ăn nhiều súp lơ xanh
Trong hội nghị này, các đại biểu đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản VN, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Ngày 24.2.1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn đề nghị ban chấp hành lâm thời kết hợp tổ chức này vào Đảng. Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã được hoàn thành trên thực tế.
Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng tuy vắn tắt song đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng VN. Cương lĩnh xác định chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng VN là cuộc cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo và là cuộc cách mạng không ngừng.
Đảng Cộng sản VN, ngay từ khi mới ra đời, với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn, sáng tạo đã trở thành tổ chức đại biểu cho quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng đã mau chóng nắm quyền lãnh đạo cách mạng và giữ vững quyền này trong suốt những chặng đường đấu tranh của dân tộc.
Cho tới nay, Đảng Cộng sản VN đã lãnh đạo nhân dân VN hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đưa đất nước tiến lên con đường xây dựng CNXH. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thắng lợi mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, bước ngoặt Đổi mới năm 1986 là những mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân VN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu lãnh đạo nhân dân đấu tranh của Đảng trước kia đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ngắn gọn trong sáu chữ: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, ngày nay được Đảng bổ sung thêm: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng ta cũng thấy rõ hơn một tư duy sáng tạo, vượt trước thời đại của người con ưu tú của dân tộc VN đã góp phần định hướng đúng đắn cho cách mạng VN tới thắng lợi.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp